Vật chất hay tinh thần làm nên hạnh phúc gia đình?

Thiên Bình
Thiên Bình
Bình luận: 0Lượt xem: 558

Thiên Bình

Trung sĩ
Thành Viên
Vấn đề này đã và đang là nội dung được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đặc biệt quan tâm nghiên cứu, khảo sát trên diện rộng để làm cơ sở đánh giá trong quá trình xây dựng các tiêu chí về gia đình.

images-2079.jpg

Báo PLVN thông tin, theo TS. Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhận diện tiêu chí gia đình hạnh phúc là điều không hề đơn giản.

Theo bà Trần Tuyết Ánh, số liệu thu được từ đề tài khoa học cấp Bộ “Nghiên cứu xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc trong giai đoạn hiện nay” nhằm xác định cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc ở Việt Nam, cho thấy các yếu tố liên quan đến mối quan hệ gia đình và giá trị gia đình như sự thương yêu, hòa thuận, có nền nếp giữa các thành viên được đánh giá là điều kiện quan trọng nhất tạo dựng gia đình hạnh phúc. Đặc biệt tiêu chí “con cháu ngoan, lễ phép, chăm chỉ học tập, làm việc; thành viên gia đình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau” được cho là quan trọng khi xác định gia đình hạnh phúc.

Các yếu tố liên quan đến điều kiện vật chất cũng được đánh giá là quan trọng nhưng ở mức thấp hơn so với các yếu tố liên quan đến quan hệ gia đình và quan hệ với dòng họ, cộng đồng. Được lựa chọn nhiều nhất là điều kiện về môi trường sống, tiếp đến là tiêu chí có nhà ở, đủ tiện nghi sinh hoạt, có việc làm, có thu nhập ổn định, sử dụng thực phẩm an toàn.

“Nhìn chung, có thể thấy, gia đình hạnh phúc được xác định bởi nhiều yếu tố khác nhau nhưng đặt lên trên hết là yếu tố về chất lượng mối quan hệ của các thành viên gia đình, bao gồm sự yêu thương, gắn kết, chia sẻ, hòa thuận, chăm sóc giữa các thành viên, giữa các thế hệ trong gia đình”, bà Ánh nhìn nhận.

Một trong những yếu tố làm nên hạnh phúc gia đình đó là các thành viên trong đó hài lòng với cuộc sống mà mình đang có. Theo bà Trần Tuyết Ánh, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số nội dung về mức độ hài lòng như: Đời sống vật chất, mối quan hệ gia đình, sức khỏe, môi trường sống… Mức độ hài lòng về đời sống vật chất của gia đình được xác định bao gồm ăn, mặc, ở, đi lại, tiện nghi sinh hoạt và tài sản tích lũy của các gia đình. Kết quả cho thấy, có 81% đại diện hộ gia đình hài lòng hoặc rất hài lòng về bữa ăn gia đình; 82,5% đại diện hộ gia đình hài lòng và rất hài lòng về ngôi nhà đang ở, chỉ có 1% không hài lòng và 2,5% hài lòng ở mức thấp.

Mức độ hài lòng về mối quan hệ gia đình được đánh giá trên các chiều cạnh đời sống vợ, chồng, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, mối quan hệ họ hàng bên nội, bên ngoại…

Kết quả cho thấy, 83% người trả lời có điểm hài lòng từ 8 điểm trở lên khi đánh giá về đời sống vợ chồng; 94,5% người trả lời hài lòng đến rất hài lòng về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình với nhau. 94,5% người trả lời hài lòng đến rất hài lòng với mối quan hệ gia đình bên bố mẹ đẻ; 92% cho biết họ hài lòng đến rất hài lòng với mối quan hệ gia đình bên nhà vợ/chồng của mình.

Mức độ hài lòng về sức khỏe của thành viên gia đình, kết quả 75% người trả lời hài lòng cao về tình trạng sức khỏe của bản thân và 76% hài lòng về sức khỏe hiện tại của người chồng/vợ của họ. Về sức khỏe của các thành viên gia đình, mức hài lòng là 88,5%, còn mức hài lòng về sức khỏe của con, cháu của họ là 92,5%.

Từ kết quả về sự hài lòng trên có thể thấy đó là các gia đình Việt Nam hiện nay dù trong bối cảnh kinh tế thị trường, bị vật chất chi phối nhưng vẫn đề cao các yếu tố tình cảm, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình chứ không phải các yếu tố vật chất. “Yếu tố vật chất có thể chỉ là điều kiện đảm bảo để xây dựng gia đình hạnh phúc. Khi điều kiện vật chất đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu thì yếu tố quyết định gia đình hạnh phúc chính là các giá trị tinh thần có trong gia đình”, Vụ trưởng Vụ Gia đình nhấn mạnh.
 
Top