Tử tù COVID-19 vượt ngục, tù nhân náo loạn: Trách nhiệm Giám thị khám Chí Hòa?

Thiên Bình

Trung sĩ
Thành Viên
Từ vụ việc tù nhân náo loạn đến tử tù Nguyễn Kim An đang mắc COVID-19 vượt ngục, dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm Giám thị trại giam Chí Hòa cũng như các cán bộ có liên quan?

Ngày 16/7, Công an TP.HCM cho biết đã bắt được tử tù Nguyễn Kim An - đối tượng đang mắc COVID-19, vượt ngục trốn khỏi trại giam Chí Hòa.

Nguyễn Kim An là kẻ An giết bạn học chung để cướp tài sản, chở xác đến cầu Phú Mỹ (Quận 7, TP HCM) vứt xuống sông vào tháng 2/2014. Tháng 6/2015, Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử sơ thẩm, tuyên án tử hình đối với An. Ngày 21/9/2015, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP HCM tuyên y án sơ thẩm, tử hình bị cáo Nguyễn Kim An. Ngày 13/7, Nguyễn Kim An đã vượt ngục ở Trại tạm giam Chí Hoà. An có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Việc tử tù Nguyễn Kim An bỏ trốn, dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của Giám thị trại giam Chí Hòa cũng như các cán bộ liên quan. Trước đó, tối ngày 6/7, tại trại giam Chí Hòa do Công an TP.HCM quản lý cũng đã xảy ra sự việc nhiều phạm nhân có hành vi kích động, gây rối. Cảnh sát được huy động để xử lý, ổn định tình hình an ninh trật tự.

tu-tu-covid-19-vuot-nguc-tu-nhan-nao-loan-trach-nhiem-giam-thi-kham-chi-hoa.png

Tử tù trốn trại tạm giam Chí Hoà Nguyễn Kim An.

Trách nhiệm Giám thị khám Chí Hòa?

Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, trại giam có trách nhiệm quản lý người bị giam giữ, đặc biệt đối với những người bị tuyên án hoặc chuẩn bị chấp hành án tử hình. Các biện pháp quản lý và giam giữ đặc biệt nghiêm ngặt và trách nhiệm cực kỳ cao.

Do đó, việc để tử tù vượt ngục, trách nhiệm của giám thị trại giam và các cán bộ là khó tránh khỏi.

Theo luật sư Tùng, về trách nhiệm của cán bộ trực tiếp quản lý phạm nhân bỏ trốn cần căn cứ vào kết quả điều tra làm rõ nội dung sự việc và sai phạm của cán bộ trực tiếp quản lý. Tùy theo tính chất mức độ sai phạm có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định của ngành hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 376 Bộ luật Hình sự về Tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn.

Cụ thể, điều 376 Bộ luật Hình sự 2015 như sau: “1. Người nào được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý, canh gác, áp giải người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành hình phạt tù mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định về quản lý, canh gác, áp giải để người đó trốn thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Làm vụ án bị tạm đình chỉ;

b) Người bỏ trốn trả thù người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng;

c) Người bỏ trốn tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng”.

Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, liên quan sự việc tử tù Nguyễn Kim An,đối tượng đang mắc COVID-19, vượt ngục trốn khỏi trại giam Chí Hòa, cán bộ trực tiếp quản lý phạm nhân và cán bộ trại tạm giam, cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét trách nhiệm trong việc để đối tượng bỏ trốn.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy có cán bộ đã thiếu trách nhiệm không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chức trách nhiệm vụ được giao dẫn đến hậu quả phạm nhân bỏ trốn, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự cán bộ này về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ làm rõ trong quá trình giải quyết vụ án này.

“Cơ quan có thẩm quyền cần xem xét trách nhiệm của cơ sở giam giữ và các cán bộ có liên quan theo quy định pháp luật” – luật sư Cường nêu ý kiến.

tu-tu-covid-19-vuot-nguc-tu-nhan-nao-loan-trach-nhiem-giam-thi-kham-chi-hoa-hinh-2.jpg

Nguyễn Kim An khi bị bắt lại.

Tử tù trốn khỏi trại giam vẫn có thể lĩnh thêm tội danh

Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, tù nhân trốn trại là một tình huống nguy hiểm, tử tù trốn trại mà lại đang mắc COVID-19, tính chất nguy hiểm sẽ cao hơn rất nhiều lần khi có nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Cường cho rằng, hành vi trốn khỏi nơi giam giữ là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn khỏi nơi giam giữ theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015.

Cụ thể tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử được quy định tại Điều 386 Bộ luật hình sự 2015:

Tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử

1. Người nào đang bị tạm giữ, tạm giam, áp giải, xét xử hoặc chấp hành án phạt tù mà bỏ trốn, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người áp giải.”.

Như vậy, ngoài tội danh giết người, cướp tài sản đã có hiệu lực pháp luật và đang chờ thi hành án, đối tượng này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm tội trốn khỏi nơi giam giữ theo điều 386 bộ luật hình sự năm 2015 với mức hình phạt có thể lên đến 10 năm tù.

“Việc kết tội thêm về tội danh này cũng không có nhiều ý nghĩa, tuy nhiên khi xét xử tòa án sẽ tổng hợp hình phạt với bản án cũ và sẽ tuyên bản án chung là tử hình. Đối tượng có thể kháng cáo và có thể trải qua hai cấp xét xử nữa, kéo dài thêm thời gian trước khi thi hành án tử hình”, luật sư Cường nêu ý kiến.
 
Top