Mùa thi và câu chuyện cuộc đời

Thiên Bình
Thiên Bình
Bình luận: 0Lượt xem: 3,053

Thiên Bình

Trung sĩ
Thành Viên
Tháng 6, tháng 7 - cao điểm mùa thi và những câu chuyện muôn năm cũ vẫn luôn mang tính thời sự qua các kì thi khốc liệt. Thi vào lớp 6, lớp 10, thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học… Bên cạnh những niềm vui vỡ òa là những giọt nước mắt. Và không phải thất bại nào lỗi cũng thuộc về những đứa trẻ. Khi chúng phải gánh trên vai giấc mơ quá lớn của cha mẹ…

dhqghn-1021-4477.jpg

Ngoài kia, mỗi ngày là vài bài thi. Những bài thi cuộc đời… (Ảnh minh họa)

Xin đừng trút giận lên những đứa trẻ

Chia sẻ trên Báo PLVN, câu chuyện bắt đầu từ tiếng quát lớn “Quỳ xuống, mày không quỳ tao đánh chết mày luôn” vọng ra từ sân trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội). Theo đó, nhiều người đã chứng kiến hình ảnh một bé gái sợ hãi quỳ gối ở khuôn viên trường trước gương mặt giận dữ của người phụ nữ tóc ngắn.

Theo lời kể của một số người chứng kiến sự việc từ đầu, đây là hai mẹ con đến đăng ký học tại Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm nhưng không đủ điểm. Cô con gái trước đó đã thi trượt kỳ thi vào lớp 10 trường công lập của Hà Nội.

TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy) cho biết, ngày xảy ra sự việc, ông không ở trường, sau đó đã nhận được báo cáo sự việc từ các thầy cô.

Theo thầy Hòa, lý do xảy ra sự việc trên là do con gái thi lớp 10 được 32 điểm, trong khi điểm chuẩn vào trường Nguyễn Bỉnh Khiêm là 40 điểm. Phụ huynh này trước đó đã đóng phí đăng ký sớm (phí giữ chỗ vào trường), nhưng theo thầy Hòa, khi được cộng 2 điểm phí giữ chỗ thì học sinh này vẫn không đủ điểm vào trường.

“Theo tìm hiểu, tôi được biết cả gia đình em vừa trải qua biến cố lớn. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cộng với sự đau thương do mất người thân đã khiến học sinh và phụ huynh chịu nhiều tổn thương”.

“Cuộc đời của mỗi người không có chuyện lúc nào cũng thành công. Học sinh cũng vậy, có lúc các con sẽ thua thiệt, có khi lại vấp ngã hoặc không vượt qua thử thách về thi cử. Bản thân tôi lúc còn trẻ cũng vậy, tôi học tốt nhưng cũng nhiều lần thất bại trong các kỳ thi. Tuy nhiên, cha mẹ tôi không quá để ý vấn đề đó, vẫn luôn động viên và đồng hành, tin tưởng ở tôi. Đây là động lực và sức mạnh rất lớn để tôi tin tưởng ở bản thân mình và nỗ lực vượt qua khó khăn. Còn hiện nay, càng hiện đại thì cha mẹ càng để ý đến thành tích, vô tình gây áp lực lên các con”, thầy Hòa chia sẻ.

Cũng theo thầy Hòa, mỗi học sinh sẽ có một năng lực nhất định và thuộc các tầng cấp khác nhau. Ở kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT mới dừng lại ở việc đánh giá ở năng lực học tập. Vì vậy còn rất nhiều năng lực khác ở học sinh chưa được khai phá. Và quan trọng, cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Mỗi học sinh có một điểm số thi khác nhau và các trường cũng có những điểm chuẩn khác nhau. Vì vậy, học sinh và cha mẹ phải có lựa chọn sáng suốt phụ thuộc vào năng lực và sở thích của con.

Nếu điểm số vẫn khó đạt để vào trường công thì còn những trường tư chào đón các con. Trường tư này không đủ điểm chuẩn thì còn nhiều ngôi trường khác. Đặc biệt hiện nay có nhiều ngôi trường tốt xét tuyển bằng điểm học bạ nên còn nhiều cơ hội dành cho các con. Sau cùng, tôi muốn nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh, hãy bình tĩnh và ở bên con để cùng tháo gỡ vướng mắc và khó khăn. Xin đừng trút giận lên những đứa trẻ” - thầy Hòa nhắn nhủ.

Trên trang cá nhân, chị Vĩnh Hà (Hà Nội) bày tỏ: “Bảy năm trước, tôi cũng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong ngày báo điểm: sốt ruột, ngóng trông, hy vọng, thất vọng và tuyệt vọng. Tôi lúc đó là bà mẹ học sinh lớp 9 với suy nghĩ ngây thơ là cái trường THPT ở khá gần nhà mình, sinh ra là để cho những đứa trẻ 16 tuổi ở xung quanh vào học. Chuỗi ngày ôn tập miệt mài suốt năm lớp 9, tôi tin vào lựa chọn của con. Nhưng rồi con đã trượt cả hai nguyện vọng…

Lẽ ra tôi phải biết số trường THPT ở Hà Nội suốt 20 năm qua chỉ luôn đáp ứng được 62% cho những đứa trẻ 16 tuổi vào học. Sau 20 năm, số trường THPT không tăng lên là bao, nhưng dân số cơ học tăng lên gấp chục lần… Thế nên kì thi vào 10 đã nóng và cũng sẽ tiếp tục nóng hết năm này qua năm khác. Nếu có thể, các bố mẹ hãy cho con một chỗ dựa, rằng ngày mai trời lại sáng!...”.

Thế giới luôn cân bằng, cuộc đời luôn có vay, có trả, có nhân, có quả. Thất bại sớm thì được làm lại sớm. 80 tuổi nhìn lại sẽ thấy, so với cả cuộc đời thì việc “thành công bị trì hoãn” 1, 2 năm chẳng đáng là bao. Thành công vĩ đại nhất đến từ sự tự do thất bại”. Các cha mẹ ạ, hãy cho con mình quyền tự do thất bại”!...

Những ám ảnh kinh hoàng

Nhiều người vẫn thường nói: “Nhà là nơi bão dừng sau cánh cửa”, nhưng để “bão dừng sau cánh cửa” thì mỗi thành viên trong gia đình phải thật sự biết yêu thương, thấu hiểu và sẻ chia. Bi kịch đỉnh điểm khi “thần đồng” 17 tuổi tự tử vì kỳ vọng của mẹ quá lớn trong phim “Hãy nói lời yêu” gây ám ảnh dư luận.

Là phim nhưng cũng là đời thực. Sau đổ vỡ hôn nhân, bà Hoài đặt tất cả niềm tin, niềm tự hào lên Minh, nên khi thấy con thi trượt kì thi học sinh giỏi quốc gia thì bà ngày càng áp lực, càng căng thẳng. Khi phát hiện ra Minh chơi game, bà Hoài đã nổi cơn tam bành, trút hết giận dữ lên con trai. Tưởng rằng vì chơi game nên Minh học hành sa sút, bà Hoài đã thẳng tay đập phá máy tính và máy chơi game của con mặc cho con có giải thích là đã chơi từ lâu và vẫn học rất tốt.

Để đạt mục tiêu đỗ thủ khoa đại học, bà Hoài đã nhốt Minh trong phòng. Thậm chí, trong bữa cơm, sự phản kháng yếu ớt của Minh cũng bị bà Hoài dập tắt, không ngừng chửi mắng. Bà chỉ biết nhồi cho Minh ăn như nhồi gà, vịt cho nặng kí. Sưu tầm từng chồng sách, mời thầy về bắt Minh học cho “thiên hạ sáng mắt”, bởi “con là niềm tự hào của mẹ”, nhất định con phải đạt giải Nhất kì thi toàn quốc, phải đỗ Đại học Y Hà Nội…

Sự “quẫy đạp” cuối cùng của Minh đã không còn. Ngọn lửa hy vọng leo lắt ngày một tắt dần. Những khoảnh khắc vui đùa bên chị gái hay bên bố cũng không thể cứu vãn được nữa. Cuối cùng, Minh đã tự tử trong sự tuyệt vọng nhất, áp lực nhất. Minh đã chọn cách giải thoát cho bản thân bằng cách bế tắc nhất.

Sự ra đi của Minh không chỉ gây nên nỗi ám ảnh cho bà Hoài mà còn là một cú sốc, một hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh. Rất nhiều người đã bày tỏ sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh Minh tự tử vì áp lực mà người mẹ đã đặt lên con mình.

Chuyên gia tâm lý Trần Thu Hà chia sẻ: “Thi chuyên lớp 6, thi vào lớp 10, rồi thi tốt nghiệp. Có bạn đậu, nhưng cũng có nhiều ngàn bạn trượt. Mùa này mình sẽ lại nhận những email, những tin nhắn đẫm nước mắt. Có những trường hợp còn đau hơn nước mắt, khi cô cậu học trò nhỏ đó không khóc được và tìm tới cái chết. Mùa này, học sinh tự tử nhiều nhất trong năm.

Thi cử ở Việt Nam là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Không biết có bố mẹ nào, lớn rồi mà vẫn còn ngủ mơ bị đi thi không? Mình cũng hay mơ đi thi, rồi hoặc là bị trễ giờ, hoặc là bị sai quy chế phòng thi, hoặc quên cái gì đó, nhầm cái gì đó… Có lần mơ làm bài xong, chuông hết giờ thì tờ giấy thi bỗng trắng trơn, chữ biến đâu mất sạch… Mình đã khóc tức tưởi trên gối. Rồi giật mình tỉnh dậy, muốn sụp lạy vì đã 40 tuổi, không còn phải đi thi nữa.

Mình nhớ, ngày xưa, trước kỳ thi bố mẹ thường dậy sớm nấu xôi đỗ xanh, phải là đỗ xanh hoặc đỗ đỏ, chứ không xài đỗ đen. Suốt hàng tháng trời, hàng năm trời, ông bà, chú bác đi qua, ai cũng chúc “thi tốt”, “thi đậu”,… Ba mẹ bây giờ cũng vẫn thế, thao thức, đi nhẹ, nói khẽ. Thầy cô thì lo lắng chuẩn bị, tập huấn, tập dượt. Những công trình xây dựng quanh trường học cũng phải tạm dừng. Thậm chí cảnh sát chốt các ngã ba, ngã tư để tránh kẹt xe… Tất cả những chăm sóc bất thường đó, gói bên trong là sự kỳ vọng. Những thí sinh luôn cảm nhận được sự kỳ vọng đó. Và nó nặng, nặng lắm!

Nếu con thi trượt… Các kỳ thi ở trong trường chỉ là một mảng rất nhỏ. Ngoài kia, mỗi ngày là vài bài thi... Nhiều bạn sợ thi tới mức không bao giờ coi tuổi học trò là tuổi đẹp nhất cuộc đời. Bắt đầu từ ngày hôm nay, cho tới hết tháng 9, nhiều học trò sẽ biết tin thi đậu trường chuyên, đại học… Và luôn luôn nhiều hơn số đó, là các bé thi trượt. Chúc mừng các mẹ có con thi đậu! Và cũng chúc mừng các mẹ có con thi trượt! Cái gì đã diễn ra, có nghĩa là nó đã xong! Phần Lan, nền giáo dục top đầu thế giới, còn có hẳn 1 ngày để tôn vinh người thua cuộc, thất bại, kém may mắn. Đó là ngày 13/10 hàng năm - Day of Failure. Bộ Giáo dục Anh từ nhiều năm trước đã yêu cầu không gọi là “thi trượt”, mà phải gọi là “thành công bị trì hoãn”. Một thay đổi nhỏ mà vô cùng nhân văn.
Hãy để con sống đúng lứa tuổi của mình, được đi học vì bản thân chứ không phải vì kỳ vọng của cha mẹ. Đừng đánh đổi bình an của con để lấy điểm số, giấy khen và những tháng ngày chỉ biết thi cử, học hành và những nặng trĩu trên vai bởi “không muốn làm mẹ thất vọng”.

Vì các con sinh ra trên đời này là để sống. Không phải chỉ để thi!

Những bài thi với chính bản thân mình, đó mới là những bài thi khó khăn nhất, khốc liệt nhất. Mình đã gặp những bạn từng học chuyên, từng du học, từng rất thành công ở tuổi học sinh, thi đâu đậu đó, là niềm hãnh diện cho cả trường, cả dòng họ. Và rồi, họ phóng lên phía trước quá nhanh với vận tốc quá lớn. Tất cả những gì đi quá nhanh đều chứa nhiều rủi ro…

Còn nhớ, năm ngoái, cô Hạnh, hiệu trưởng một trường công ở Đà Nẵng đã có thư gửi con mình: “Mẹ không thể đánh đổi sự bình an của con để lấy kết quả học tập tốt hơn bởi cái theo con suốt cả cuộc đời không phải giấy khen, điểm số mà là những trải nghiệm”. Làm trong ngành giáo dục và là một người mẹ quan sát kỹ từng bước con trưởng thành, cô Hạnh đã nhìn ra những khiếm khuyết của con và nguyên nhân con trượt lớp 10. “Cái đích đến cuối cùng của con người… là trở thành một con người có ích và biết cách sống hạnh phúc, bình an”...
 
Top