Thanh toán không tiền mặt: Cần tháo “điểm nghẽn”

Lan Anh
Bình luận: 0Lượt xem: 439
L

Lan Anh

khong-tien-mat-1_gyff.jpg

Tiền mặt trong thanh toán vẫn nhiều
Tại hội thảo “Xã hội không tiền mặt – Triển khai chính sách, hướng tới tương lai” do Vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 12/6 tại TP.HCM, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, cho biết các dịch vụ thanh toán điện tử qua Internet và điện thoại di động (ĐTDĐ) đã đạt được những kết quả ấn tượng, cả về số lượng khách hàng cũng như số lượng và giá trị giao dịch. Trong 4 tháng đầu năm nay, thanh toán nội địa qua thẻ NH tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị.
Thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; qua kênh ĐTDĐ tăng 189% về số lượng và hơn 166% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Đến cuối tháng 3-2020, số lượng thẻ NH đang lưu hành đạt mức 103,1 triệu thẻ (tăng 22,4% so với cuối năm 2017)...
Tuy nhiên, tỉ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán vẫn cao, tới 11,33%, cần phải tháo "điểm nghẽn" để thanh toán không tiền mặt thực sự hiệu quả.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, "điểm nghẽn" của thanh toán không dùng tiền mặt là dữ liệu tập trung để ngân hàng có thể kết nối vào làm dịch vụ thanh toán, vì nếu không có cơ sở dữ liệu tập trung thì không thể nói đến thanh toán không tiền mặt.
Thí dụ, riêng với ngành điện đã phải mất 4 năm để có được cơ sở dữ liệu tập trung, thông qua đó ngành ngân hàng có thể kết nối để lấy dữ liệu phục vụ cho thanh toán.
Điểm nghẽn nữa chính là từ các đơn vị cung ứng dịch vụ chưa chưa sẵn sàng. "Thực tế triển khai cho thấy 6 sở sử dụng 6 phần mềm khác nhau, không theo chuẩn chung nào nên rất mất công. Do vậy cần sự vào cuộc của các sở ban ngành", ông Dũng nói.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch phụ trách phía Nam Hiệp hội Thương Mại điện tử (VECO), mặc dù dịch Covid-19 đã tác động đến thói quen mua sắm không dùng tiền mặt của người dân.
"Nếu trước kia sự chuyển đổi này còn khó khăn thì thông qua mùa dịch việc thay đổi tiến hành nhanh hơn do môi trường bắt buộc", ông Nguyễn Ngọc Dũng nói.
Thống kê 4 sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam cho thấy lượng truy cập mua sắm trên sàn thương mại điện tử kể từ khi dịch diễn ra đã tăng hơn 150% so với cùng kì năm 2019. Mỗi ngày có khoảng 4 triệu lượt lượng truy cập các sàn thương mại điện tử mua sắm. Đồng thời, lượng tìm kiếm ứng dụng thanh toán tăng vọt gấp đôi đầu mùa dịch. Mùa dịch này đặt hàng và thanh toán trước qua app cũng tăng dần.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng thanh toán không tiền mặt tăng nhưng không đột biến vì chưa có chuẩn bị.
Đơn vị cung ứng thanh toán gấp rút triển khai dịch vụ mới
Về phía ngân hàng thực hiện triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, ông Đàm Hồng Tiến, Giám đốc khối bán lẻ, ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank), cho rằng VietinBank đã cung ứng dịch vụ “Thẻ khám bệnh” cho hơn 130 bệnh viện trong đó có 30 bệnh viện lớn như Từ Dũ, Y dược TP.HCM, Bạch Mai... Theo đó, ngân hàng và bệnh viện kết hợp đặt máy in thẻ ngay tại bệnh viện. Khi bệnh nhân đến thăm khám, có giấy tờ tùy thân thì có thể phát hành ngay thẻ cho khách hàng và có thể đi từng khoa, phòng khám khám bệnh, viện phí sẽ được trừ ngay trên tài khoản.
“Một thực tế khi triển khai là thẻ sử dụng cho một bệnh viện. Mỗi người có một thẻ khác nhau. Nếu có cơ sở dữ liệu liên thông cấp quốc gia thì chỉ cần một thẻ chung thì người bệnh có thể sử dụng chiếc thẻ này để đi khám bệnh ở các bệnh viện trên cả nước. Một vướng mắc của các ngân hàng khi đầu tư vào thanh toán y tế thì chi phí rất lớn. Khi cung cấp dịch vụ công thì cần có bù đắp chi phí đầu tư nên cần có cơ chế tài chính, hướng dẫn các bệnh viện thanh toán các khoản chi phí dịch vụ", ông Tiến nói.
Ông Đàm Hồng Tiến kiến nghị, để triển khai thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong bệnh viện, ngành y tế cần đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ thông tin chung cho ngành y tế, để cho các bệnh viện có cơ sở dữ liệu y tế trong toàn quốc.
Về phía ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Sacombank, cho biết đối với việc thu học phí của ngành giáo dục tại TP.HCM đã được Sacombank khởi động từ 6 năm trước. Đến nay, ngân hàng đã triển khai việc nộp học phí online tại hơn 300 trường học với với hơn 200.000 thẻ học đường được phát hành, cùng hàng trăm ngàn lượt thanh toán và tốc độ tăng thanh toán không tiền mặt mỗi năm đến vài chục lần.
“Chúng tôi chọn ra dịch vụ mới chứ không cân nhắc quá vấn đề chi phí và bảo đảm an toàn cho các đối tác và tích hợp các phương thức trong hệ sinh thái thanh toán của Sacombank”, ông Tâm cho biết.
Một giải pháp mà CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) đang triển khai để lấn lướt thị phần là công nghệ thẻ chip nội địa Napas - không tiếp xúc cho phép thanh toán nhanh chóng không cần nhập PIN với giao dịch dưới 1 triệu đồng. Đặc biệt giao dịch nhanh hơn với công nghệ không chạm – contactless.
Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng giám đốc Napas, cho biết đơn vị này tiến tới số hoá thẻ lên điện thoại di động như thẻ thanh toán, tận dụng mạng lưới thanh toán QR tương tự như ứng dụng mobile banking của ngân hàng và ví điện tử của trung gian thanh toán, cũng như thanh toán một chạm tận dụng hạ tầng thanh toán thẻ chip nội địa contactless.
"Tương tự như thanh toán Samsung Pay hay Apple Pay, áp dụng công nghệ contactless VCCS. Chúng ta có thể số hóa thẻ vật lý đó lên điện thoại di động. Có thể dùng điện thoại để thanh toán. Napas sẽ triển khai chính sách hỗ trợ cho các Ngân hàng và trung gian thanh toán để triển khai", ông Hùng nói.
Mặc dù các ngân hàng và các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán đã có nhiều sản phẩm cho việc thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng để tạo sự chuyển biến rõ rệt về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, làm thay đổi dần tập quán sử dụng các phương tiện thanh toán, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, tại quyết định số 2545, Thủ tướng đã đề ra giải pháp khuyến khích phát triển thanh toán điện tử, trong đó có thanh toán trên ĐTDĐ.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN, cho biết Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu và dự kiến trong tháng 6 này sẽ trình Thủ tướng ban hành nghị định thay thế các nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, một loạt quy định mới về các phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt mới, dịch vụ trung gian thanh toán, cung ứng tiền điện tử, quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán...

Link gốc...
 
Top