20 triệu học sinh - "miếng bánh" thị trường dạy thêm quá lớn

Thiên Bình

Trung sĩ
Thành Viên
Một “thị trường” dạy thêm với khoảng 20 triệu học sinh ổn định từ năm này sang năm khác đang là “miếng bánh” khổng lồ mà nhiều người muốn khai thác.

Chuyện dạy thêm, học thêm đã nở rộ từ khi chương trình, sách giáo khoa 2000 ra đời và suốt 20 năm qua thì câu chuyện này được nói nhiều, phản ánh nhiều nhưng mọi chuyện không đi đến đâu.

Thông tin từ Tạp chí Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở, phòng cũng đã từng ban hành nhiều văn bản cấm, tạm dừng dạy thêm, học thêm nhưng gần như không phát huy được tác dụng.

Nhiều chuyên gia viết sách giáo khoa năm 2000 thì viết sách tham khảo, sách nâng cao, sách giải bài tập, sách văn mẫu bán tràn lan ở các nhà sách, bán vào đầu năm học ở nhà trường…

Những đổi mới về nội dung giảng dạy, đề kiểm tra, đề thi thì Bộ cũng xoay như chong chóng, ngay cả giáo viên cũng có lúc bị động trong quá trình giảng dạy, ôn tập cho học trò.

Và đây cũng là lý do để nhiều giáo viên mở lớp dạy thêm nhằm tăng thu nhập hàng tháng cho mình. Giáo viên dạy thêm nhiều, thu nhập nhiều, càng dạy càng ham nên dù nhà nước có tăng lương thì chuyện dạy thêm của một bộ phận giáo viên hiện nay cũng khó mà giảm được.

phuhuynhsotruotvoicachthivaolop10hanoidoimoisaunhieunam2-8429-2299-4047.jpg

Từ hoạt động dạy thêm đang đem lại một nguồn thu nhập khá cao cho nhiều giáo viên. (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Nhìn từ chính sách vĩ mô của ngành giáo dục

Nhìn lại chương trình, sách giáo khoa năm 2000 thì chúng ta đã thấy nó quá nặng, nặng đến nỗi mà Bộ đã có ít nhất 5 lần điều chỉnh, giảm tải nội dung kiến thức.

Hai mươi năm qua, Bộ cũng đã không biết bao nhiêu lần đổi mới thi cử. Lúc trước thì các trường đại học tự chủ tuyển sinh, sau này đến Bộ chủ trì “3 chung”, rồi gộp kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông với kỳ thi tuyển đại học thành kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.

Hình thức kiểm tra cũng thay đổi liên tục. Lúc trước thì tự luận, sau đó kết hợp giữa tự luận với trắc nghiệm, mấy năm qua thì chỉ còn môn Ngữ văn là tự luận, các môn còn lại trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (trước đây) và tốt nghiệp trung học phổ thông (2020) thì trắc nghiệm 100%.

Nhưng, các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, kiểm tra học kỳ của cấp phổ thông, nhất là từ lớp 9 trở xuống vẫn đang kết hợp tự luận với trắc nghiệm (trừ môn Ngữ văn).

Năm 2012, Thông tư số17/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định dạy thêm, học thêm ra đời và từ đó đến nay có thêm vô vàn các hướng dẫn của Bộ, của các sở về tình trạng dạy thêm, học thêm. Nhất là từ khi có dịch bệnh Covid-19 cho đến giờ thì nhiều tỉnh thành yêu cầu cấm, tạm dừng dạy thêm, học thêm nhưng rồi mọi chuyện vẫn cứ vậy, chẳng có gì mới.

Hàng nghìn bài báo ra đời, hàng triệu tiếng lòng của phụ huynh lên tiếng nhưng chuyện dạy thêm, học thêm không hề giảm.

Nhiều giáo viên dạy thêm, một số hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cũng dạy thêm tại nhà. Các trường trung học phổ thông thì gần như dạy thêm 100%, cấp tiểu học cấm cả chục năm qua thì đến giờ cũng dạy thêm tràn lan.

Một “thị trường” dạy thêm với khoảng 20 triệu học sinh ổn định từ năm này sang năm khác đang là “miếng bánh” khổng lồ mà nhiều người muốn khai thác.

Trường này dạy thêm được, thầy cô này dạy thêm được sẽ là cú hích cho đơn vị, cho thầy cô giáo khác làm theo.

Nhiều thầy cô giáo đang làm giàu từ tiền dạy thêm

Lương giáo viên các trường phổ thông công lập đang được trả theo hệ số và thâm niên công tác nên những thầy cô có thâm niên công tác ít thường có hệ số lương thấp- đó là điều mà ai cũng nhìn thấy.

Nhưng có lẽ một số thầy cô dạy ở khu vực đô thị, một số thầy cô dạy các môn học có liên quan đến thi cử ở các trường trung học phổ thông thì lương chính chỉ là một khoản rất nhỏ trong tổng thu nhập hàng tháng.

Chẳng hạn, một giáo viên tiếng Anh dạy cấp trung học cơ sở ở khu vực thành phố thì mỗi tháng họ có thể kiếm thêm từ việc dạy thêm vài chục triệu đồng là chuyện rất bình thường.

Bởi, giáo viên trung học cơ sở dạy 19 tiết/ tuần, môn tiếng Anh mỗi tuần có 3 tiết/lớp thì theo định mức giáo viên sẽ phải dạy 6 lớp. Nếu giáo viên đó có kiêm thêm công tác chủ nhiệm lớp thì vẫn còn dạy 5 lớp.

Mỗi lớp ở khu vực thành thị bây giờ có sĩ số từ 40-50 học sinh. Trong khi, mức phí học thêm của học sinh hiện nay dao động từ 300-400 ngàn đồng/ tháng, mỗi tuần học 3 buổi, mỗi buổi 90 phút.

Vì thế, chỉ cần dạy thêm cho một nửa học sinh chính khóa thì hàng tháng có nhiều giáo viên đã dễ dàng kiếm thêm 30-40 triệu đồng. Trong khi nếu như giáo viên đó có thâm niên 15 năm công tác thì lương hiện hành rơi vào khoảng trên dưới 7 triệu đồng.

Rõ ràng, mức lượng dạy thêm như một lực hấp dẫn mà nếu có cơ hội dạy thêm là giáo viên không bao giờ từ bỏ.

Hiện nay, chỉ trừ một số giáo viên dạy các môn được xem là môn phụ, một ít giáo viên dạy cấp tiểu học, trung học cơ sở ở nông thôn, vùng núi... là không có cơ hội dạy thêm nên kinh tế còn khó khăn mà thôi.

Phần lớn giáo viên chủ nhiệm, tiếng Anh ở tiểu học, các môn tiếng Anh, Toán, Lý, Hóa... cấp trung học cơ sở ở những khu vực có điều kiện và phần lớn giáo viên dạy các môn có liên quan đến thi cử cấp trung học phổ thông hiện nay đều dạy thêm.

Họ dạy thêm để làm giàu chứ không phải dạy thêm để…thoát nghèo.

Vì vậy, cho dù nhà nước có trả lương lên đến 20 triệu đồng hàng tháng như một số bài viết đang kêu gọi thì nhiều giáo viên vẫn dạy thêm như thường bởi cái mốc 20 triệu đồng chưa là gì so với thực tế thu nhập từ dạy thêm của nhiều giáo viên hiện nay.

Từ lâu trong dân gian đã truyền nhau câu đối vui: “Mì chính nấu với đậu phụ, đậu phụ là chính, mì chính là phụ/ Học sinh đi học, học chính là phụ, học phụ (học thêm) là chính” ngẫm mà chí lý thay!

Để không còn tình trạng dạy thêm phải bắt đầu từ chính sách vĩ mô, phải đảm bảo được tính ổn định trong thi cử, giảng dạy. Chương trình, sách giáo khoa phải nhẹ nhàng và cấm hay không cấm dạy thêm thì Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở, các phòng giáo dục phải dứt khoát.

Còn cứ như hiện nay và thậm chí là cả khi thực hiện cuốn chiếu xong chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì chuyện dạy thêm, học thêm cũng khó lòng mà thay đổi được gì.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả đăng tải trên Tạp chí Giáo dục Việt Nam
 
Top