Tăng học phí đại học dễ gây bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục

Huyền Anh
Huyền Anh
Bình luận: 0Lượt xem: 481

Huyền Anh

Binh nhì
Thành Viên
Không còn được cấp ngân sách, các trường đại học (ĐH) công lập đang ráo riết thực hiện việc tự chủ ĐH, điều này đã dẫn đến việc tăng học phí chóng mặt… tạo nên áp lực kinh tế cho học sinh và phụ huynh, thậm chí còn cản trở cơ hội để các em được tiếp cận ĐH…

Trường nào cũng tăng…


Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc tăng học phí rõ ràng là một gánh nặng với nhiều người học. Ngay từ năm học này, bốn trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM cũng đã được chuyển sang tự chủ với mức học phí mới. Trường ĐH Kinh tế - Luật, hệ đại trà 18,5-20,5 triệu đồng/năm (mức cũ là 9,8 triệu đồng). Trường ĐH Bách khoa, hệ đại trà là 25 triệu đồng/năm (mức cũ là khoảng 12 triệu đồng). Trường ĐH Công nghệ thông tin cũng có mức thu 25-45 triệu đồng/năm tùy theo chương trình đào tạo.

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cũng đã công bố đề án đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ. Cụ thể, học phí năm học 2022-2023 sẽ cao gấp đôi so với trước. Với nhóm ngành Khoa học xã hội, từ 16 triệu đến 20 triệu đồng/sinh viên /năm học, nhóm ngành Ngôn ngữ và Du lịch 21-24 triệu đồng/sinh viên/năm.

Ngoài ra, học phí năm 2022 cũng tăng tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, học phí dự kiến cao nhất khoảng 44,4 triệu đồng đối với ngành Y khoa, Dược học, Răng Hàm Mặt. So sánh với mức học phí là 32 triệu đồng/năm 2021, mức tăng này đã đạt đến 37,5%. Cũng theo thông báo của Trường ĐH Thủ Dầu Một, mức học phí từ học kỳ II năm học 2021- 2022 sẽ tăng khoảng 20% so với trước. Lý do nhà trường đưa ra là từ 1/1, trường chính thức…tự chủ tài chính.

View attachment 22183
Các trường quyết định tự chủ tài chính... học phí - tăng. Ảnh: Huyền Anh

Được biết, nghị định 81/2021/NĐ-CP đã quy định mức trần học phí đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự chủ được quy định theo từng khối ngành với mức 1,2 - 3,5 triệu đồng/ tháng. So với năm học 2021 - 2022 thì mức trần học phí năm học 2022 - 2023 tăng vọt (trừ khối ngành Nghệ thuật). Đặc biệt, khối ngành Y Dược tăng 71,3% (hiện ở mức trần 1,43 triệu đồng/ tháng sẽ tăng lên 2,45 triệu đồng/ tháng). Các khối ngành còn lại hầu hết đều tăng hơn 20% đến gần 30%, riêng khối ngành Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên tăng 15,3%.

Cũng theo nghị định này, lộ trình tăng học phí của các trường còn phụ thuộc vào lộ trình thực hiện tự chủ. Bởi theo quy định, với cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ mức 1 (đảm bảo chi thường xuyên), học phí được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí các trường chưa tự chủ nêu trên, tương ứng với từng khối ngành và từng năm học. Với cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ mức 2 (đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư), học phí được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí các trường chưa tự chủ nêu trên.

View attachment 22184
Học phí tăng có thể trở thành lí do khiến nhiều sinh viên mất đi cơ hội học tập ở các trường top đầu. Ảnh: Huyền Anh

Tăng gánh nặng và bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục

Các trường đại học ở TPHCM đều có số lượng lớn sinh viên đến từ các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực còn nhiều hộ gia đình khó khăn về kinh tế, vì vậy phần lớn những gia đình có con đỗ đại học thì bố mẹ, người thân cũng "nhập học" theo con để làm nhiều công việc từ bán vé số, mua ve chai đến mua bán hàng rong để có tiền nuôi con ăn học.Vì vậy, khi học phí đại học tăng, nhiều gánh nặng và nỗi lo đã đè nặng lên các bậc phụ huynh.

Ngoài việc các bậc cha mẹ vất vả lo toan nhiều hơn, cũng như sẽ có thêm nhiều sinh viên phải tăng giờ làm thêm để trang trải học phí, theo đuổi giấc mơ giảng đường, việc tăng học phí một cách phi mã sẽ dẫn tới việc gây bất bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục. Khác với các loại hình dịch vụ khác, giáo dục đại học là loại dịch vụ đặc biệt. Do đó, khi bàn vấn đề tự chủ đại học, phải quan tâm tới lợi ích từ ba nhóm: người học, trường đại học và cơ quan quản lý. Trong đó, lợi ích của người học cần phải được làm rõ, bởi thời gian qua, vấn đề này ít được nhắc đến.

Quan trọng nhất, tự chủ đại học phải bảo đảm cơ chế để người nghèo, người khuyết tật, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có cơ hội hưởng thụ nền giáo dục đại học bình đẳng, kể cả chương trình tiên tiến, chất lượng cao. Bởi suy cho cùng, mục tiêu của giáo dục đại học là tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Khi gánh nặng kinh tế quá cao, nhiều gia đình có thể ngại ngần khi cho con theo học tại các trường ĐH, cũng như bản thân các em sẽ tạm gác giấc mơ ĐH vì không muốn làm áp lực cho gia đình.

View attachment 22181

Học phí tăng trở thành gánh nặng của nhiều gia đình có con em học ĐH. Ảnh: Huyền Anh

Mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ con em hộ nghèo đi học, cho sinh viên nghèo vay vốn để các em an tâm đầu tư vào công việc học tập... Nhưng, không phải ai cũng được xét duyệt nằm trong diện hộ nghèo để được nhận hỗ trợ vay vốn tín dụng, hơn nữa khi vay thì dễ nhưng quá trình để trả nợ cùng lãi suất lại là vấn đề đáng lo ngại đối với các hộ nghèo.

Dù việc tăng học phí là điều phải chấp nhận. Song, để cân đối việc nâng học phí thì cũng cần có những chính sách học bổng để hỗ trợ lại cho sinh viên nghèo, học giỏi, tạo ra sự công bằng trong giáo dục. Sẽ rất khó đột phá nếu các trường chỉ dựa vào việc tăng học phí và “sống chủ yếu nhờ học phí”.

Suy cho cùng, tăng học phí là điều không thể tránh khỏi, khi các trường đại học áp dụng cơ chế tự chủ, và khi cơ chế kinh tế thị trường có sự thay đổi. Tuy nhiên, đây chưa phải là điều kiện tiên quyết để quyết định chất lượng đào tạo. Vì thế, song song với tăng học phí, các trường cần sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao trách nhiệm xã hội để bảo đảm chất lượng đào tạo và khả năng tiếp cận đại học của người học.

 
Top