Trung Quốc mở đường, ngăn sông tại nơi ẩu đả với lính Ấn Độ

Thế giới - VnExpress
Bình luận: 0Lượt xem: 421
T

Thế giới - VnExpress

5563184671cAnDoTrungQuocdanhnh-3306-1918-1592540234_1200x0.jpg


Ngay trước vụ ẩu đả đẫm máu tại biên giới với Ấn Độ, Trung Quốc đưa máy móc mở đường, làm ngầm vượt sông ở nơi tranh chấp.


Ảnh vệ tinh do Planet Labs chụp hôm 16/6, một ngày sau vụ ẩu đả giữa lính Trung Quốc và Ấn Độ ở thung lũng Galwan, cho thấy hoạt động xây dựng tại khu vực gia tăng so với trước đó một tuần.

Thung lũng Galwan là một khu vực khô cằn, khắc nghiệt nằm trên biên giới Ấn - Trung dài hơn 4.000 km, nơi binh sĩ hai nước được triển khai trên những triền núi dốc. Khu vực này được cả hai nước coi trọng do có tuyến đường dẫn đến Aksai Chin, một cao nguyên Ấn Độ tuyên bố chủ quyền nhưng Trung Quốc kiểm soát.

Ảnh vệ tinh cho thấy cảnh quan khu vực thung lũng bị thay đổi với các tuyến đường được mở rộng, đất đá được chuyển đi và cùng một số ngầm vượt sông, một chuyên gia cho biết. Các bức ảnh cho thấy nhiều loại máy móc xếp dọc theo những dãy núi trọc và trên khu vực sông Galwan.

"Khi nhìn những hình ảnh này, có vẻ Trung Quốc đang làm đường trong thung lũng và xây ngầm vượt sông", theo Jeffrey Lewis, giám đốc Chương trình Không phổ biến Vũ khí Đông Á thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury. "Có rất nhiều phương tiện ở hai bên Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), nhưng dường như phía Trung Quốc nhiều hơn. Tôi đếm được khoảng 30-40 xe của Ấn Độ và hơn 100 xe của Trung Quốc".

Ảnh vệ tinh khu vực xảy ra ẩu đả chết người giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tại thung lũng sông Galwan, ngày 16/6. Ảnh: Planet Labs.


Ảnh vệ tinh khu vực xảy ra ẩu đả chết người giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ tại thung lũng sông Galwan, ngày 16/6. Ảnh: Planet Labs.


Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói không biết chi tiết cụ thể tại hiện trường, song khẳng định binh sĩ Ấn Độ những ngày gần đây xâm nhập lãnh thổ Trung Quốc ở một số nơi và yêu cầu họ rút lui.

Vụ ẩu đả ngày 15/6 là lần đụng độ chết người đầu tiên tại khu vực biên giới Ấn-Trung, sau vụ Trung Quốc phục kích và bắn chết 4 binh sĩ Ấn Độ tại Tulung La, Arunachal Pradesh năm 1975. Binh sĩ hai nước đối đầu ở biên giới từ đầu tháng 5, khi Ấn Độ cho biết lính Trung Quốc xâm nhập qua LAC và xây dựng một số cấu trúc.

Cuộc đối đầu tối 15/6 được châm ngòi từ tranh cãi về hai lều bạt và trạm gác do Trung Quốc dựng trên khu vực mà phía Ấn Độ tuyên bố thuộc quyền kiểm soát của mình, các nguồn tin ở New Delhi và Ladakh cho biết.

Trong cuộc điện đàm hôm 17/6, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nói với người đồng cấp Vương Nghị rằng Trung Quốc tìm cách xây dựng "một cấu trúc" tại thung lũng Galwan ở khu vực của Ấn Độ dọc LAC. Tuy nhiên, Jaishankar không nói rõ về cấu trúc mà ông nhắc đến.

Đội tuần tra Ấn Độ do đại tá Santosh Babu chỉ huy khi đó đến khu vực bên sườn núi để xác minh tuyên bố rút quân về bên kia LAC của Trung Quốc. Lực lượng Trung Quốc đã rút bớt, bỏ lại hai lều bạt và các trạm gác. Lính Ấn Độ phá các trạm gác và đốt cháy hai chiếc lều.

Ảnh vệ tinh ngày 16/6 cho thấy các dấu vết có thể từ những trạm gác bị phá hủy trên sườn núi thuộc khu vực của Ấn Độ. Những dấu vết này không xuất hiện trong ảnh vệ tinh được chụp một tuần trước đó.

Trong khi lính Ấn Độ phá trạm gác, một nhóm binh sĩ Trung Quốc ập đến và tấn công đội tuần tra Ấn Độ. Các binh sĩ Ấn Độ có mang theo vũ khí khi tuần tra, nhưng phải tuân thủ "quy tắc đụng độ" tại LAC được thiết lập năm 1996. Các binh sĩ hai nước đều nhận lệnh đeo súng trường sau lưng khi đi tuần tra trên biên giới.

Đoàn xe quân sự Ấn Độ trên đường tới thị trấn Leh, vùng Lakha


Đoàn xe quân sự Ấn Độ trên đường tới thị trấn Leh, vùng Ladakh, ngày 17/6. Ảnh: AP.


Chi tiết diễn biến trước vụ ẩu đả chưa được công bố. Binh sĩ Trung Quốc được cho là tấn công và truy sát lính Ấn Độ với gậy sắt hàn đinh và gậy quấn dây thép gai, một số nguồn tin cho biết. Đại tá Santosh Babu cùng hai binh sĩ thiệt mạng tại chỗ, 17 người khác sau đó chết vì vết thương quá nặng.

Lính Ấn Độ và Trung Quốc tới tiếp viện sau đó, ẩu đả kéo dài nhiều giờ với khoảng 900 binh sĩ tham gia, một nguồn tin cho biết. Tuy nhiên, chưa bên nào công bố ảnh hoặc video vụ ẩu đả.

Ấn Độ cho rằng vụ tấn công được Trung Quốc lên kế hoạch từ trước, ngay cả khi các chỉ huy cấp cao của hai nước đồng ý hạ nhiệt căng thẳng trên Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), biên giới tranh chấp giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và đông dân nhất thế giới.

Trung Quốc bác cáo buộc và tuyên bố các binh sĩ Ấn Độ "cố tình khiêu khích" dẫn đến ẩu đả chết người tại khu vực biên giới cao 4.300 m, phía tây dãy Himalaya. "Đúng và sai trong sự cố này hết sức rõ ràng. Trung Quốc không phải bên chịu trách nhiệm", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói.

Vị trí binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ẩu đả chết người tối 15/6. Đồ họa: Telegraph.


Vị trí binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ẩu đả chết người tối 15/6. Đồ họa: Telegraph.


Nguyễn Tiến (Theo Reuters)

Link gốc...
 
Top