Nghi vấn Đại Phước Group "hưởng ké" uy tín từ các tập đoàn lớn nhờ "nhái thương hiệu nhận diện"

Thiên Bình

Trung sĩ
Thành Viên
Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Phước (Đại Phước Group) đã phải đổi bộ nhận diện thương hiệu đến 3 lần sau khi bị báo chí liên tục phản ánh về việc nhái logo. Mới đây nhất, Đại Phước Group lại tự nhận là chủ đầu tư của dự án Phúc An Ashita tại Bình Dương. Vì sao Đại Phước Group phải có những việc làm như vậy, nếu là 1 đơn vị làm ăn chân chính?!

Picture1.png

Website chính thức của Đại Phước Group
Đơn vị môi giới “tự xưng” chủ đầu tư dự án, lừa dối khách hàng?

Việc các doanh nghiệp bất động sản bị nhái thương hiệu không còn là điều xa lạ. Gần đây nhất, các kênh truyền thông được phen xôn xao khi dự án quy mô gần 10ha xuất hiện. Dự án này toạ lạc tại trung tâm kinh tế mới của huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Duơng, được gọi là Phúc An Ashita.

Phúc An Ashita được giới thiệu gồm 400 căn biệt thự song lập, nhà phố, shophouse. Mức giá chào bán rơi vào khoảng từ 3.6 – 4 tỷ đồng/căn biệt thự diện tích 200 m2, hoặc 2.6 – 2.9 tỷ đồng/1 shophouse…

Phúc An Ashita nằm ngay vị trí đắc địa khi giáp với khu dân cư chợ mới, khu dân cư hiện hữu, trường học các cấp. Cụ thể, dự án toạ lạc ngay trên đường Thiếu Niên 3, xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Đặc biệt, Phúc An Ashita nằm đối diện với dự án khu công nghiệp Chơn Thành 1 và 2, rộng gần 500ha đang hoạt động với hơn 20.000 công nhân đang làm việc, hơn 500 chuyên gia và cán bộ từ các nước Thái Lan, Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc…

dai-phuoc-group-tu-nhan-chu-dau-tu(1).png

Đại Phước Group tự nhận là chủ đầu tư của dự án Phúc An Ashita?
Ghi nhận thông tin trên một bài quảng cáo được biết “Dự án có hạ tầng đồng bộ, giao thông thuận lợi, kết nối các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và miền Tây qua các trục đường chính như Quốc lộ 13, Quốc lộ 14, Cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn - Nhơn Trạch, đường Vành Đai 4, đường Hùng Vương, Cao tốc TP.HCM - Thành phố Thủ Dầu Một - Chơn Thành…

Tiện ích nội khu hiện hữu bao gồm: Trường học, công viên cây xanh, trung tâm vui chơi và Trung tâm thương mại, ngân hàng hỗ trợ vay tối đa 70%. Dự án hiện đã xây xong và ra sổ hồng hoàn chỉnh cho từng căn”.

Câu chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu những bài quảng cáo trên không hiển thị thông tin chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Phước (Đại Phước Group)?! Hơn nữa, các bài quảng cáo cũng được in logo nhận diện thương hiệu của Đại Phước Group tại hạng mục chủ đầu tư dự án.

Qua ghi nhận của các phóng viên báo chí, thực tế, chủ đầu tư của dự án này là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh Bất động sản Đất Thành. Tên chính thức của dự án này là Khu nhà ở thương mại Đất Thành, chứ không phải là Phúc An Ashita như trên quảng cáo.

Hiện vẫn chưa có điều tra chính thức về vai trò của Đại Phước Group tại dự án này. Thể nhưng, việc mạo danh tự xưng chủ đầu tư dự án đã phần nào khiến khách hàng hiểu lầm. Những khách hàng quan tâm đến dự án lần này đang đặt câu hỏi “Rốt cục Đại Phước Group đang làm gì?”. Và trên tất, nếu vẫn chưa có câu trả lời minh bạch từ nguời có liên quan thì khách hàng vẫn một mực quan ngại để có thể trao niềm tin, tiền bạc vào dự án này.

Đại Phước Group liên tục thay đổi bộ nhận diện, cố tình đứng cạnh các “ông lớn” để hưởng ké uy tín?

Logo chính là bộ nhận diện của doanh nghiệp. Nó chính là bộ mặt của doanh nghiệp để khi người khác nhìn vào lựa chọn, đánh giá, tin tưởng, đồng hành cùng doanh nghiệp. Thế nhưng, việc đổi logo – bộ nhận diện thương hiệu của Đại Phước Group lại diễn ra như cơm bữa. Với doanh nghiệp, việc thay đổi bộ nhận diện thương hiệu là một việc hệ trọng và rất quan ngại để có thể thay đổi. Điều này dường như có vẻ không đúng đối với Đại Phước Group?

Theo như báo chí đã phản ánh trước đó, Đại Phước Group là một thương hiệu mới bước chân vào thị trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại thiết kế logo và sử dụng tên thương hiệu dễ gây nhầm lẫn với Đại Phúc Group – một thương hiệu bất động sản lớn với hơn 25 năm hình thành và phát triển, sở hữu tổng quỹ đất gần 400ha.

Tại sự kiện giới thiệu dự án Long Hội Central Point, Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Phước (Đại Phước Group) tự giới thiệu là đại lý chiến lược, sử dụng logo có thiết kế gần giống với logo của Đại Phúc Group, khiến nhiều khách hàng nhầm lẫn 2 thương hiệu là 1. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land khẳng định, doanh nghiệp này không có bất cứ mối quan hệ nào với Dai Phuoc Group. Điều này không chỉ gây nhầm lẫn về tên doanh nghiệp, mà việc nhái thương hiệu gần tương đồng cũng sẽ gây hiểu lầm cho khách hàng.

Đó là do sự vô ý gây nên sự trùng hợp không đáng có? Do chỉ là một “tân binh” mới bước chân vào nghề chưa qua tìm hiểu để biết đến “cây đa cây đề” làng bất động sản như Đại Phúc Group? Hay hơn hết là một sự tính toán có hệ thống “bắt chước” trắng trợn để hưởng lợi từ “ông lớn”? Loạt câu hỏi đặt ra, và ai cũng có cho mình cái quyền chọn câu trả lời thực sự phù hợp và công tâm.

lo-go-gay-nham-lan.jpeg

Đại Phước Group từng sử dụng logo gây nhầm lẫn với Đại Phúc Group
Sau phản ánh của báo chí, doanh nghiệp này ngay lập tức thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu từ Đại Phước Group sang Đại Phước Land và sử dụng logo tông màu xanh lá cây, đỏ nổi bật, để không nhầm lẫn với Đại Phúc Group.

Chưa dừng lại ở đó, mới đây lại ghi nhận một lần nữa, doanh nghiệp này tiếp tục đổi logo nhận diện thành một chữ “D” được vẽ thành nhiều nét sọc. Màu của logo hiện đã đổi qua màu xanh hoàn toàn thay vì pha lẫn đỏ hoặc xanh vàng như trước.

Theo giới thiệu, Đại Phước Group là đơn vị đầu tư đa lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất là lĩnh vực bất động sản. Với nhiều năm kinh nghiệm, Đại Phước Group đã đưa ra thị trường hàng ngàn sản phẩm khắp các tỉnh thành như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Bắc Giang… và sắp tới sẽ còn mở rộng ra các tỉnh thành khác.

dai-phuoc-land-doi-ten.jpeg

Đại Phước Group tiếp tục đổi logo nhận diện qua chữ “D” màu xanh lá

Với hạt nhân cốt lõi là bất động sản, Đại Phước đang trên đà chuyển đổi thành mô hình tập đoàn, đổi mới, xây dựng hoàn chỉnh và đầu tư mở rộng ra các lĩnh vực như bất động sản công nghiệp, bất động sản rừng sản xuất, khai thác chế biến lâm sản, nhà hàng khách sạn…

Charm Land nằm trong “mưu đồ” nhái thương hiệu của Đại Phước Group?

Theo trang web của Đại Phước Group, doanh nghiệp này bao gồm hệ thống các công ty con và công ty thành viên. Điển hình như Công ty cổ phần Đầu tư Đại Phước Homes (DP Homes); Công ty cổ phần Đầu Tư Charm Land (Charm Land); Công ty cổ phần Đầu tư Đại Lâm (Đại Lâm Group); Công ty cổ phần Đại Phước Bắc Giang (Đại Phước BG); Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Home & Farm; Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Thời Đại (Thời Đại Land); Công ty cổ Phần Vườn Quê Việt; Công ty cổ Phần HP Group (HPG); Công ty cổ Phần Bất động sản Xuyên Mộc (XML); Công ty TNHH AEC – Tín Lộc Hồ Tràm; Công ty TNHH Vĩnh Phú; Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Bất động sản Thiên Long (Thiên Long Land).

Trong số những công ty này, tại sự kiện giới thiệu dự án Long Hội Central Point mới đây, đơn vị phân phối Charm Land cũng sử dụng tên thương hiệu và tên website gây nhầm lẫn với Charm Group. Tuy nhiên, qua xác minh Charm Land không phải là công ty con của Charm Group cũng không có mối quan hệ với các thành viên HĐQT Tập đoàn này. Những thông tin tương đồng này khiến khách hàng rất dễ nhầm lẫn Charm Land là thành viên của Charm Group, theo mô hình của nhiều tập đoàn bất động sản khác.

charm-land-dai-phuoc.jpeg

Cặp đôi “lùm xùm” Charm Land và Đại Phúc Group quần tụ tại Long Hội Central Point. Theo giới thiệu, Charm Land là công ty con, công ty thành viên của Đại Phước Group, nhưng lại sử dụng tên thương hiệu và tên website gây nhầm lẫn với Charm Group
Trên website charmlandmiennam.com phần giới thiệu thậm chí đưa thông tin về Tập đoàn Charm Group. Còn trên website charmland.vn lại đưa thông tin địa chỉ liên hệ của Charm Land nhưng toàn bộ dự án là của Charm Group. Thậm chí, phần giới thiệu lãnh đạo Charm Land còn lấy hình ảnh người khác làm hình ảnh minh họa.

Sau khi báo chí đăng tải thông tin, website charmland.vn đã “đóng cửa”, không thể truy cập. Tuy nhiên, hiện tại, website này đã mở và cập nhật lại thông tin. Trong đó, thông tin từ website cho biết, “Charm Land có đội ngũ nhân viên kinh doanh chuyên nghiệp, có chuyên môn cao, kinh nghiệm nhiều năm trong ngành bất động sản cam kết sẽ liên kết với các đơn vị chủ đầu tư uy tín để mang đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng nhất có thể”. Còn phần giới thiệu toàn bộ thông tin về Tập đoàn Charm Group và lãnh đạo Charm Land đã được trang này gỡ bỏ.

gioi-thieu-charm-land-cap-nhat.png

Charm Land đã đổi lại phần giới thiệu sau phản ánh của Reatimes. Phần giới thiệu toàn bộ thông tin về Tập đoàn Charm Group và lãnh đạo Charm Land đã được trang này gỡ bỏ
Mặc dù vậy, trong phần dự án, website này vẫn đưa thông tin Charm Long Hải, đây là dự án trọng điểm mà Charm Group đang truyền thông mạnh nhất thời gian gần đây. Bên cạnh đó là một số dự án mà Charm Group đã hé lộ sẽ triển khai trong thời gian tới như Charm Đà Lạt, Charm Hồ Tràm…

Gioi-thieu-du-an-charm-land.png

Dù đổi phần giới thiệu nhưng website của Charm Land vẫn đưa thông tin Charm Long Hải, đây là dự án trọng điểm mà Charm Group đang truyền thông mạnh nhất thời gian gần đây

Theo các chuyên gia, việc một thương hiệu mới ra đời mà đã nhái tên, cố tình gây nhầm lẫn cho khách hàng để dẫn dụ chắc chắn sẽ không thể tồn tại và phát triển lâu dài. Thương hiệu của một doanh nghiệp có được là nhờ giữ được uy tín. Việc nhái tên là biểu hiện của tư duy làm ăn chụp giật. Do đó, khách hàng cần hết sức cảnh giác với những trường hợp có dấu hiệu này, nếu không muốn lãnh hậu quả về sau.

Cần có chế tài mạnh mẽ để bảo vệ thương hiệu cá nhân, doanh nghiệp?

Tình trạng nhái tên thương hiệu, dự án trên thị trường hiện nay, đặc biệt là việc doanh nghiệp địa ốc bị xâm phạm thương hiệu đến từ nhiều khía cạnh và khá phổ biến. Mặc dù đã đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn bị xâm hại.

Nguyên do bởi, các doanh nghiệp cố tình nhái thương hiệu thường có tính toán rất kỹ lưỡng. Các doanh nghiệp này lập dự án hoặc tên công ty gần giống hoặc na ná tên một doanh nghiệp lớn và logo cũng khác so với logo của doanh nghiệp mà họ nhái.

Chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, đã đến lúc cần sự chế tài mạnh mẽ hơn từ các cơ quan quản lý nhà nước để chấm dứt tình trạng này. Bởi kiểu kinh doanh chụp giật, không gieo mà chỉ muốn gặt nhanh, bất chấp thủ đoạn và hoạt động ngày càng lộng hành như hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, mà còn là chướng ngại cản bước phát triển của thị trường bất động sản.

“Những hành động xâm phạm thương hiệu như thế này cần được chấn chỉnh để trả lại sự công bằng cho các bên bị hại. Cơ quan chức năng có thể xử phạt hành chính thật nặng, rút giấy phép, ngưng cho hành nghề thậm chí truy tố nếu gây hậu quả nghiêm trọng… như vậy thị trường mới bớt loạn”, bà Hương nhấn mạnh.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SLAW cho biết, để thực thi các quy định pháp luật về quyền sở hữu tốt hơn cũng như giúp các doanh nghiệp bảo vệ tốt hơn quyền lợi của mình, cần có văn bản giải thích rõ ràng thế nào là “nhãn hiệu, dấu hiệu khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó”. Việc này có ý nghĩa rất lớn tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thực thi một cách chủ động và chính xác. Đồng thời cũng hạn chế tình trạng phải trưng cầu giám định, rút ngắn thời gian xử lý, bảo đảm quyền lợi của chủ văn bằng.

Biện pháp nữa là tăng mức tiền xử phạt hành chính, yêu cầu về tính minh bạch trong xử lý vi phạm hành chính. Để đáp ứng được yêu cầu này, nhất thiết các số liệu và thông tin có liên quan phải được công bố công khai. Những hồ sơ của các khoản phạt hành chính, thông tin liên quan đến đối tượng xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu cũng phải được minh bạch hơn. Điều này ở một mức độ nhất định có tác dụng trong việc ngăn ngừa và cảnh báo hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.
 
Top