ĐHĐCĐ Vietcombank: Lợi nhuận 6 tháng tương đương cùng kỳ, sẽ không giảm lương nhân viên

Trần Thúy
Bình luận: 0Lượt xem: 597
T

Trần Thúy

Báo cáo tại đại hội, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, năm 2019 Vietcombank ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc, đạt và vượt các chỉ tiêu được ĐHĐCĐ giao.
Trong đó, đến cuối năm 2019, tổng tài sản của ngân hàng tăng trưởng 13,8% so với năm 2018 và vượt 1,6% kế hoạch, đạt 1,22 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng 15,9%, đạt gần 741,4 nghìn tỷ; tổng huy động vốn tăng 15,4%, lên 949,8 nghìn tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế đạt mức kỷ lục 23.122 tỷ đồng, tăng 26,6% so với năm trước và vượt 15,6% kế hoạch.
Năng suất lao động của cán bộ nhân viên cũng được cải thiện, lợi nhuận bình quân 1,681 tỷ đồng/người, vượt 12% kế hoạch.
Chất lượng tín dụng tiếp tục được kiểm soát với dư nợ xấu nội bảng là 5.804 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,78% trong khi dư quỹ dự phòng rủi ro ở mức 10.417 tỷ đồng.
Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng là 179%, đạt mức cao nhất trong hoạt động của Vietcombank.
Chưa có kế hoạch lợi nhuận cụ thể
Về kế hoạch cho năm 2020, Tổng giám đốc Vietcombank nhấn mạnh, ngân hàng đặt kế mục tiêu phát triển an toàn, bền vững, hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu kinh doanh, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Trong đó, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng bán buôn ngắn hạn thông qua sử dụng hiệu quả các gói lãi suất – phí. Đồng thời, tăng tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với khách hàng FDI lớn có rủi ro tín dụng thấp và tiềm năng sử dụng dịch vụ tổng thể, tăng tỷ trọng tín dụng bán lẻ trong tổng tín dụng…
Theo đó, trong năm nay, ngân hàng đặt chỉ tiêu tăng trưởng tổng tài sản 7%, dư nợ tín dụng tăng 10% - tương đương với định hướng điều hành của NHNN, cũng là mức cao nhất trong nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước.
Huy động vốn sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn (dự kiến tăng 8%). Lợi nhuận trước thuế chưa đặt con số cụ thể mà sẽ thực hiện theo ý kiến của NHNN cũng như diễn biến của dịch bệnh.
screenshot2020-06-26at30504pm_zvne.png

Lợi nhuận 6 tháng đầu năm tương đương cùng kỳ năm trước
Cập nhật tình hình kinh doanh mới nhất, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, tính đến ngày 25/6, huy động vốn tăng 3,4%, tín dụng cũng tăng 3,4% so với cuối năm. Dự kiến lợi nhuận 6 tháng tương đương mức cùng kỳ năm trước (6 tháng năm 2019, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 11.300 tỷ đồng).
Về chất lượng tín dụng, ông Dũng cho biết, hiện nợ xấu vẫn đang được kiểm soát tốt, hiện chỉ chiếm 0,82% dư nợ.
Thông tin về số dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19, lãnh đạo Vietcombank cho biết, hiện dư nợ đã được xem xét và cơ cấu lại nợ là khoảng 14 nghìn tỷ, thêm khoảng 10 nghìn tỷ nữa có thể được cơ cấu lại trong thời gian tới.
Theo đó, ngân hàng sẽ xem xét cơ cấu lại nợ cho khách hàng khoảng 24 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, so với tổng mức cho vay (gần 750 nghìn tỷ và năm nay tăng 10% nữa) thì con số này chưa đáng kể.
Không cắt giảm lương của người lao động
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, cổ đông Vietcombank đã phê duyệt mức thù lao cho HĐQT và BKS là 0,35% lợi nhuận sau thuế. Trên cơ sở kết quả đạt được của năm vừa qua, thù lao theo con số được phê duyệt tương đương với hơn 64,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sang năm 2020, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 và tham khảo các mức chi thù lao cho HĐQT và BKS ở các ngân hàng khác, Vietcombank dự định giảm mức thù lao cho HĐQT và BKS xuống mức tối đa là 0,28% lợi nhuận sau thuế trong trường hợp hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh được cổ đông giao.
Theo đó, mức thù lao của HĐQT và BKS Vietcombank năm nay sẽ giảm khoảng 20% so với năm trước.
Tuy nhiên, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT ngân hàng cũng nhấn mạnh, ngân hàng cố gắng kiểm soát để giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới hoạt động. Theo đó, ngân hàng sẽ không cắt giảm lương của người lao động, nếu cắt giảm thì sẽ chỉ giảm của lãnh đạo.
Dự kiến chi trả cổ tức năm 2019 tỷ lệ 8%, tăng vốn điều lệ qua hai cấu phần
Tại thời điểm cuối năm 2019, Vietcombank có lợi nhuận phân phối là 18,2 nghìn tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ, ngân hàng còn lại 13 nghìn tỷ đồng.
Ngân hàng dự kiến chi trả cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8% (tương đương khoảng 2.967 tỷ đồng).
Sau khi chia cổ tức, ngân hàng còn khoản tiền để lại là hơn 10.000 tỷ, còn nếu không trả cổ tức thì lợi nhuận để lại phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh là hơn 13.000 tỷ.
Lãnh đạo ngân hàng cho biết, hiện vẫn đang chờ phê duyệt của cơ quan quản lý về phương án chia cổ tức.
Cũng tại đại hội, HĐQT ngân hàng trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ theo 2 cấu phần.
Cấu phần thứ nhất là phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ chi trả cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu. Tỷ lệ chi trả cổ tức là 18%.
Thời gian thực hiện dự kiến trong nửa cuối năm 2020, thời điểm cụ thể giao cho HĐQT quyết định sau khi được chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Vốn điều lệ sau chia cổ tức dự kiến tăng thêm 6.675 tỷ đồng lên 43.764 tỷ đồng.
Cấu phần thứ hai là phát hành cổ phiếu riêng lẻ với quy mô tương đương 6,5% vốn điều lệ của Vietcombank tại thời điểm chào bán.
Khối lượng phát tối đa là 241 triệu cổ phiếu. Trong đó, phát hành cho các nhà đầu tư dự kiến 204,9 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 5,19% tổng số cổ phiếu sau phát hành; phát hành cho đối tác chiến lược (Ngân hàng Mizuho Nhật Bản) để giữ tỷ lệ sở hữu tối thiểu 15% (dự kiến 36.161.771 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,92% tổng số cổ phiếu sau phát hành) trên cơ sở quyết định đầu tư của Ngân hàng Mizuho.
Với kế hoạch tăng vốn điều lệ như trên, Vietcombank dự kiến hệ số an toàn vốn sẽ duy trì được mức trên 9%, hiệu suất sinh lời vốn chủ sở hữu ROAE khoảng 22%.

Link gốc...
 
Top