8 năm sau luật bỏ cấm kết hôn cùng giới: Những khởi sắc trong xã hội Việt

Tin Tức 24h
Tin Tức 24h
Bình luận: 0Lượt xem: 519

Tin Tức 24h

Tin Tức 24h
Thành viên BQT
Quản Trị Viên
Luật Hôn nhân Gia đình sửa đổi năm 2014 đã bỏ quy định "cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính", mở ra nhiều cơ hội cho các cặp đôi cùng giới tại Việt Nam.

Trở về từ một đám cưới cặp đôi đồng tính cũng là người bạn thân tại thành phố Hồ Chí Minh, Minh Tùng (28 tuổi, Hà Nội) cảm thấy khá ngạc nhiên nhưng cũng đầy háo hức khi đây là lần đầu tiên cậu được tham dự một đám cưới đồng tính nam tại Việt Nam.

“Tôi vẫn còn ám ảnh hình ảnh những đám cưới đồng tính hồi những năm 2000s bị cấm, các cặp đôi bị ngăn cản. Nhưng giờ thì khác rồi; đám cưới của bạn tôi nhỏ gọn, ấm cúng, chủ yếu mời những người rất thân thiết”, Minh Tùng chia sẻ.

lbgt-ket-hon-dong-gioi_4.jpg

Những đám cưới cùng giới của các cặp đôi LGBT đã không còn là điều hiếm gặp tại Việt Nam sau khi Luật Hôn nhân Gia đình sửa đổi năm 2014 bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2015.

Sự thay đổi quan trọng trong luật pháp Việt Nam đã mở đường cho nhiều cặp đôi. Tuy chưa có số liệu chính thức về các cặp đôi kết hôn cùng giới tại Việt Nam, sự xuất hiện của ngày càng nhiều đám cưới cùng giới trên truyền thông đã phần nào cho thấy nhu cầu và mong muốn được kết hôn hợp pháp của nhiều người trong cộng đồng LGBT.


Năm 2013, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) đã phối hợp cùng Viện Xã hội học và Viện Chiến lược và Chính sách y tế để thực hiện một khảo sát xã hội quy mô toàn quốc nhằm tìm hiểu quan điểm và thái độ của xã hội Việt Nam về hôn nhân cùng giới với 5303 người được phỏng vấn.

Báo cáo cho thấy 33.7% người tham gia khảo sát ủng hộ hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới và 41.2% công nhận quyền chung sống như vợ chồng của những người chung giới tính. 9 năm sau nghiên cứu ấy, xã hội Việt Nam đã chứng kiến nhiều khởi sắc trong thái độ và quan điểm với người LGBT.

Không còn những tiêu đề báo chí khắc họa hình ảnh người LGBT như một trào lưu, tệ nạn hay gắn liền với các hình ảnh giật gân, tội phạm; truyền thông đại chúng đã mang đến những câu chuyện người LGBT phù hợp, bớt những định kiến hay ẩn chứa những thông điệp tiêu cực.

lbgt-ket-hon-dong-gioi_1.jpg

Đã qua rồi những ngày người LGBT luôn là yếu tố hài hước, gây cười lố bịch và phản cảm; sự xuất hiện của cộng đồng LGBT trên các show truyền hình hay phim ảnh cũng mang màu sắc tích cực với những câu chuyện được chính người trong cuộc chia sẻ như Người Ấy Là Ai, Vợ Chồng Son…

Các cuộc thi hoa hậu dành cho người chuyển giới được tôn vinh, sự xuất hiện của thí sinh chuyển giới Đỗ Nhật Hà trong top 71 Miss Universe Vietnam… đã phần nào giúp người LGBT thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn trong nhiều sân chơi sắc đẹp, nghệ thuật.

Trong nhiều năm trở lại đây, các quảng cáo tại Việt Nam cũng đưa nhiều cặp đôi LGBT, mở rộng khuôn mẫu gia đình truyền thống trên truyền thông. Với mùa quảng cáo Tết 2022, có đến 4 quảng cáo xuất hiện hình ảnh những cặp đôi LGBT nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả.

Thay đổi pháp luật được coi là tiền đề quan trọng cho sự cởi mở và chấp nhận với người LGBT. Công khai xu hướng tính dục đã không còn là một điều “cấm kỵ” trên truyền thông, kể cả với những người của công chúng.

Trong những năm gần đây, không ít nghệ sĩ nổi tiếng như ca sĩ Lynk Lee, ca sĩ Vũ Cát Tường… đã chọn chia sẻ câu chuyện cá nhân trên mạng xã hội. Ở thời điểm hiện tại, tiếng nói của những người nổi tiếng cũng góp phần giúp xã hội có cái nhìn cởi mở hơn về người LGBT.


Báo cáo sơ kết thi hành luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 của Bộ Tư Pháp khẳng định: bỏ cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính “là sự tiến bộ lớn trong cả trong nhận thức và trong áp dụng pháp luật về tôn trọng quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người đồng tính nói riêng, cộng đồng người yếu thế nói chung.”

Tuy nhiên, việc “bỏ cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính” mới chỉ giải quyết được 1 nửa chặng đường khi điều quan trọng với người LGBT tại Việt Nam là sự thừa nhận của pháp luật với hôn nhân bình đẳng, chính thức hợp pháp hóa quyền kết hôn của người LGBT.

lbgt-ket-hon-dong-gioi_3.jpg

Cho phép kết hôn cùng giới sẽ giải quyết được nhiều vấn đề của các cặp đôi LGBT trên nhiều khía cạnh. Thứ nhất, hợp pháp hóa hôn nhân bình đẳng giúp giải quyết khó khăn trong thủ tục pháp lý, các loại giấy tờ liên quan đến đăng ký thường trú với các cặp đôi chung sống với gia đình hoặc sở hữu nhà đất chung.

Thứ hai, kết hôn cùng giới giúp các cặp đôi được hưởng những phúc lợi, chính sách tổ chức liên quan đến gia đình, có khả năng đứng tên làm người đại diện/bảo hộ hợp pháp cho người yêu/bạn đời.

Bên cạnh đó, không được công nhận về mặt pháp lý tạo ra khó khăn trong quan hệ về tài sản - không có khung pháp luật quy định và hướng dẫn cho các tình huống có thể xảy ra khi quan hệ đổ vỡ kéo theo tranh chấp về sở hữu tài sản.

Điều quan trọng hơn cả, sự công nhận về mặt pháp luật sẽ thay đổi những định kiến trong xã hội, để cộng đồng thực sự có cái nhìn cởi mở hơn và chấp nhận hôn nhân bình đẳng.
lbgt-ket-hon-dong-gioi_2.jpg

Với Minh Tùng, đây cũng là mong mỏi của anh để hợp thức hóa mối tình 7 năm bằng một đám cưới được pháp luật thừa nhận. Ở tuổi gần 30, cả hai đều nghĩ về tương lai với một đứa con hợp pháp khi khuôn mẫu về giới trong hôn nhân được phá bỏ.

“Tôi tin rằng xã hội đã dần cởi mở và hôn nhân cùng giới không còn là một điều quá xa lạ ở thời điểm hiện tại. Tôi và người yêu chỉ mong luật pháp Việt Nam sớm thừa nhận hôn cùng giới để có thể nhận nuôi con một cách chính thức.
 
Top