Từ hôm nay 26.7: Người dân TP.HCM không được ra đường từ 18 - 6 giờ hôm sau

Thiên Bình
Thiên Bình
Bình luận: 0Lượt xem: 562

Thiên Bình

Trung sĩ
Thành Viên
Đó là một trong những giải pháp mạnh TP.HCM triển khai, bên cạnh hàng loạt biện pháp nhằm sớm ngăn chặn và đẩy lùi đà lây lan Covid-19 hiện nay.

to-363-_anh-trac-rin-9_rlte.jpg

Các lực lượng chức năng sẽ tuần tra, xử phạt nghiêm những trường hợp ra đường sau 18 giờ hằng ngày
ẢNH: TRÁC RIN

Báo Thanh niên thông tin, trước diễn biến phức tạp kéo dài của dịch bệnh Covid-19, tối qua (25.7), Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM tổ chức hội nghị mở rộng lần thứ 7 để thảo luận các biện pháp trọng tâm nhằm hạn chế mức độ lây lan, tiến tới sớm kiểm soát được dịch bệnh.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết kể từ hôm nay (26.7), người dân không ra ngoài đường từ 18 - 6 giờ sáng hôm sau; tất cả hoạt động trên địa bàn phải tạm dừng, trừ trường hợp cấp cứu. Lực lượng công an, quân đội, chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ, thường xuyên kiểm tra việc chấp hành giãn cách xã hội tại khu dân cư, đường phố.

nguoi-dan-khong-duoc-ra-duong-anh-new-ngoc-duong_nvzg.jpg

Sau 18 giờ hằng ngày, người dân được khuyến cáo không ra khỏi nhà
ẢNH: NGỌC DƯƠNG

TP.HCM sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm mà cố tình chống đối bằng biện pháp tạm giữ hành chính; đồng thời điều tra, khởi tố các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định làm lây lan dịch bệnh nếu có đủ yếu tố cấu thành. Bên cạnh đó, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tại địa phương cũng sẽ bị xử lý trách nhiệm nếu buông lỏng quản lý, thờ ơ, chậm giải quyết yêu cầu chính đáng của người dân, thậm chí đề nghị cách chức.

Các ý kiến tại cuộc họp thống nhất với các biện pháp phòng chống dịch đang triển khai, đồng thời nhấn mạnh kế hoạch tiêm vắc xin an toàn, đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân, quan tâm đến công tác chăm lo an sinh cho người dân khó khăn, những người yếu thế trong xã hội...

Mong tất cả chung sức đồng lòng chống dịch

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá hội nghị lần này mang tính lịch sử, bởi sau 16 ngày thực hiện Chỉ thị 16 toàn TP, hầu hết mục tiêu đề ra đều chưa đạt được, nên phải kéo dài thời gian giãn cách. “TP.HCM chỉ còn một con đường là phải hạ quyết tâm, hành động quyết liệt để mang lại kết quả cao nhất. Việc thực hiện Chỉ thị 16 đối với một trung tâm kinh tế, xã hội của cả nước như TP.HCM là quyết định vô cùng khó khăn bởi tác động lớn đến nhiều mặt, không chỉ TP mà còn ảnh hưởng đến vùng kinh tế trọng điểm phía nam”, ông Nên nói.

Theo ông Nên, TP.HCM luôn nhận được quan tâm, chỉ đạo sát sao, hỗ trợ tận tình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chủ tịch nước, trực tiếp là Thường trực Chính phủ, Thủ tướng và các bộ ngành. Thế nhưng, “16 ngày qua, chúng ta đã làm được nhiều việc, cứu được nhiều người nhưng còn nhiều việc chưa làm được, có nhiều người chưa được cứu chữa. Đó là nỗi đau chung, khuyết điểm của hệ thống chính trị, người đứng đầu các cấp. Chúng tôi xin nhân dân lượng thứ”, ông Nên bày tỏ.

Chia sẻ về những áp lực mà cả chính quyền và người dân TP đối mặt, đòi hỏi tiếp tục cần phát huy sự đoàn kết, đồng thuận, chung sức chung lòng để vượt qua khó khăn, thách thức do dịch bệnh gây ra, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá thực hiện giãn cách xã hội triệt để là cơ hội để phát hiện, cách ly, điều trị người đã nhiễm; nếu trong 2 tuần không phát sinh thêm thì TP có thể kiểm soát được, tập trung chữa trị người nhiễm bệnh. “Chúng ta đều mong muốn rằng tất cả cùng nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng, người dân không ra ngoài đường khi không cần thiết, không tiếp xúc với người ngoài gia đình, tuân thủ 5K. Những ngày giãn cách, người dân chịu nhiều thiếu thốn nên TP sẽ tập trung cao nhất để hỗ trợ, đáp ứng cơ bản nhu cầu thiết yếu”, ông Nên chia sẻ và yêu cầu hệ thống chính trị TP tiếp tục huy động tổng lực chăm lo, giúp đỡ, giải quyết kịp thời yêu cầu chính đáng của người dân; không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc.

Về những việc trọng tâm trong 15 ngày tới, theo ông Nên, TP.HCM triển khai 7 biện pháp đồng bộ, trong đó siết chặt thực hiện Chỉ thị 16; các biện pháp phù hợp để phát hiện F0 trong cộng đồng, nâng cao công tác điều trị, hạn chế tử vong. Ngành y tế kiểm tra cơ chế vận hành thông suốt từ khi phát hiện người bệnh đến khi chuyển viện, nằm viện; đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức mua và tiêm vắc xin nhanh nhất có thể. TP.HCM cũng sẽ chủ động phối hợp với bộ ngành chuẩn bị các kịch bản ca bệnh gia tăng để không bị động...

Trước khi kết thúc hội nghị, Bí thư Thành ủy thêm một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu hệ thống chính trị TP chuẩn bị chiến lược lâu dài bảo vệ sinh kế người dân, sức sống doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Bịt “lỗ hổng” khu phong tỏa

Trước đó, tại buổi họp báo sáng qua (25.7), Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhìn nhận thời gian qua vẫn có tình trạng người dân ở trong các khu phong tỏa không thực hiện đầy đủ các nguyên tắc về cách ly, dẫn đến tình trạng số lượng ca F0 trong khu phong tỏa chiếm đa số trong các F0 phát hiện hằng ngày, có ngày chiếm đến 70%. Do đó, một trong các biện pháp trọng tâm những ngày sắp tới là đảm bảo kỷ cương ở khu phong tỏa, thực hiện nghiêm ngặt giãn cách nhà với nhà, người với người, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, trừ trường hợp cấp cứu y tế. Chính quyền tổ chức mang nhu yếu phẩm thiết yếu đến từng nhà hoặc đi chợ thay để giảm tối đa việc tiếp xúc.

Để thực thi biện pháp này, mỗi khu phong tỏa sẽ thành lập tổ công tác với sự tham gia của lực lượng công an, quân sự, thanh niên xung phong, các đoàn thể và Tổ Covid-19 cộng đồng. Các lực lượng thường xuyên tuần tra, giám sát việc thực hiện yêu cầu giãn cách giữa người với người, nhất là các khu nhà trong các hẻm nhỏ, chằng chịt, đông người, mật độ dân số cao. Chính quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đồng thời xử lý người đứng đầu và những người có liên quan nếu để xảy ra tình trạng tụ tập, vi phạm giãn cách với bất kỳ lý do gì.

Trong khi đó, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định khi áp dụng các biện pháp mạnh, TP.HCM sẽ tăng cường cung ứng hàng hóa, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế, xử lý tốt hơn các tình huống y tế, khẩn cấp khác mà người dân có nhu cầu trong thời gian siết chặt giãn cách. “TP.HCM quyết tâm thực hiện triệt để các biện pháp với mục tiêu 1 - 2 tuần kiểm soát được dịch bệnh, thước đo là ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh; khi đó sẽ công bố kết thúc giãn cách hoặc các biện pháp tiếp theo”, ông Mãi nói, đồng thời cũng cho biết TP vẫn chuẩn bị cho tình huống xấu hơn, và đề nghị các cơ quan chức năng cùng người dân cần chuẩn bị tâm thế.

Shipper chỉ được vận chuyển mặt hàng thiết yếu

Về các phương tiện được lưu thông, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết TP đã quy định rõ chỉ có những lĩnh vực thiết yếu mới được phép hoạt động, các trường hợp còn lại không được phép. Sở GTVT sẽ tổ chức phân luồng lưu thông và cấp giấy nhận diện phương tiện (đã cấp hơn 43.000 xe) để đáp ứng cơ bản nhu cầu vận chuyển ra vào TP.

Về việc đi lại bên trong nội thành, ông Lâm cho biết các quận, huyện thiết lập chốt kiểm soát kết hợp tuần tra, kiểm soát linh hoạt. Thời gian qua, các quận như: 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận... làm tốt công tác này. Riêng hoạt động giao hàng, Sở GTVT sẽ tham mưu UBND TP.HCM ban hành quy định shipper (người giao hàng) chỉ vận chuyển mặt hàng thiết yếu và có quyền từ chối vận chuyển các mặt hàng không thiết yếu. “Lực lượng chức năng các chốt sẽ kiểm tra, nếu không phải là shipper của các hãng công nghệ, hoặc giao hàng mặt hàng không thiết yếu sẽ bị xử lý theo quy định về giãn cách”, ông Lâm nói.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi cho biết qua công tác tuần tra, kiểm soát thì lực lượng ghi nhận nhiều người ra đường không có lý do chính đáng, trong đó có cả người mặc áo shipper. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cũng cho biết đã nắm được thông tin một số người lợi dụng mặc áo shipper để kiếm cớ ra đường và chỉ đạo lực lượng các chốt kiểm soát di động, kiểm tra xử lý nghiêm những trường hợp này.

Tập trung điều trị để giảm ca tử vong
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết ngành y tế cần nguồn nhân lực khổng lồ để giải quyết khối lượng công việc lớn thời gian qua, như điều trị F0, lấy mẫu xét nghiệm, truy vết, tiêm vắc xin... Quan điểm của TP.HCM là không phân biệt giữa y tế tư nhân và công lập; hiện có 59 bệnh viện (BV) tư nhân và 200 phòng khám cử bác sĩ, điều dưỡng tham gia chiến dịch tiêm vắc xin. Thời gian tới, TP lập khu điều trị F0 không triệu chứng tại các BV tuyến huyện, quy mô dự kiến khoảng 50.000 giường, cần tối thiểu 1.000 bác sĩ. Về lực lượng hỗ trợ, T.Ư dự kiến hỗ trợ nhân lực với 5.000 bác sĩ, điều dưỡng, giảng viên và sinh viên đại học, nhưng dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành những ngày gần đây, nên sẽ phân bổ lại.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết trước mắt TP.HCM huy động tất cả nguồn lực nội tại, sử dụng đúng nơi, đúng lúc, đúng chỗ để đạt hiệu quả cao nhất; trong đó cơ cấu lại nguồn lực để ứng phó với tình huống dịch bệnh được dự báo là còn phức tạp. Theo ông Đức, trong 5 - 7 ngày tới, số ca nhiễm vẫn ở mức cao, biểu đồ ca bệnh đang đi ngang nên TP.HCM sẽ dồn nguồn lực để “kéo xuống thành đường cong”, từng bước quay về trạng thái bình thường.

Trong khi đó, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi khẳng định chiến lược của TP.HCM đang chuyển dần sang điều trị, đây là nhiệm vụ chính, cần tập trung nguồn lực, tổ chức khoa học để điều trị hiệu quả với mục tiêu giảm tử vong.

Lãnh đạo TP.HCM thẳng thắn nhìn nhận thời gian qua có tình trạng người dân cần trợ giúp về y tế nhưng không được đáp ứng kịp thời, nguyên nhân đến từ sự quá tải của cơ sở tiếp nhận tuyến quận, huyện và BV điều trị; mặt khác do cơ chế điều phối, điều trị. Để giải quyết bài toán trên, TP.HCM rà soát, mở rộng năng lực tiếp nhận, điều trị tại các BV quận, huyện và TP; chuyển một số BV dã chiến sang tăng cường chức năng điều trị, nâng cấp nhân lực, bổ sung trang thiết bị để chuyển thành BV điều trị. TP.HCM cũng triển khai thêm các BV dã chiến, chuẩn bị cho tình huống số bệnh nhân tăng cao.
 
Top