Tập đoàn FLC: Hành trình “đánh thức” những tiềm năng

Hoàng Hà
Bình luận: 0Lượt xem: 518
H

Hoàng Hà

"Khẩu vị" riêng của FLC và chiến lược "đánh bắt xa bờ"

“Với FLC, chúng tôi chưa bao giờ quan tâm đến vị trí ‘đất vàng’, mỗi người, mỗi nhà làm bất động sản có ‘khẩu vị’ riêng và FLC chọn cách ‘đánh bắt xa bờ’ với những dự án tiêu biểu như FLC Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn. Để xây dựng FLC Sầm Sơn, chúng tôi phải hút cát vào mới xây được, hay với các dự án ở Quảng Bình, Bình Định rộng hàng nghìn hecta, khi FLC mới thi công không một bóng người, nhưng sau khi FLC đầu tư, các dự án vây quanh FLC”. Đó là một trong những chia sẻ nhận được nhiều sự chú ý của Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết tại buổi toạ đàm "Thăng trầm bất động sản 2010-2020 và những xu hướng sắp tới" diễn ra hồi đầu tháng 6.

Việc ông chủ một tập đoàn bất động sản thừa nhận không quan tâm đến những vị trí “đất vàng” mà chọn “đánh bắt xa bờ” có thể khiến không ít người hoài nghi. Song với những ai đã dõi theo quá trình phát triển các dự án của Tập đoàn FLC sẽ thấy lời nói của ông chủ tập đoàn này không phải là không có căn cứ.

Trong vòng hơn một thập kỷ lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, dù khởi đầu với dự án nhà ở thương mại nhưng Tập đoàn FLC lại ghi dấu ấn với hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại các tỉnh thành trải dài từ Bắc chí Nam như FLC Sầm Sơn, FLC Hạ Long, FLC Quy Nhơn,…

Với suy nghĩ phải “đánh thức” các vùng đất tiềm năng, ông chủ Tập đoàn FLC đã hoạch định nên chiến lược đầu tư - xây dựng khu nghỉ dưỡng tại những địa điểm đặc biệt như vùng đầm lầy tại Sầm Sơn, khu đồi khai thác than "thổ phỉ" của Quảng Ninh, vùng bán sa mạc gần như không người tại Quảng Bình, hay bãi cát hoang sơ khắc nghiệt của Quy Nhơn… Điểm chung của tất cả những khu vực này là địa hình phức tạp hoặc khí hậu khắc nghiệt, gợi lên rất ít hứng thú với hầu hết các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, với ông chủ Tập đoàn FLC, những vùng đất hoang sơ này lại sở hữu một ưu điểm hiếm có là quỹ đất quy mô lớn, đủ điều kiện để tạo ra những đại dự án 5 sao đầy đủ tiện ích. Và để chuyển đổi hiệu quả những vùng đất này thành những điểm đến cao cấp về du lịch, tác động mạnh đến thị trường bất động sản của địa phương thì phải “đầu tư lớn”. Đồng thời, phải làm nhanh. Bởi nếu không thì hầu như không giải quyết được điều gì đáng kể.

Chính sự quyết liệt này là một trong những động lực để quần thể FLC Sầm Sơn với quy mô 200ha thi công trên nền một bãi sình lầy thần tốc "về đích" trong 9 tháng. Còn FLC Quy Nhơn với tổng diện tích 1.300ha nhưng thời gian hoàn thiện đầy đủ các hạng mục từ khách sạn 5 sao gần 1.000 phòng, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ, sân golf 36 hố tiêu chuẩn quốc tế… cũng chỉ mất vỏn vẹn 11 tháng.

flc_vvme.jpg

Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa

Nói về khả năng thi công “thần tốc” của FLC, chính những người làm trong giới bất động sản cũng phải kinh ngạc. Tại toạ đàm "Thăng trầm bất động sản 2010-2020 và những xu hướng sắp tới", khi nhiều ông chủ doanh nghiệp bất động sản có cơ hội ngồi cùng nhìn lại sự phát triển của thị trường 10 năm qua, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC khi 11 tháng đã xây dựng xong khu FLC Sầm Sơn từ bãi sình lầy thành khu nghỉ dưỡng như ngày hôm nay.

Sau thành công với các dự án nghỉ dưỡng, vài năm gần đây, Tập đoàn FLC còn tiếp tục mở rộng chiến lược “đánh bắt xa bờ” bằng hàng loạt các dự án nhà ở, khu đô thị tại những vùng đất chưa được khai phá như dự án FLC Hilltop Gia Lai tại trung tâm TP Pleiku hay dự án FLC Legacy Kontum tại TP Kon Tum, dự án FLC La Vista Sadec tại TP Sa Đéc (Đồng Tháp),…

Định hình phong cách kinh doanh mạo hiểm và khác biệt

flc-landmark-tower_yaeq.png

FLC Landmark Tower - dự án đánh dấu sự "bén duyên" của FLC với lĩnh vực bất động sản

Việc chọn “đánh thức” những vùng đất cằn cỗi thay vì vị trí “đất vàng” có lẽ đã là chiến lược ngay từ đầu của ông chủ Tập đoàn FLC khi quyết định dấn thân vào lĩnh vực bất động sản.

Quay trở lại thời điểm năm 2006, khi thực hiện dự án đầu tay, vị luật sư này đã chọn vùng đất trũng, đầy cỏ dại rộng 4.500m2 nằm ở đường Lê Đức Thọ, Hà Nội để xây dựng cao ốc chung cư, văn phòng 32 tầng giữa bối cảnh ngành địa ốc khủng hoảng và la liệt các dự án phải "đóng băng" hoặc giải thể.

Thành công của FLC Landmark Tower đã bước đầu định hình cho phong cách kinh doanh của ông Trịnh Văn Quyết cũng như Tập đoàn FLC về sau - mạo hiểm và khác biệt. Sẵn sàng "đi ngược chiều gió" so với nhìn nhận chung của cộng đồng nếu cảm thấy đó là một cơ hội, và sau đó nỗ lực để hiện thực hoá cơ hội.

Cuối năm 2013, khi thị trường bất động sản bước vào chu kỳ điều chỉnh, hàng ngàn dự án phải tạm dừng thi công hoặc phải chuyển nhượng lại. FLC đã chớp thời cơ, mở rộng đầu tư bất động sản thông qua việc đẩy mạnh hoạt động M&A dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Mở đầu cho chiến dịch M&A này là thương vụ mua lại dự án Khu đô thị Alaska Garden City tại Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội vào tháng 8/2013, sau đó đổi tên thành FLC Garden City. Trong các năm tiếp theo, FLC liên tiếp mua lại và triển khai các dự án Iớn như Complex Tower 36 Phạm Hùng (nay đổi tên là FLC Complex); The Lavender Hà Đông (nay là FLC Star Tower) và tháp đôi 265 Cầu Giấy (hiện là Bamboo Airways Tower), đưa tổng mức đầu tư các dự án bất động sản M&A lên xấp xỉ 10.000 tỷ đồng.


Tất cả các dự án sau khi được FLC mua lại đều được tập đoàn này hồi sinh bằng việc bắt tay ngay vào triển khai nhằm đón đầu sự hồi phục của thị trường.

Thế nhưng, khi đang “thuận buồm xuôi gió” với các dự án M&A, Tập đoàn FLC bất ngờ đổ hàng chục nghìn tỷ đồng để chuyển hướng đầu tư sang bất động sản nghỉ dưỡng ở Sầm Sơn, Quy Nhơn, Quảng Bình,… nơi chưa được khai phá hết tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng và thiếu những khách sạn, resort hạng sang.

Quyết định “đánh bắt xa bờ” này của FLC ở thời điểm nhiều “ông lớn” bất động sản đang chú trọng đầu tư ở những “điểm nóng” thu hút khách du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc,… khiến không ít người cho đó là mạo hiểm.

Song thực tế chứng minh, sự “mạo hiểm” của FLC đã được đền đáp xứng đáng. Vài năm trở lại đây, khi thị trường bất động sản ở các đô thị lớn “đóng băng”, nhiều doanh nghiệp địa ốc mới bắt đầu đổ xô về các địa phương để tìm kiếm cơ hội đầu tư, thì FLC đã tạo được một nền tảng tương đối vững chắc tại những thị trưởng tỉnh nhờ sớm triển khai chiến lược “đánh bắt xa bờ”.

Và nếu như chiến lược M&A giúp cho FLC được biết đến như một gương mặt mới nổi trên thị trường bất động sản thì chiến lược đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tại những vùng đất tiềm năng đã đưa FLC gia nhập hàng ngũ những tập đoàn đầu tư bất động sản hàng đầu Việt Nam.

Năm 2017, theo định giá của UniCap, tổng giá trị tài sản thuộc quyền sở hữu, quản lý của FLC, bao gồm giá trị các dự án, khoản đầu tư và tài sản khác… đạt 9 tỷ USD, lớn gấp 3 lần con số Savills từng định giá cách đó 3 năm.

Có thể nói, đối với một doanh nghiệp nói chung và bất động sản nói riêng, định giá đôi khi chỉ là những con số. Còn giá trị từ sự đóng góp mà các dự án của doanh nghiệp đó mang lại cho những vùng đất đã đầu tư vào mới chính là những giá trị hữu hình. Nhìn sự đổi thay của du lịch và bất động sản Sầm Sơn, Quy Nhơn, Quảng Ninh… hôm nay mới thấy chiến lược “đánh bắt xa bờ” của FLC không chỉ mang lại sự lớn mạnh cho tập đoàn này mà còn góp phần quan trọng khơi dậy giá trị của những vùng đất tiềm năng.


Thị trường bất động sản đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, khi góp phần huy động một lượng lớn vốn đầu tư, thúc đẩy nhiều ngành dịch vụ - sản xuất liên quan phát triển, tăng thu ngân sách, tạo ra nhiều việc làm, ổn định kinh tế - xã hội…
10 năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển nhanh, mạnh cả về quy mô, số lượng, cơ cấu sản phẩm, nguồn vốn đầu tư, các chủ thể tham gia thị trường, và đặc biệt là khả năng sinh lời cho đồng vốn...
Nhìn lại sự phát triển của thị trường và tìm hiểu những vấn đề lớn mà thị trường đang đối mặt trong thời điểm bản lề trước một thập kỷ mới, Cuộc sống an toàn (cuocsongantoan.vn) và Nhịp sống doanh nghiệp (BizLIVE) thực hiện chuyên đề đặc biệt "PHÁT TRIỂN, ĐẦU TƯ BẤT ĐỘNG SẢN AN TOÀN VÀ BỀN VỮNG".
Chuyên đề gồm 3 phần:
1. NỀN TẢNG 10 NĂM: Cái nhìn tổng quan nhất về quá trình phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020. Những gương mặt doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu, để lại dấu ấn lớn trong giai đoạn này.
2. THỬ THÁCH & BẢN LĨNH: Với nền tảng đã tạo dựng, thị trường đang đương đầu những biến cố lớn trong năm 2020 - năm bản lề của một thập kỷ phát triển mới - như thế nào? Thông tin, quan điểm và ý kiến từ giới quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp chủ đầu tư, nhà đầu tư...
3. XU THẾ PHÍA TRƯỚC: Thị trường bất động sản trong quá khứ đã không ít lần trải qua biến cố, và mỗi lần vượt qua là một lần tái cấu trúc mạnh mẽ để có thể tiếp tục phát triển bền vững. Những xu thế nào sẽ trở thành chủ chốt trong những năm tới?
Chúng tôi kỳ vọng, chuyên đề sẽ mang đến nhiều lợi ích cho bạn đọc quan tâm tới lĩnh vực bất động sản, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Xin chân thành cảm ơn!
BAN BIÊN TẬP

Link gốc...
 
Top