Đạm Phú Mỹ trông chờ các thông tin về nguồn cung khí dài hạn

Doanh nghiệp - Vietnambiz
Bình luận: 0Lượt xem: 422
D

Doanh nghiệp - Vietnambiz

ava-159308242832161961027-0-0-415-622-crop-1593082433609756644470.jpg


Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) và Đạm Phú Mỹ đang thương thảo cơ chế giá khí đầu vào cho giai đoạn 2021-2025, dự kiến sẽ hoàn tất đàm phán vào cuối năm 2020.


Ngày 16/6 vừa qua Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ - Mã: DPM) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên, thông qua kế hoạch doanh thu đạt 9.200 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 433 tỉ đồng.

So với kế hoạch mà công ty đã đề ra cho năm 2019, mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2020 cao hơn 2,5 lần, điều này thể hiện phần nào quan điểm tích cực của ban lãnh đạo về triển vọng kinh doanh của công ty trong năm nay.

Tuy nhiên, theo nhận định của CTCP chứng khoán Bản Việt (VCSC), mục tiêu này của Đạm Phú Mỹ vẫn khá thận trọng vì theo báo cáo sơ bộ đã công bố, tính riêng 6 tháng đầu năm, Đạm Phú Mỹ ước đạt doanh thu 4.000 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến 425 tỉ đồng, cao hơn 4 lần so với cùng kì năm 2019, đạt 83% kế hoạch cả năm.

Tình hình kinh doanh trong nửa đầu năm khả quan là do sự tăng trưởng trong sản lượng urê bán ra và chi phí khí đầu vào thấp nhờ giá dầu tụt giảm trong thời gian gần đây.

Trông chờ vào các thông tin về nguồn cung khí dài hạn.

Tại đại hội, cổ đông đặt câu hỏi về triển vọng nguồn khí đầu vào trong dài hạn của Đạm Phú Mỹ. Trả lời về vấn đề này, ông Lê Cự Tân, Tổng giám đốc cho biết, hiện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) và Đạm Phú Mỹ đang thương thảo cơ chế giá khí đầu vào cho giai đoạn 2021-2025, dự kiến sẽ hoàn tất đàm phán vào cuối năm 2020.

Cụ thể, theo hợp đồng nguồn khí đầu vào năm 2020, GAS sẽ cung cấp 60% tổng tiêu thụ khí đầu vào của Đạm Phú Mỹ từ các mỏ khí giá rẻ tại bể Cửu Long (mỏ khí Bạch Hổ - Rồng – Đồi Mồi; cước phí vận chuyển là 1,02 USD/triệu BTU), khoảng 24% đến từ các mỏ khí giá cao tại bể Cửu Long (cước phí 3,2 USD/triệu BTU) và khoảng 16% còn lại từ các mỏ khí tại bể Nam Côn Sơn (cước phí 1,4 USD/triệu BTU).

Theo dự đoán của VCSC, trong giai đoạn này, Đạm Phú Mỹ có thể sẽ nhận được một số hỗ trợ từ Chính phủ do tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thực tế lượng tiêu thụ khí của các nhà sản xuất phân bón ít hơn rất nhiều so với các ngành sản xuất khác.

Chưa có thông tin mới về kế hoạch thoái vốn.

Một vấn đề khác được cổ đông quan tâm và đưa ra tại đại hội là kế hoạch thoái vốn nhà nước từ mức sở hữu hiện tại là 59,6% còn 51% hoặc 36% như đã được nêu ra trước đó.

Trả lời vướng mắc của cổ đông, đại diện của PVN thừa nhận tiến độ của kế hoạch thoái vốn đã chững lại do thủ tục phức tạp, các thông tin mới liên quan đến vấn đề này chưa được công bố.

Bồi thường 200 tỉ đồng tiền bảo hiểm trong năm nay

Về vấn đề bồi thường bảo hiểm, ông Tân cho biết, đến nay, Đạm Phú Mỹ đã nhận được kết luận từ phía công ty bảo hiểm liên quan đến vấn đề bồi thường cho sự cố kĩ thuật trong năm 2019.

Đặc biệt, công ty sẽ nhận được khoản bồi thường 40 tỉ đồng cho thiết bị và 172 tỉ đồng cho gián đoạn kinh doanh ngoài ý muốn diễn ra trong 40 ngày.

Do đó, nhiều khả năng, Đạm Phú Mỹ sẽ được bồi thường tổng số tiền bảo hiểm tối thiểu là khoảng 200 tỉ đồng vào cuối năm 2020.

Bên cạnh đó, ông Tân cũng cho biết, gần đây, Bộ Công Thương đã gửi đề xuất lên Bộ Tài chính nhằm điều chỉnh luật VAT đối với phân bón.

Theo đó, các nhà sản xuất phân bón kì vọng việc điều chỉnh có thể được trình lên phiên họp kế tiếp của Quốc hội – sẽ diễn ra trong tháng 11, nhằm thảo luận và có khả năng được thông qua.

Với tình hình khó khăn hơn cho ngành nông nghiệp hiện nay, ban lãnh đạo hi vọng các cơ quan chức năng sẽ xem xét và thông qua điều chỉnh luật này.

Link gốc...
 
Top