Mẹ đơn thân đi cân dạo nuôi con thành tiến sĩ tại Pháp

Hong Nhung

Trung sĩ
Thành Viên
Mới đây, báo chí liên tục đưa tin về người mẹ đã hết mình tần tảo nuôi con ăn học. Mưu sinh bằng nghề cân dạo, người mẹ đã nuôi con trai trở thành tiến sĩ tại Pháp.

Câu chuyện đã nhận được sự chia sẻ rộng rãi của cộng đồng mạng.

167122130_2890832194490411_7961675857029846850_n.jpg

Không có bố, thằng bé đã sớm biết thương mẹ. Có buổi thấy chị đổi dép cho đồng nát, nó nói: “Mẹ ơi, đổi một chiếc thôi vì con chỉ rách có một chiếc”. Chị âu yếm cười, bảo: “Ai đời người ta cho đổi một chiếc hả con?”.

Đến tuổi đi học, chị phải gửi nó về cho mẹ ở quê rồi dặn dò: “Con ơi, ở nhà cố gắng mà học đi nhá! Mẹ bây giờ phải đi chợ mới có tiền nuôi con chứ cứ ở nhà thì ch. ết đói cả”. Được cái thằng bé sáng dạ và tự lập. Nhiều bài toán khó nó nhất quyết không cho ai giúp mà cứ suy nghĩ, có khi đến 1, 2 giờ sáng cũng bật dậy vì đã tìm ra lời giải.

Nặng có 37kg nên không kham nổi việc nặng nhọc đó, chị lại vay mượn tiền nong để đi cân dạo - nghề rất thịnh hành ở Dạ Trạch hồi ấy do ông bà Minh-Hạnh là "tổ sư". Lúc đầu chỉ là cái cân vác vai, sau mới là cái cân đẩy, biết nói oang oang các chỉ số chiều cao, trọng lượng, hình dáng béo hay gầy của khách. Để có cái cây biết nói trị giá 25 triệu ấy, 3 gia đình phải cắm cả sổ đỏ vào ngân hàng chung nhau mà mua.

Khăn bịt kín mặt, chỉ hở ra mỗi đôi mắt nên chẳng biết người đi cân là già hay trẻ, ai cũng chỉ gọn lỏn gọi mỗi một câu: “Cân ơi, vào đây”. “Dạ”, chỉ chờ có thế là chị lon ton chạy lại. Mỗi lần cân giá 500 - 1.000 đồng nhưng nhiều khi cũng bị ăn quỵt. Thân cô thế cô chị biết phải làm sao?

Khi Linh lên Hà Nội học Đại học Xây dựng, chị bỏ cân dạo ở Hải Phòng lên theo, thuê nhà trọ ở cùng, sáng cơm nước cho con, chiều đi đến nửa đêm để mà kiếm sống.

Có lần đi cân giữa đường không may gặp một cơn giông, không biết trú ở đâu, có chiếc áo mưa duy nhất chị cũng cởi ra, khoác cho cái cân nhưng vẫn không cứu được bình ắc quy, phải vay lãi hơn 1 triệu để mà mua thay thế. Giọt nước mưa rơi hay giọt nước mắt rơi trên mặt chị cũng còn không biết nữa. Rồi những buổi chạy mướt mải vì trật tự đuổi, bị khênh cả cân lẫn người lên xe về phường.

Bình thường nghề cân dạo cũng tùng tiệm đủ ăn cho cả hai mẹ con nhưng những hôm mưa gió, những buổi về quê có việc thì không, nên cứ âm dần vào vốn, mắc nợ đến hơn 20 triệu. Hôm sinh nhật con, chị bảo: “Mẹ chẳng có tiền tặng cho con một cái gì cả, chỉ chiêu đãi con một bữa trứng vịt lộn đến chán thì thôi!”.

Linh học rất giỏi, đang học thì nhận được học bổng đi Pháp. Khi hoàn thành đại học nó học lên thạc sĩ, tiến sĩ và có cả hai quốc tịch Việt - Pháp. Sau đó, chị còn được ông anh gửi gắm thằng con học đại học nên chị phải ở Hà Nội thêm mấy năm để vừa cân dạo, vừa bảo ban, giúp đỡ cháu. Từ con đẻ đến con dâu, con rể của cả 7 anh chị em, đứa nào cũng gọi là mẹ hết thành ra chị có đến mười mấy đứa con.

Giờ đây, chị trở về quê, sống thanh thản tuổi già nhờ sự giúp đỡ của con trai ở nước ngoài và trong ân tình của làng xóm. Hôm tôi đến, thấy mấy người hàng xóm đang ăn socola Pháp rồi nghe chị đọc tin nhắn của Linh: “Mẹ ơi, hôm nay nhân ngày 8/3 con chúc mẹ luôn luôn mạnh khỏe. Mẹ có mạnh khỏe bên này con mới yên tâm công tác. Con mong mẹ lúc nào cũng mạnh khỏe để làm hành trang cho con bước tiếp cuộc đời”.
 
Top