Thị trường bất động sản TP.HCM: Dự án địa ốc mòn mỏi chờ ngày khai thông

Hong Nhung

Trung sĩ
Thành Viên
Khách hàng chờ đợi, chủ đầu tư như ngồi trên đống lửa, còn các cơ quan chức năng thì mất nhiều thời gian để rà soát, thanh tra dự án vì nhiều quy định, văn bản pháp luật chồng chéo.

du-an-dia-oc-mon-moi-cho-ngay-khai-thong1607470846.jpg

Các chính sách pháp lý vẫn còn nhiều khoảng trống và bất cập, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư, làm giảm nguồn cung và đẩy giá bán sản phẩm bất động sản tăng trong thời gian qua.

Theo ghi nhận của Báo đầu tư, dự án Diamond Lotus Lakeview (quận Tân Phú), diện tích 11.458 m2, gồm 3 tháp cao 21 tầng, do Công ty bất động sản Ngôi nhà xanh làm chủ đầu tư. Trong đó, toà A và C gồm 799 căn hộ, đã được tiến hành làm móng và mở bán từ tháng 7/2016, nhưng sau đó phải dừng triển khai.

Lý do được phía chủ đầu tư cho biết, trước đây doanh nghiệp mua quỹ đất của Công ty cổ phần Nhựa Tân Tiến khi doanh nghiệp này cổ phần hóa. Sau đó, doanh nghiệp tiến hành làm thủ tục pháp lý để lập dự án và đã được UBND TP.HCM chấp thuận, nên doanh nghiệp tiến hành xây dựng và bán nhà cho khách hàng.

Thế nhưng, tới năm 2017, Dự án phải dừng triển khai vì UBND Thành phố thanh tra việc cổ phần hóa doanh nghiệp, cũng như mua bán quỹ đất này có đúng giá trị hay không.

Cùng cảnh ngộ là Dự án The Park Avenue, tọa lạc mặt tiền đường 3/2 (quận 11). Khu đất triển khai dự án trước thuộc doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, chủ đầu tư mua lại năm 2016. Dự án sau đó đã được cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục khác. Sau khi bán hết nhà cho khách, chủ đầu tư tích cực triển khai để kịp bàn giao nhà năm 2018, nhưng khi mới triển khai tới tầng 6, thì buộc phải dừng lại để thanh tra việc mua bán khu đất này có đúng giá trị không.

Hay như khu đất của Công ty cổ phần Địa ốc Him Lam Land tại mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7). Tuy không phải là đất cổ phần hóa, nhưng năm 2017, khi chủ đầu tư xin phát triển dự án, vì mật độ xây dựng và dân số khu vực này chỉ có thể cấp được khoảng 6%, nghĩa là chỉ xây được chung cư thấp tầng. Để đảm bảo mật độ theo quy định và có lãi, Công ty Him Lam Land nộp hồ sơ xin thêm phần căn hộ văn phòng (officetel) và đã đóng tiền sử dụng đất, nhưng đúng lúc TP.HCM dừng cấp phép cho các dự án có officetel, vậy là dự án này phải dừng triển khai.

Ngoài những doanh nghiệp trên, các tập đoàn lớn như Hưng Thịnh, Quốc Cường Gia Lai, Phúc Khang Corp, Hà Đô hay Sabeco HP… cũng đều có số lượng lớn dự án “đắp chiếu” vì vướng đủ thứ thủ tục pháp lý.

Có thể nói, chưa lúc nào, thị trường bất động sản TP.HCM đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay. Theo chia sẻ của đại diện nhiều doanh nghiệp địa ốc, năm 2019 sở dĩ họ còn cầm cự được là nhờ vào nguồn vốn tích lũy những năm trước đó, song việc không thể triển khai dự án mới, cộng thêm cú đấm bồi của Covid-19 khiến nguồn lực của nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp địa ốc đã phải thốt lên rằng: “Làm doanh nghiệp bất động sản lúc này khổ quá, tiến không được, lùi cũng không xong”. Theo chia sẻ của vị này, doanh nghiệp của ông đầu tư một dự án ở TP.HCM, tốn gần 2 năm để theo đuổi pháp lý. Đến giai đoạn gần cuối cùng hoàn thiện phần pháp lý, đùng một cái, nhân sự phụ trách lĩnh vực của cơ quan quản lý nhà nước thay đổi, thế là người phụ trách mới về rà soát lại hồ sơ, doanh nghiệp gần như phải làm lại quy trình thủ tục từ đầu.

Theo ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh, Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã giải quyết được nhiều vấn đề và tạo cơ sở cho sự phát triển thị trường bất động sản. Tuy nhiên, các chính sách pháp luật vẫn chưa theo kịp để điều chỉnh hết các loại hình bất động sản mới. Việc vận dụng và giải thích pháp luật của cơ quan có thẩm quyền trong các vấn đề còn chưa thống nhất.

“Các chính sách pháp lý vẫn còn nhiều khoảng trống và bất cập, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư, làm giảm nguồn cung và đẩy giá bán sản phẩm bất động sản tăng trong thời gian qua”, ông Trung nhấn mạnh.

Theo ông Trung, để giải quyết các vướng mắc này, Chính phủ cần quan tâm cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực đầu tư dự án bất động sản. Ngoài ra, cho phép chủ đầu tư được triển khai đồng thời thủ tục xin giấy phép xây dựng và thẩm định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất.

Tương tự, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành cho rằng, hiện nay không có quy trình cho phát triển nhà ở xã hội. Dù Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rất rõ, nhưng áp dụng không được. Điển hình là công ty này làm dự án nhà ở xã hội 2.000 căn, xin tăng chỉ tiêu dân số, nhưng 3 năm nay chưa được giải quyết. Rồi có một dự án khác, Công ty không sử dụng đất công, không sử dụng ngân sách nhà nước, nhưng vẫn bị kiểm toán...
 
Top