Vượt qua nỗi lo mỗi mùa thi tới

Huyền Anh

Binh nhì
Thành Viên
Đến hẹn lại lên, cứ mỗi mùa thi, tỉ lệ học sinh mắc các chứng rối loạn âu lo, rối loạn tâm thần cứ tăng lên. Áp lực học hành, thi cử, gia đình; không có ai thấu hiểu,… liên tục bủa vây những bạn chỉ mới chạm một tay đến ngưỡng cửa của sự trưởng thành.

1652956043873.png


Áp lực, căng thẳng, rối loạn âu lo... là nỗi lo với các em học sinh trong mùa thi cử. Ảnh: st

Gần đây, việc trẻ tự tử do bị trầm cảm, do áp lực học tập diễn ra liên tiếp nhau đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội. Đầu tiên là vụ việc xảy ra vào cuối năm 2021, bé trai T.T.D. (12 tuổi, tại, Hà Nội), rơi từ tầng cao chung cư xuống đất tử vong. Trong biên bản tử vong ngoại viện của Trung tâm cấp cứu 115 ghi theo lời khai nhận của gia đình, do áp lực việc học hành, làm bài thi không tốt nên em D. đã bất ngờ nhảy từ tầng 22 xuống đất.

Cũng vì áp lực học tập, gần đây nhất, hôm 31/3, một nữ sinh lớp 8 ở Bắc Ninh có dấu hiệu trầm cảm đã tìm đến cái chết bằng cách treo cổ tại nhà. Gần đây nhất là vào tháng 4/2022 cũng đã xảy ra vụ việc một em học sinh lớp 8 uống 40 viên paracetamol để tự vẫn.

Những sự việc trên là một hồi chuông báo động liên tiếp cho ngành giáo dục, bởi những vụ việc như vậy không phải hiếm. Áp lực là nguyên do khiến cho hầu hết trẻ vị thành niên nảy sinh rất nhiều những suy nghĩ bồng bột và nguy hiểm.

Các nghiên cứu trong nước đã chỉ ra nhóm có độ tuổi có tỉ lệ tự tử tại Việt Nam những năm gần đây đang tăng cao, chiếm hơn 7.5% dân số, cao nhất là từ 16 - 20 tuổi; nhóm có nguy cơ tự tử cao thứ hai từ 12 – 15 nhưng đang có xu hướng trẻ hóa. Nghiên cứu cũng chỉ ra khoảng 26,1% học sinh lớp 11, 12 có căng thẳng (stress), trong số những nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng này, thi cử xếp ở vị trí thứ 2.

1652956371799.png


Áp lực tăng cao ở học sinh vào mỗi mùa thi khiến các em dễ rơi vào trạng thái quá tải. Ảnh: st
Nỗi lo bủa vây

Ở giai đoạn học sinh trung học phổ thông, các em phải đối mặt với sự thay đổi rất lớn về tâm lý, sinh lý, thể chất của tuổi dậy thì, và đây cũng là giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người; vượt qua những kỳ thi và xác định ngành, nghề, vị thế trong tương lai. Phải chăng, các em đang bị ‘ép chín’, gánh trên vai áp lực quá nặng cho chính tương lai của mình và đòi hỏi của xã hội.

Thạc sĩ Tâm lý Mai Thị Nguyệt - Khoa Tâm lý bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM cho biết: "thực tế cho thấy, đời sống ngày càng áp lực cao với những yêu cầu ngày một khắt khe nó đòi hỏi trẻ luôn phải nỗ lực để vượt qua, để thành công hay thỏa mãn sự mong đợi của người lớn đặc biệt các bậc cha mẹ luôn đặt ước mơ mình trên đôi cánh của con cái, việc này gây nên áp lực rất lớn cho trẻ”

Sự căng thẳng trong thi cử vừa đến từ sự tự kỳ vọng và áp lực đạt mục tiêu từ chính bản thân vừa đến từ các yếu tố ngoại cảnh như sự kỳ vọng của thầy cô, cha mẹ. Ngoài điểm số, nhiều bậc phụ huynh còn đặt nặng về việc con cái phải phát triển toàn diện, cả về năng khiếu và các phong trào thi đua.

Đồng thời, chính bản thân các em cũng muốn chứng minh bản thân, tự so sánh mình với bạn bè đồng trang lứa, nhìn bạn bè mình liên tục đạt thành tích cao, được khen ngợi cũng khiến các em áp lực, muốn bản thân cũng phải đạt được thành tựu và công nhận.

Hơn nữa, trên thực tế, xã hội cũng đang ngày một phát triển, đòi hỏi nhiều hơn từ những thế hệ tiếp nối về kiến thức, kỹ năng... ở nhiều phương diện. Do đó, với mong muốn cầu thị và đạt được nhiều hơn những giá trị trong tương lai, nhu cầu hoàn thiện toàn diện để theo kịp yêu cầu xã hội cũng là một trong những áp lực rất lớn đối với các em hiện nay.

Một em học sinh lớp 12 giấu tên chia sẻ với PV: “Em không có sự lựa chọn nào ngoài học tập và cố gắng, rất nhiều lần em muốn từ bỏ nhưng không thể. Có lúc mệt quá em đã bật khóc, em cảm thấy mình không còn sức lực nữa. Em sợ em không đạt được mong muốn và kỳ vọng của ba mẹ…”

1652954912339.png


Ngày càng nhiều định kiến và áp lực đối với các em. Ảnh: st

Đối mặt để vượt qua

Theo thạc sĩ Tâm lý Mai Thị Nguyệt cũng, nếu căng thẳng thường xuyên và với cường độ cao thì nó khiến con người khó có thể vượt qua và phá vỡ ứng xử… gây ra cảm giác vô cùng khó chịu, thúc đẩy những hành vi mất kiểm soát có thể dẫn đến nhiều hành vi nguy hiểm. Do đó, mỗi học sinh cần có cách đối phó khác nhau để bản thân có thể chấp nhận và vượt qua.

Cha mẹ cũng cần hiểu rằng, nếu áp lực con trẻ vừa đủ thì điều đó sẽ trở thành động lực giúp cho học sinh hoàn thành tốt. Ngược lại, nếu áp lực quá mức, quá nhiều áp lực một lúc và cơ chế đối phó không hiệu quả có thể gây cho con em mình sự lo lắng quá mức, chán nản, mệt mỏi, bỏ cuộc…

Là Á khoa đầu vào và là Thủ khoa đầu ra của ngành Tâm Lý học ĐHSP TPHCM khóa 2015-2019, anh Đào Lê Tâm An cũng có những chia sẻ đắt giá: “Đừng chỉ tập trung vào kết quả mà hãy tập trung cho hành trình. Và học tập là một quá trình chạy đua đường dài, cần phải dai sức và có kế hoạch chuẩn bị thật chu đáo, hợp lý. Không nên ép bản thân quá nhiều, khi học tập, làm việc trong tâm trạng thoải mái, cơ thể khoẻ mạnh, mới đạt hiệu quả cao và tốn ít sức lực.”

“Đôi khi thay vì trốn tránh và sợ hãi, ta cần nhìn nhận tích cực và khách quan hơn; tìm sự hỗ trợ cảm xúc như chia sẻ, an ủi, động viên, thấu hiểu từ người khác. Trải nghiệm áp lực đôi khi cần thiết, nhưng không nhất thiết phải có, vì còn một lựa chọn phù hợp là từ bỏ.”
Anh Đào Lê Tâm An khuyên nhủ.

Với học sinh, cần biết xây dựng các phương pháp học tập đúng đắn, biết cách giải tỏa căng thẳng, tránh lo âu, chán chường vì áp lực học hành; từ đó xây dựng thói quen học tập với thời gian sinh hoạt hợp lý. Sẽ có những thay đổi và áp lực của các em học sinh là mỗi khác, nhưng sự bình tĩnh, sắp xếp học tập và cuộc sống, cân bằng tâm lý, sức khỏe, học tập là cần thiết để vượt qua mọi khó khăn ở thời điểm này.
 
Top