ĐHĐCĐ năm 2020 SCB: 80% ngân hàng giảm lương, SCB thì không

Lan Anh
Bình luận: 0Lượt xem: 521
L

Lan Anh

Sáng nay (29/5), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB báo cáo cổ đông về kết quả kinh doanh năm 2019.
Theo đó, năm 2019, SCB đạt lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng, hoàn thành 81% kế hoạch với thu thuần từ hoạt động ngoài lãi chiếm 27% tổng thu nhập hoạt động. Tỷ lệ CAR đạt 9,2% vượt so với kế hoạch là 9%.
Tổng tài sản của SCB tính đến hết năm 2019 ở mức 567.913 tỷ đồng. Vốn điều lệ 15.232 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng đạt 438.287 tỷ đồng. Cho vay khach hàng đạt 333.879 tỷ đồng.
SCB đã thu hồi nợ khoảng 66.000 tỷ đồng thông qua các phương thức xử lý nợ: giải chấp/bán tài sản, chuộc lại tài sản, bán khoản nợ…
Kế hoạch kinh doanh năm 2020, ngân hàng tăng trưởng 40% so với năm 2019 về thu nhập thuần từ dịch vụ riêng lẻ và đạt 1.800 tỷ đồng. Trong đó, SCB tận dụng cơ hội của thị trường bảo hiểm, mục tiêu 900 tỷ đồng doanh số bảo hiểm, tăng 70%.
Ngân hàng cũng đẩy mạnh số lượng thẻ tín dụng quốc tế phát hành mới trong năm nay là 50.000 thẻ. Gia tăng TOI thu phí trên 01 khách hàng tối thiểu 25%.
Do đó, kế hoạch năm 2020, SCB dự kiến tổng tài sản tăng gần 12,2%, ở mức 637.166 tỷ đồng.
Huy động thị trường 1 tăng 13,3%, ở mức 553.092 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 13%, ở mức 377.283 tỷ đồng. Khống chế tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3%.
SCB cũng sẽ phát hành 500 triệu cổ phần với mức giá phát hành không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần để hoàn tất việc tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng, và phát hành làm 01 đợt sau khi được phê duyệt của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối tượng phát hành là các cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư trong và ngoài nước
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2019, sau khi trích các quỹ, SCB sẽ bổ sung nguồn lợi nhuận không chia vào vốn tự có nhằm tăng năng lực tài chính của ngân hàng.
SCB cũng dự định lên sàn giao dịch UPCoM với mã chứng khoán SCB trong năm 2020.
Trong năm 2020, SCB cũng dự định chuyển đổi địa điểm đặt trụ sở chính từ quận 5 về quận 1. Trụ sở cũ hiện nay là số 927 Trần Hưng Đạo, quận 5, TP.HCM. Vị trí mới để đặt trụ sở chính là số 19-21-23-25 Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM.
SCB trình cổ đông về việc bầu bổ sung 01 thành viên HĐQT là ông Bùi Anh Dũng, Phó tổng giám đốc SCB.
Trước đó, SCB đã miễn nhiệm 02 Phó Chủ tịch trong HĐQT là ông Chiêm Minh Dũng và ông Tạ Chiêu Chung.
0_posu.jpg

Cổ đông SCB đặt câu hỏi tại đại hội
Đại hội thảo luận
Cổ đông:
SCB từ khi hợp nhất đến nay là 8 năm, tổng tài sản đã tăng gấp nhiều lần. Nhưng 8 năm qua, SCB không chia cổ tức. Tôi thấy không hợp lý, vì người Việt Nam có câu “có bột mới gột lên hồ”, sự đóng góp của cổ đông là “bột”.
Từ lúc hợp nhất đến nay, SCB đã tăng vốn 3 lần, trong khi đó, tỷ lệ cổ đông vừa và nhỏ chiếm 99,5%. Số lượng cổ đông lớn ít nhưng chiếm cổ phần lớn vì họ có lợi ích khác và cũng có nguồn thu nhập khác. Trong khi đó, những cổ đông nhỏ chỉ trông mong vào cổ tức.
Hiện nay, vốn điều lệ của SCB là 15.232 tỷ đồng, 1% cổ tức là 152 tỷ đồng. Tôi chỉ cần chia cổ tức 2%.
Cổ đông: SCB là ngân hàng rất chuyên nghiệp và tận tình. Nếu như thời gian đầu thành lập SCB có tên gọi là Ngân hàng Quế Đô, vốn điều lệ 21 tỷ đồng, lỗ 23 tỷ đồng. Sau đó, chúng tôi đề xuất giảm mệnh giá cổ phiếu để khắc phục. Tới năm 2005, SCB trở thành ngân hàng hạng trung về vốn điều lệ.
Nếu cổ phiếu của SCB có cổ tức thì giá trị thị trường sẽ lên. HĐQT xem xét trả cổ tức 2% cho cổ đông.
Cổ đông: Năm nay, dự kiến vốn điều lệ của SCB sẽ tăng thêm 30%, HĐQT cung cấp rõ hơn phương án tạo lãi cho cổ đông.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB: Năm nay thậm chí SCB đã từng tính không thể tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, có thể tổ chức online. Nhưng HĐQT đã quyết định tổ chức trực tiếp để gặp lại cổ đông tại địa điểm chúng ta từng tổ chức ĐHĐCĐ những năm trước đây. Dù trong bối cảnh hiện nay khó khăn, dịch Covid-19 đã khiến 80% ngân hàng giảm lương CBNV để duy trì hoạt động.
Trước đây, 5 tháng trước, buổi sáng ra đường kẹt xe, nhưng những ngày gần đây giao thông rất thoáng, nghĩa là việc làm ăn giảm. Điều đáng mừng là SCB không giảm lương CBNV.
Chúng ta nhìn hoạt động của các ngân hàng khác trong năm qua thế nào. Hình ảnh hoạt động của SCB vẫn giữ được có sự đóng góp rất nhiều của các cổ đông.
Tôi nhận được rất nhiều sự đóng góp ngay từ những việc nhỏ của các cổ đông. Tôi thấy đó là sự đóng góp chính đáng của cổ đông cho nơi mình bỏ tiền đầu tư.
Về cổ tức, vì vấn đề này mà năm nay SCB không đặt vấn đề ngân sách cho HĐQT.
Hiện trong cơ cấu có đến 30% CBNV cũng là cổ đông của chính SCB. Tính đến nay, lợi ích của cổ đông SCB đang có là 1.234 tỷ đồng, gồm lợi nhuận để lại là 713 tỷ đồng và các quỹ là 521 tỷ đồng. Nhưng việc chia cổ tức mà Nhà nước chưa cho phép thì rất khó. Ngân hàng phải hoạt động tuân thủ theo quy định.
Việc đầu tư tài sản cố định (đất đai) thì theo năm tháng giá trị sẽ gia tăng. Bên cạnh đó, từ năm 2019, SCB manh nha lập quỹ S-care để tài trợ cho những bệnh nhân ung thư.
Nói giàu – nghèo khó lắm. Nhưng vấn đề chúng ta làm được là tiếp tục nuôi dưỡng SCB để đóng góp cho cổ đông, tạo việc làm cho CBNV.
Hơn 2 tháng qua là giai đoạn rất khó khăn, rất nhiều doanh nghiệp làm đơn xin gia hạn nợ. Nếu đứng về phía doanh nghiệp, người dân thì chẳng lẽ vì giảm nợ xấu mà ngân hàng đến tịch thu nhà cửa, máy móc của doanh nghiệp và người dân. Đây là việc khó kinh khủng.
Năm 2020, cũng là năm rất khó khăn. Cổ đông chia sẻ và đồng hành với SCB để giúp ngân hàng vượt qua tình hình của năm nay để CBNV mang lại giá trị tốt cho cổ đông.

Link gốc...
 
Top