Sự thật của quảng cáo tràn lan trên Youtube 'nhà tôi 3 đời nhận chữa'

Hong Nhung

Trung sĩ
Thành Viên
Các loại thuốc đông y được quảng cáo có công dụng chữa bệnh xương khớp, sỏi thận, gan... đang tràn lan trên YouTube không chỉ gây phản cảm mà còn là sự mập mờ về chất lượng.

Thực tế, theo ghi nhận của báo chí, thời gian gần đây thời lượng và nội dung quảng cáo trên YouTube đang khiến không ít người dùng cảm thấy rất phiền toái.

"Quảng cáo nhiều đến mức gây ám ảnh"

Thường sử dụng YouTube mỗi ngày, trao đổi với báo chí, chị Mai Anh cho biết ngày càng thấy khó chịu và ức chế khi vào mạng xã hội này. “Mở một video nghe nhạc 5 phút thư giãn cũng bị 2 - 3 video quảng cáo làm phiền. Chặn cũng không hết nổi”, chị bực bội nói.

Thậm chí, có những video chị xem gắn rất nhiều quảng cáo thời lượng dài và còn lặp đi lặp lại. Chưa kể, nhiều video có nội dung quảng cáo không phù hợp.

Đáng nói, theo nhiều người dùng, các nội dung quảng cáo thuốc đông y hơn 2 tháng qua đang xuất hiện tràn lan trong các video trên YouTube. "Quảng cáo nhiều đến nỗi tôi bị ám ảnh câu nói 'nhà tôi 3 đời trị sỏi thận, sỏi mật' hay 'cứng khớp đau nhức đi bệnh viện không khỏi thì liên hệ với chúng tôi' ", một người dùng bày tỏ.

IMG_4898_2.jpg

IMG_4899_2.jpg

Quảng cáo xuất hiện liên tục giữa video trên YouTube khiến nhiều người dùng cảm thấy phiền toái. Ảnh chụp màn hình.

Tương tự, một tài khoản tên Linh Tran bức xúc: "Người dùng chấp nhận quảng cáo có chừng mực và có kiểm duyệt nội dung. Nhưng hiện nay có quá nhiều quảng cáo thuốc đông y, thuốc gia truyền với kiểu ghép đoạn thông tin y tế của các đài và cam kết đảm bảo chữa khỏi 100%; không khỏi, không lấy tiền… khiến tôi rất bực mình".

Theo nhiều chuyên gia trong ngành quảng cáo số, nguyên nhân nằm ở việc các đơn vị bán thuốc rất chịu chi tiền cho YouTube do biên độ lợi nhuận bán hàng lớn. “Giá đấu thầu quảng cáo thông thường rơi vào khoảng 100-200 đồng/lượt hiển thị. Nhưng các đơn vị bán thuốc sẵn sàng chi từ 500-900 đồng/lượt. Điều này khiến họ được ưu tiên gắn vào các video hơn những nội dung khác”, Quang Vinh, quản trị viên diễn đàn nhà sáng tạo nội dung YouTube với hơn 200.000 thành viên chia sẻ.

Thực tế, vài năm trước tình trạng quảng cáo tràn lan thuốc Đông y đã xuất hiện nhiều trên mạng xã hội Facebook. Những loại thuốc đông y được quảng cáo có công dụng như: Chữa các bệnh về gan, thận, yếu sinh lý, chữa dứt điểm các bệnh hen suyễn, viêm xoang... khiến nhiều người mắc lừa. Tuy nhiên, khi quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội này bị siết thì gần đây quảng cáo thuốc đông y lại bắt đầu chuyển hướng "tấn công" người dùng sang YouTube.

Quảng cáo sai sự thật

Có thể thấy, mô tuýp quen thuộc của những loại quảng cáo thuốc đông y đều là "nhà tôi 3 đời chữa" và khẳng định trị dứt điểm, dùng một liệu trình là khỏi hoàn toàn... Thậm chí, nhiều loại quảng cáo còn lồng ghép logo của các nhà đài; cắt ghép video từ các nhà đài vào video gốc để người xem tin tưởng hơn vào công dụng "thần kỳ" của thuốc.

Không chỉ vậy, các quảng cáo này còn lấy danh nghĩa là “đông y gia truyền” được nhiều người đã sử dụng và khỏi bệnh để tạo uy tín cho người tiêu dùng. Tuy nhiên theo một số người, những đoạn quảng cáo này phần lớn đều dàn dựng từ nhân vật phỏng vấn đến kịch bản.

"Tôi từng nhận quay 2 video quảng cáo cho một loại thuốc đông y chữa xương khớp để họ chạy quảng cáo. Trong mỗi video, tôi đều thuê nhân vật để quay và lên kịch bản nhân vật sẽ nói gì, hành động gì", chị T, một người làm trong ngành truyền thông tiết lộ.

30e4bec84b8ba2d5fb9a.jpg

Một số quảng cáo cắt ghép video từ các nhà đài vào video gốc để người xem tin tưởng hơn vào công dụng "thần kỳ" của sản phẩm. Ảnh: Đ.L

Hơn thế nữa, một số người từng làm nhân viên telesale (gọi điện tư vấn) bán các loại thuốc đông y online cho biết họ đã xin nghỉ việc vì cảm thấy "cắn rứt lương tâm".

Trao đổi với Zing, GS.TS Trương Việt Bình, nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam cho biết các sản phẩm quảng cáo giả mạo thuốc đông y trị dứt điểm hoàn toàn là không đúng sự thật, nói quá về tác dụng của sản phẩm. Thực tế, đa phần các sản phẩm này đều là thực phẩm chức năng, không phải là thuốc chữa bệnh.

"Hiện nay, có một số trang mạng sử dụng thông tin cá nhân, hình ảnh của tôi để cắt ghép vào video quảng cáo không đúng khiến rất nhiều người hiểu nhầm. Do đó, người tiêu dùng cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin khi mua thuốc để tránh tiền mất tật mang", GS.TS Trương Việt Bình chia sẻ.

Theo ông, người bệnh nên tới bệnh viện hoặc phòng khám để được khám và tư vấn cụ thể việc dùng đúng thuốc, đúng liều lượng. Mua thuốc trên mạng sẽ dễ gặp phải tình trạng thuốc không đảm bảo chất lượng và không có thầy thuốc chịu trách nhiệm.

Mặc dù bị xử phạt liên tục, dễ thấy các hoạt động quảng cáo thuốc "núp bóng" thực phẩm chức năng vẫn liên tục biến tướng trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube hay Facebook. Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), từ đầu năm 2020 đến nay, Cục đã xử phạt 45 cơ sở kinh doanh với tổng số tiền là 2,9 tỷ đồng. Trong đó, đa số vi phạm của các công ty là hành vi quảng cáo sản phẩm không phù hợp với tài liệu theo quy định.

Thời gian qua, Cục cũng liên tục phát thông báo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ có nội dung quảng cáo sai sự thật trên các website và đề nghị người tiêu dùng không mua, không sử dụng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và kinh tế.
 
Top