Lệnh phong tỏa khiến nhiều dân Italy phẫn nộ

Đ
Độc Hành
Bình luận: 0Lượt xem: 345

Độc Hành

Thượng sĩ
Thành Viên
28italyvirus2superJumbo-158296-9262-8684-1582961730_1200x0.jpg


Bên trong Zorlesco, thị trấn Italy bị cách ly vì dịch Covid-19, bà Tina Pomati mòn mỏi đợi con gái đưa đồ vào "vùng đỏ" mà bà đang mắc kẹt.


"Con có mua bánh mì focaccia không?", bà Pomati nói chuyện với con gái Alessandra Paladini qua điện thoại và nhận được câu trả lời rằng cô sắp đến nơi. Vài phút sau, Paladini mang theo túi giấy đựng nhiều đồ như thuốc lá, xúc xích, chocolate và đỗ xe trước trạm kiểm soát bên ngoài thị trấn Zorlesco thuộc vùng Lombardy, phía bắc Italy, nơi được canh gác nghiêm ngặt.

Phía bên kia ranh giới, bà Pomati háo hức đứng chờ con cạnh những cảnh sát đeo khẩu trang và găng tay trắng. Họ nhanh chóng giật lấy túi đồ của Paladini và đưa cho người phụ nữ 65 tuổi. Hai mẹ con hôn gió trước khi tạm biệt nhau.

Thị trấn Zorlesco nằm trong số nhiều địa phương đang bị phong tỏa ở miền bắc Italy, trong bối cảnh nước này đã ghi nhận 888 ca nhiễm nCoV và 21 người tử vong. Nhằm ngăn chặn virus lây lan, chính quyền áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt, như xét nghiệm và cách ly cả người có và không có triệu chứng bệnh. 11 thị trấn, gồm hơn 50.000 người đang nằm trong vòng phong tỏa.

Tuy nhiên, hệ quả của những biện pháp này là các gia đình bị chia rẽ, doanh nghiệp tổn thất, đồng thời gây cảm giác chính quyền đang hy sinh số ít để bảo vệ số nhiều, trong lúc một số quốc gia trên thế giới cũng cố tự bảo vệ bản thân khỏi Italy, nơi giờ đây là ổ dịch Covid-19 lớn thứ tư thế giới sau Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc và tàu Diamond Princess.

"Họ đã hy sinh chúng tôi", Monica Grandi bày tỏ. Người phụ nữ 33 tuổi này là nhân viên một cửa hàng thịt bên ngoài khu cách ly, nhưng giờ đây bị mắc kẹt bên trong cùng gia đình. Cô cảm giác đất nước đang coi họ như những bệnh nhân cần đứng ngoài lề xã hội. "Thật vô lý khi thị trấn ngay bên cạnh, chỉ cần ném đá cũng sang, lại không bị phong tỏa. Tại sao lại là chúng tôi mà không phải họ?", Grandi nói.

Chính quyền vùng Lombardy cho biết nếu virus lan rộng, với mỗi bệnh nhân truyền virus cho hai người khác, các bệnh viện sẽ "khủng hoảng nghiêm trọng". Chính sách xét nghiệm trên diện rộng giúp phát hiện nhiều ca bệnh không có triệu chứng, nhưng đồng thời cũng gây sức ép lên hệ thống y tế. Các bác sĩ thiếu khẩu trang và găng tay, tất cả ca phẫu thuật và xét nghiệm y tế không khẩn cấp đều bị hoãn.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, chính phủ Italy dường như đang tìm cách hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19 bằng cách đổ lỗi cho báo chí, đồng thời cho biết nCoV chỉ ảnh hưởng tới một phần nhỏ dân số. Giới chức y tế Rome cũng lưu ý rằng việc xét nghiệm trên diện rộng vi phạm hướng dẫn quốc tế, theo đó chỉ nên xét nghiệm người có triệu chứng. Vùng Lombardy sau đó đã tuân thủ nguyên tắc này.

Cư dân bị phong tỏa bên trong các khu cách ly cho rằng quyết định ngừng xét nghiệm những người không có triệu chứng sẽ khiến tình hình thậm chí tồi tệ hơn. "Họ bỏ rơi chúng tôi ở đây và lây nhiễm cho nhau", Michela Torresani, 36 tuổi, cho biết, nói thêm rằng nỗi nghi ngờ và lo lắng ngày càng tăng khiến cô phải tránh tiếp xúc cả bố mẹ của mình vì điều này tiềm ẩn "rủi ro".

Nền kinh tế Italy cũng không thoát khỏi tác động của dịch bệnh. Hàng triệu du khách đã hủy lịch trình tới Italy, trong khi nhiều quốc gia cũng khuyến cáo công dân nên xem xét việc đến đây. Thống đốc Ngân hàng Italy Ignazio Visco ước tính Covid-19 sẽ khiến GDP sụt giảm khoảng 0,2%.

Vùng Lombardy là trung tâm công nghiệp của Italy, với khoảng 3.000 doanh nghiệp tọa lạc tại khu vực đồng bằng xung quanh những thị trấn đang bị phong tỏa. Sabrina Baronio, người đứng đầu tổ chức doanh nghiệp địa phương, cho biết mỗi ngày phong tỏa gây thất thoát 50 triệu euro (hơn 55 triệu USD) với nền kinh tế trong khu vực.

Bà chỉ trích chính phủ đối xử với Lombardy như "chuột trong phòng thí nghiệm" và điều này không nên được áp dụng ở bất cứ nơi nào khác. "Có thể không có nhiều người chết vì nCoV, còn chúng tôi sẽ phải chuẩn bị 'tang lễ' cho các công ty", Baronio cho hay.

Tối 28/2, chính phủ Italy công bố biện pháp mới, kết hợp giữa giảm thuế và những hỗ trợ khác, nhằm ổn định nền kinh tế địa phương. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết tình hình vốn đã quá tồi tệ vì lệnh phong tỏa.

"Đây là một thảm họa lớn", Taylan Arslan, người vừa khai trương một nhà máy sản xuất thịt hôm 24/2, cho hay. 57 nhân viên của anh không thể tới nhà kho do lệnh phong tỏa. Arslan ước tính trong 5 ngày qua, mỗi ngày anh lỗ 12.000 euro (hơn 13.000 USD).

Giới chuyên gia còn lo ngại hiệu quả của biện pháp cách ly trong việc ngăn virus lây lan ra bên ngoài, khi xe cứu thương vẫn ra vào những khu vực bị phong tỏa. "Nếu tiếp tục cho phép xe cứu thương ra vào những thị trấn bị phong tỏa, virus vẫn có thể lây lan", Massimo Vajani, chủ tịch Hiệp hội Y khoa thành phố Lodi, cho biết.

Tại trạm kiểm soát ở thị trấn Zorlesco, cư dân 54 tuổi Marco Ausonio trình bày với các cảnh sát rằng máy giặt của ông bị hỏng, sau đó đưa một túi quần áo để họ chuyển cho anh trai ông, người tới từ khu vực không bị phong tỏa. Các chuyên gia tại Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá rủi ro từ đồ giặt khá nhỏ, nhưng sẽ cao hơn nếu chúng thuộc về một người nhiễm virus.

Massimo Andreoni, chuyên gia tại Đại học Tor Vergata ở Rome, cũng nhận định nguy cơ lây bệnh qua con đường này gần như bằng không, nhưng nói thêm rằng "người sống trong khu vực bị cách ly có lẽ không nên trao đổi đồ đạc với ai đó ở bên ngoài".

Cảnh sát tại trạm kiểm soát chuyển đồ cho người dân trong thị trấn Zorlesco thuộc vùng Lombardy, phía bắc Italy. Ảnh: NY Times.

Cảnh sát tại trạm kiểm soát chuyển đồ cho người dân trong thị trấn Zorlesco thuộc vùng Lombardy, phía bắc Italy. Ảnh: NY Times.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu thốn các mặt hàng tạp hóa khiến một số người sống trong thị trấn Zorlesco vẫn phải đặt hàng từ siêu thị bên ngoài. Tài xế Secrieru Veaceslav là người vận chuyển đồ, nhưng khi tới trạm kiểm soát, nỗi lo sợ về dịch bệnh khiến anh quyết định dừng lại và quay đầu. "Tôi sẽ không vào bên trong đó", Veaceslav nói.

Liberty Bar, quán đồ uống thuộc thị trấn Secugnago, chỉ cách trạm kiểm soát hơn một km, giờ đây trở thành điểm bán thuốc lá sau khi cửa hàng thuốc lá gần đó đóng cửa, bởi người chủ là cư dân trong khu vực bị cách ly.

Bên trong quán nước, các khách hàng tranh luận về mức độ lây lan của nCoV và thắc mắc liệu mối đe dọa có bị phóng đại hay không. Phía ngoài, một nhóm người tụ tập và cười đùa về việc các cơ quan truyền thông không thể phát âm đúng tên thị trấn của họ. Không có ai đeo khẩu trang.

Maurizio Pedrinazzi, một công nhân vệ sinh đường phố, cho rằng thật ngớ ngẩn khi thị trấn của họ được sống thoải mái trong lúc Zorlesco ngay sát vách vẫn bị phong tỏa. Theo người đàn ông 60 tuổi này, nếu virus lây lan nhanh đến vậy, có khả năng "mọi người đều đã nhiễm bệnh".

Pedrinazzi còn tiết lộ rằng những người từ thị trấn Zorlesco vẫn thường tới đây uống nước bất chấp lệnh phong tỏa. "Họ nắm rõ mọi con đường và các lối tắt. Tất cả đều đến đây", ông cho hay.

Trên thực tế, việc kiểm soát đi lại không chặt chẽ như bề ngoài. Một người phụ nữ trong bộ đồ thể thao bị chặn tại trạm kiểm soát cho biết cô muốn trở lại khu vực cách ly sau khi đi bộ buổi sáng. "Cô có biết quy định hay không?", cảnh sát đặt câu hỏi trước khi đáp ứng yêu cầu.

"Khi bạn không thể có được thứ gì đó, bạn càng muốn đạt được chúng hơn", Alessandra Paladini cho hay, sau khi đưa túi đồ cho mẹ cô qua trạm kiểm soát.

Ánh Ngọc (Theo NY Times)
 
Top