Thành phố Thủ Đức: Không đơn thuần là đổi cái tên!

Hong Nhung

Trung sĩ
Thành Viên
Nếu được thành lập, thành phố Thủ Đức cần tạo ra sự khác biệt để hình thành nên một đô thị năng động, một đầu tàu kinh tế mới không chỉ của TP.HCM mà còn cả khu vực. Do đó, sự thay đổi cần cả “lượng và chất”, chứ không chỉ đơn thuần là đổi một cái tên hay tạo thêm bộ máy hành chính.

Thành phố của tri thức và công nghệ


Thông tin từ Cafeland, đề án thành lập thành phố Thủ Đức bước đầu đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ chủ trương. Theo đó, thành phố Thủ Đức được thành lập dựa trên sự sáp nhập của 3 quận phía đông TP.HCM gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức.

Khu vực này được định hướng hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao để phù hợp với chủ trương chung về phát triển kinh tế số, phát huy năng lực, đổi mới, sáng tạo.

Thành phố Thủ Đức dự kiến có diện tích 21.000 héc ta và có khoảng 1 triệu dân, tức chiếm khoảng 1/10 diện tích, 1/10 dân số toàn TP.HCM.

4-01.jpg

Sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức được kỳ vọng sẽ giúp TP.HCM thực hiện “giấc mơ” chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tri thức, sáng tạo, công nghệ... mà gần 2 thập niên qua TP.HCM vẫn chưa thực hiện được.

Thành phố Thủ Đức tương lai sẽ được xây dựng dựa trên sáu khu vực trọng điểm gồm:

Khu Trường Thọ được xác định là “trái tim” của thành phố. Nơi đây sẽ định hình một đô thị tương lai, áp dụng những ý tưởng độc đáo và có tính cách mạng nhất về công nghệ.

Khu công nghệ cao (SHTP) với định hướng trở thành trung tâm sản xuất tự động hoá, ngôi nhà của nền công nghiệp thế kỷ 21 tại Việt Nam.

Khu Đại học Quốc gia TP.HCM là nơi cung cấp quần thể giáo dục – đào tạo cùng một trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng.

Khu tài chính Thủ Thiêm với tầm nhìn trở thành trung tâm công nghệ tài chính của khu vực.

Khu Rạch Chiếc được xác định là trung tâm thể thao và sức khoẻ của Đông Nam Á.

Khu Tam Đa là trung tâm công nghệ sinh thái và khu đô thị có khả năng chống chịu cao.

5-01.jpg

Chia sẻ trên Cafeland, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hoà, Phó chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị TP.HCM, tư tưởng hình thành thành phố Thủ Đức thực ra không mới, cách đây 10 năm đã có ý tưởng này.

Việc phân chia thành phố về phía đông sẽ là khu vực tập trung phát triển về khoa học, giáo dục và đào tạo. Và lần này cũng không ngoài mục đích theo hướng kinh tế tri thức, sáng tạo và công nghệ.

Khi hình thành, thành phố Thủ Đức được kỳ vọng sẽ đóng góp 1/3 kinh tế cho TP.HCM, tức khoảng 7% GDP cả nước.

Thành phố Thủ Đức đã có gì?

Trước khi có đề án thành lập thành phố Thủ Đức, khu Đông TP.HCM với ba quận 2, quận 9 và Thủ Đức là đã một trong những nơi có nền kinh tế - xã hội phát triển nổi bật so với các vùng khác.

Khu vực này tiếp giáp với những nền kinh tế năng động là Đồng Nai, Bình Dương. Nếu như trước đây, hai địa phương này được xem như đô thị vệ tinh của TP.HCM thì nay đã lớn mạnh và trở thành “đối trọng” thật sự của TP.HCM.

Sự vươn lên mạnh mẽ của Bình Dương hay Đồng Nai đã cùng với TP.HCM mà cụ thể là khu vực phía đông tạo nên mũi đinh ba thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của cả khu vực.

Hạ tầng giao thông là một ưu điểm nổi bật của khu Đông TP.HCM với hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm đã và đang được triển khai.

7-01.jpg

Có thể kể đến hầm Thủ Thiêm được chính thức thông xe vào năm 2011. Đây là hạng mục quan trọng nhất trong dự án xây dựng đại lộ Đông Tây của TP.HCM. Hầm có chiều dài 1,49 km, rộng 33 m, cao 9 m, với 6 làn xe lưu thông, mỗi bên 3 làn cho cả ôtô và xe máy.

Ngoài ra, hầm Thủ Thiêm còn có 2 làn đường thoát hiểm hai bên. Tốc độ thiết kế đạt 60 km/giờ. Tại thời điểm thông xe, hầm Thủ Thiêm có quy mô hiện đại nhất tại Đông Nam Á.

Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7 km, gồm 2,6 km ngầm và 17,1 km trên cao. Tuyến có tổng cộng 14 ga với 3 ga ngầm 11 ga trên cao và depot Long Bình tại quận 9.

Dự án trải dài qua các quận 1, Bình Thạnh, quận 2, Thủ Đức và quận 9. Tổng mức đầu tư dự kiến của toàn tuyến là hơn 44.000 tỉ đồng. Metro số 1 dự kiến sẽ vận hành từ cuối năm 2021.

Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây được thông xe từ năm 2015, có chiều dài hơn 55 km với điểm đầu tại quận 2 (TP.HCM) và kết thúc tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai). Tổng vốn đầu tư dự án là 20.630 tỉ đồng. Trong thời gian tới, tuyến cao tốc này sẽ được đầu tư mở rộng lên 10 làn xe.

Một dự án giao thông quan trọng khác là đại lộ Phạm Văn Đồng có tổng chiều dài gần 14 km, bắt đầu từ nút giao thông Trường Sơn (sân bay Tân Sơn Nhất) đến quốc lộ 1A, với mặt đường rộng 30-65 m (tương đương 6 - 12 làn xe).

Tuyến đường kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất đến quốc lộ 1A và quốc lộ 1K, đi qua các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức và hai tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.

8-01.jpg

Bên cạnh hạ tầng giao thông, những khu vực được xem là “hạt nhân” của thành phố Thủ Đức tương lai hiện cũng đã và đang dần thành hình. Trong đó, Khu đô thị Thủ Thiêm với diện tích 657 ha, bao gồm khu trung tâm thương mại, tài chính, khu dân cư cho khoảng 150.000 người sinh sống và hơn 220.000 người làm việc thường xuyên.

Khu công nghệ cao tại quận 9 hiện cũng đã đón nhiều tên tuổi lớn của nghành công nghệ thế giới như Samsung, Intel… Khu đại học Quốc gia TP.HCM với hệ thống hơn 10 trường thành viên mỗi năm đào tạo hàng chục nghìn sinh viên.

Với lĩnh vực bất động sản, khu Đông TP.HCM được xem như mảnh đất vàng mà mọi doanh nghiệp đều thèm khát. Những đại đô thị đã và đang mọc lên góp phần rất lớn trong việc thay đổi diện mạo của nhiều khu vực tại đây.

Một số dự án lớn như Vinhomes Grand Park của tập đoàn Vingroup đang xây dựng tại quận 9 với quy mô 272ha; dự án đại đô thị Vạn Phúc City rộng 198ha tại quận Thủ Đức của tập đoàn Đại Phúc; khu đô thị Sala tại Thủ Thiêm của Đại Quang Minh có quy mô hơn 100ha hay khu dân cư Nam Rạch Chiếc của tập đoàn NovaLand tại quận 2 có quy mô hơn 30ha…

Tiền đâu để xây dựng Thành phố Thủ Đức?

9b-01.jpg

Đề án thành lập thành phố Thủ Đức được nhiều chuyên gia đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc trên con đường hiện thực hoá đề án này.

Tại một buổi toạ đàm với chủ đề “Những điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa TP Thủ Đức - TP sáng tạo: Thuận lợi, thách thức và lộ trình” vừa được báo SGGP tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia đã lần lượt nêu những câu hỏi cần lời đáp. Trong đó, quan tâm hơn cả là lấy tiền đâu để xây dựng thành phố Thủ Đức?

Theo tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, tiềm lực để phát triển, giá trị đầu tư cho các đô thị phát triển mới trên thế giới rất lớn. Và ở đây đặt ra thách thức lớn nhất cho chúng ta là tiền ở đâu, kinh phí ở đâu để làm? Trong nguyên lý đô thị, đô thị sinh ra từ đất, tức là khai thác quỹ đất và cứ thế phát triển cơ sở hạ tầng dần dần lên. Nhưng đất đai ở khu vực này hiện tại đang có tình trạng đầu cơ, khai thác như thế nào là thách thức.

10-01.jpg

Ông Cương cho rằng, nên khoán kinh phí đầu tư hạ tầng của thành phố trên từng mét vuông đất và mỗi mét vuông đất đó có nghĩa vụ đóng góp cho xây dựng. Hễ ai là chủ đất đều phải đóng góp chứ không phải nhà nước bỏ ra hết.

Giáo sư Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, đặt câu hỏi tư duy lấy nguồn vốn từ quỹ đất hiện nay liệu có đúng hay không? Bởi quỹ đất luôn hữu hạn, trong khi nguồn tài chính, ý tưởng sáng tạo bất tận luôn là cơ hội được tạo ra liên tục.

Do đó, tư duy cần ngược lại, nghĩa là nên từ chính sách tạo môi trường đẳng cấp quốc tế cao nhất, luật phải là luật tư pháp độc lập, đồng tiền là đồng tiền chuyển đổi được hay ít nhất phải có khu kinh tế đặc biệt, khu tài chính đặc biệt, cho phép đồng vốn nước ngoài chuyển ra chuyển vào một cách tự do… Những điều này sẽ tạo nguồn tài chính, không phải chỉ nghĩ đến quỹ đất để tìm nguồn vốn như cách tư duy truyền thống.

Bên cạnh tiềm lực tài chính để xây dựng thành phố Thủ Đức, thì việc quy định pháp luật cần làm rõ tư cách của “một thành phố trong thành phố” sẽ như thế nào? Thành phố mới sẽ khác gì với các quận huyện còn lại của TP.HCM và như thế nào với các thành phố ở địa phương khác? Bộ máy hành chính như thế nào, thành phố sẽ chịu sự quản lý của TP.HCM hay Trung ương?

11-01.jpg

Cẩn trọng đầu cơ: Thổi giá bất động sản

Ghi nhận thực tế của CafeLand cho thấy, ngay khi ý tưởng thành lập thành phố phía đông xuất hiện thì khu vực này đã trở thành một “điểm nhấn” không thể thiếu trong nhiều chiến dịch quảng cáo, giới thiệu sản phẩm của các dự án bất động sản.

Hiện nay, giá bán nhà đất tại các quận 2, Thủ Đức, quận 9 vốn đã cao nay càng có cớ để tăng cao hơn nữa.

13-01.jpg

Theo thống kê của một đơn vị nghiên cứu thị trường, trong vòng ba năm trở lại đây, giá bán căn hộ tại khu vực phía đông tăng khoảng 50-80%. Cá biệt, các dự án khu vực Thủ Thiêm có giá bán tăng gần gấp đôi sau 3 năm, từ mức 2.700-3.500 USD/m2 lên 6.000-8.000 USD/m2. Với phân khúc thấp tầng, giá đất tăng trong khoảng 50-250% tuỳ khu vực.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM chia sẻ, việc thành lập thành phố phía đông là chủ trương đúng đắn nhằm huy động nguồn lực trong và ngoài nước để xây dựng nên một đô thị kiểu mẫu.

Thành phố mới phải có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu thú doanh nghiệp đầu tư. Nếu đi đúng hướng thì tất cả mọi lĩnh vực đều được hưởng lợi và là một phần trong sự phát triển đó. Bất động sản tại khu vực này sẽ được nâng giá trị thật.

Tuy nhiên, nếu đi “chệch hướng” sẽ để lại nhiều hệ luỵ mà bất động sản là lĩnh vực nặng nề nhất. Thực tế cho thấy, hiện đã có nhiều đô thị, thành phố mới được thành lập cách đây hàng chục năm, từng tạo nên nhiều cơn sốt đất nhưng đến bây giờ vẫn không thể thành hình, thậm chí phải gọi bằng cái tên “thành phố ma”.

Bên cạnh đó, những thông tin quy hoạch như trên nếu không được quản lý và tuyên truyền minh bạch sẽ dễ dàng bị các nhóm lợi ích, đầu cơ lợi dụng như một miếng mồi béo bở để tạo sóng giá nhà đất, gây bất ổn cho thị trường bất động sản.

14-01.jpg

Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao của Savills Vietnam, cho rằng thành phố mới chỉ thật sự mang lại hiệu quả khi có những quy hoạch đặc biệt, những chính sách mời gọi đầu tư trong và ngoài nước hấp dẫn, có nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội tốt… để trở thành một “đòn gánh” với trung tâm thành phố hiện hữu.

Ngược lại, nếu chỉ thay đổi cái tên “thành phố” thì chỉ giải quyết được mặt hình ảnh. Trong khi đó, việc có thêm một bộ máy lãnh đạo sẽ khiến chi phí hành chính càng thêm tốn kém, người dân khó khăn khi phải thay đổi giấy tờ, thông tin.

15-01.jpg

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, cho rằng đề án thành phố trong thành phố là một chủ trương đúng đắn nhưng nếu không kiểm soát tốt thì đây sẽ là cái cớ cho tình trạng đầu cơ, thổi giá, phân lô bán nền tràn lan tại khu vực này. Đây cũng là một thách thức lớn cho bài toán quy hoạch của thành phố Thủ Đức.

Theo ông Châu, chính quyền thành phố cần có giải pháp để tạo cơ hội cho người dân sống lâu năm tại các quận trên phải được hưởng lợi trước nhất, tránh để họ bán lúa non. Đồng thời, tạo ra cơ hội như có quỹ đất lớn đón các nhà đầu tư tầm cỡ nhằm phát triển các dự án mang tính đồng bộ, có tiềm năng để góp phần thúc đẩy phát triển chung của thành phố mới.

Đặc biệt, thành phố cần sớm công bố các thông tin quy hoạch thật nhanh, đầy đủ, chi tiết và công khai để mọi người dân biết rõ qua đó hạn chế việc đầu cơ, gây sốt ảo trên thị trường bất động sản.

16-01.jpg

Công trình hạ tầng nghìn tỷ nào sẽ “thắp sáng” thành phố Thủ Đức?

 
Top