Những tín đồ không sợ nCoV

Đ
Độc Hành
Bình luận: 0Lượt xem: 356

Độc Hành

Thượng sĩ
Thành Viên
000-1pf1l0-1582948244-4226-1582948262_1200x0.jpg


Saudi ArabiaNhân viên vệ sinh tất bật khử trùng Đại Thánh đường ở Mecca, nhưng các tín đồ tỏ ra không sợ hãi vì đã có Thượng đế bảo vệ.


Arab Saudi, nơi có những địa danh linh thiêng nhất trong Hồi giáo, hôm 27/2 tuyên bố ngừng cấp visa đối với các tín đồ nước ngoài đến đây hành hương, trong một động thái chưa từng có nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.

Quyết định này của Arab Saudi khiến hàng chục nghìn người hoang mang, thậm chí kế hoạch tổ chức cuộc hành hương thường niên haji dự kiến diễn ra vào tháng 7 cũng trở nên mông lung.

Bà Nadia Bettam, 50 tuổi, người Algeria, cảm thấy may mắn khi có mặt ở thánh địa Mecca 5 ngày trước quyết định bất ngờ của chính quyền Arab Saudi.

"Tôi không sợ. Số phận chúng tôi do Thượng đế định đoạt", Bettam nói qua mạng che mặt trong lần đầu hành hương đến Mecca cùng em gái Fatima. "Vấn đề chúng tôi quan tâm là thờ phụng, nhưng chúng tôi cũng có những biện pháp đề phòng".

Những người hành hương tại Đại Thánh đường ở thành phố Mecca, Arab Saudi hôm qua. Ảnh: AFP

Những người hành hương tại Đại Thánh đường ở thành phố Mecca, Arab Saudi hôm qua. Ảnh: AFP

Arab Saudi đến nay chưa ghi nhận ca nhiễm nCoV nào, nhưng khắp khu vực Trung Đông, nỗi lo sợ về dịch Covid-19 đang tăng lên. Hôm qua, nước này đã ban lệnh cấm công dân từ các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) đến hai thành phố Mecca và Medina vì lo ngại virus lây lan.

GGC gồm Arab Saudi, UAE, Bahrain, Kuwait, Oman và Qatar. Các công dân trong tổ chức này vốn được nhập cảnh Arab Saudi bằng thẻ căn cước mà không cần visa như các nước khác.

Đại Thánh đường ở Mecca hôm qua vẫn đông nghẹt tín đồ, một khung cảnh minh chứng cho thực tế tín ngưỡng thường chiến thắng nỗi lo sợ về sức khoẻ, nhưng cũng là một thách thức với Arab Saudi trong kiểm soát dịch bệnh.

Sàn của thánh đường được lau chùi 4 lần một ngày và 13.500 tấm thảm đặt ở các khu vực dành cho tín đồ cầu nguyện thường xuyên được giặt, theo hãng thông tấn SPA. Jaber Wadani, quan chức đại diện thánh đường, cho hay "các biện pháp vệ sinh và khử trùng" đang được tiến hành, với tất cả thảm được cọ rửa thơm tho hàng ngày. Nhóm nhân viên vệ sinh đeo khẩu trang màu xanh lá lau chùi sàn nhà bằng các chất khử trùng như Clo.

Khẩu trang rất hữu ích trong việc ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm, bà Robina Mahmoud, đứng đầu một nhóm 105 người hành hương từ Hà Lan, nói. Nhóm của bà cũng đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa như rửa tay thường xuyên.

"Điều đó chắc chắn sẽ bảo vệ chúng tôi, nhưng phần còn lại nằm trong tay của Thượng đế", bà nói.

Ở trung tâm thánh đường, khu vực xung quanh toà nhà hình hộp chữ nhật Kaaba chật kín hàng nghìn tín đồ, hầu hết đeo khẩu trang. Ba hiệu thuốc quanh thánh đường cho hay họ đều hết sạch mặt hàng này.

"Nhu cầu khẩu trang trong hai ngày qua là chưa từng có", một bác sĩ gốc Syria nói. "Tôi đã bán 200 hộp trong 3 ngày, dù trước đây mất cả tháng mới bán hết".

Các tín đồ chen kín khu vực xung quanh toà nhà hình hộp chữ nhật Kaaba ở trung tâm thánh đường, khu vực

Các tín đồ chen kín khu vực xung quanh toà nhà hình hộp chữ nhật Kaaba, ở trung tâm Đại Thánh đường tại Mecca hôm 27/2. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh khác lại chịu thiệt hại sau quyết định đình chỉ visa với người hành hương nước ngoài.

"Các nhóm hành hương đã hủy phòng khách sạn", Mahfouz, một người Ai Cập làm dịch vụ du lịch tự do, nói. "Tôi vẫn đang tính toán thiệt hại".

Hoạt động hành hương quanh năm của các tín đồ tạo ra nguồn thu nhập quan trọng cho chính quyền Arab Saudi. Quốc gia này ước tính sẽ đón tiếp 30 triệu du khách tôn giáo thường niên vào năm 2030.

Cùng với lệnh cấm người hành hương nước ngoài, Arab Saudi cũng đình chỉ cấp visa điện tử cho những người đến từ 7 nước, trong đó có Trung Quốc, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc và Kazakhstan. Những người có visa du lịch cũng không được phép thăm Mecca và Medina.

Giới chức khẳng định các biện pháp trên chỉ là tạm thời nhưng không rõ sẽ kéo dài bao lâu. "Chúng tôi tiếp đón hàng trăm nghìn người hành hương mỗi tháng từ các quốc gia khác nhau trên khắp thế giới", một quan chức nói. "Nếu nCoV đến đây và lây lan, đó sẽ là đại dịch toàn cầu. An toàn của mọi người quan trọng hơn việc hành lễ".

Tuy nhiên, nhiều tín đồ tỏ ra cứng rắn. "Sao chúng tôi lại lo sợ khi chúng tôi đã ở trong ngôi nhà của Thượng đế", Hossam Aldin, 21 tuổi, người Thổ Nhĩ Kỳ, nói. "Thậm chí nếu tôi bị nhiễm bệnh, việc tử vì đạo ở đây cũng là điều tốt".

Anh Ngọc (Theo AFP)
 
Top