D
Doanh nghiệp - Vietnambiz
Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hầu hết các loại hình doanh nghiệp (DN), các ngành kinh tế và người dân. Và cũng như các nước, Chính phủ Việt Nam cũng mong muốn đưa ra gói hỗ trợ nền kinh tế và người dân vượt qua cơn khủng hoảng do dịch bệnh.
Nhưng nguồn tiền của Chính phủ có hạn. Trong bối cảnh hiện nay, như một sự đồng điệu dù không mong muốn, đó là trong khi các DN suy trầm do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, thì ngân sách nhà nước cũng gặp khó khăn không kém.
Theo Bộ Tài chính, ước tính thực hiện ngân sách quý I-2020 cho thấy chi thường xuyên so với tổng chi lên đến 72%, chi đầu tư phát triển 18% và chi trả nợ lãi là 10%. Mặc dù chi trả nợ gốc được đưa ra khỏi bảng cân đối ngân sách nhưng cũng phải tính đến là 17%.
Như vậy có thể thấy ngân sách nhà nước cũng khó khăn như các đối tượng khác. Khi ngân sách không dư dả thì việc đưa tiền vào đâu để kích thích độ lan tỏa và thu hồi là việc cần cân nhắc và cẩn trọng.
Đối với loại hình DN Nhà nước (DNNN), thông qua số liệu của Tổng cục Thống kê công bố trong sách trắng về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN cho thấy, hệ số vốn/doanh thu thuần (số vốn cần thiết để sản xuất một đơn vị doanh thu thuần) ngày càng tăng nhưng hiệu quả sử dụng vốn ngày càng sút giảm.
Xét về hiệu quả hoạt động kinh doanh của loại hình DNNN cho thấy, bình quân giai đoạn 2011-2015 các DNNN cần 1,8 đồng vốn tạo để ra 1 đồng doanh thu thuần, nhưng đến giai đoạn 2016-2018 tỷ lệ này tăng lên 3,06 đồng vốn mới tạo được 1 đồng doanh thu thuần.
Điều này phản ánh những thất thoát, lãng phí, đầu tư vào những công trình không hiệu quả, không làm tăng giá trị tài sản của những chu kỳ sản xuất sau, xây những công trình phúc lợi, công cộng chưa cần thiết...
DNNN sử dụng vốn không hiệu quả, nhưng nguy hiểm là nguồn vốn cơ bản của loại hình DN này là vốn vay. Nợ phải trả của loại hình DNNN cao hơn vốn chủ sở hữu rất nhiều. Cụ thể, bình quân giai đoạn 2011-2015, trong 100 đồng vốn của khối DNNN chỉ có 25 đồng là vốn chủ sở hữu, 75 đồng là nợ phải trả.
Do đó, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu bình quân giai đoạn 2011-2015 là 3,02:1. Đến giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu không những không giảm đi mà còn tăng lên là 3,6:1, nghĩa là khối DNNN có 1 đồng vốn chủ sở hữu mà đi vay tới 3,6 đồng để hoạt động.
Đã vậy, hiệu quả sản xuất của loại hình DNNN rất thấp và đang có xu hướng đi xuống, tỷ suất lợi nhuận trước thuế so với tài sản của DN giai đoạn 2011-2015 là 3%, trong khi khu vực FDI là 5,8%, nhưng đến giai đoạn 2016-2018 tỷ lệ này của loại hình DNNN giảm xuống còn 2,3%, trong khi tỷ lệ này của khu vực FDI từ 5,85% tăng lên 6,5%.
Nghịch lý là tỷ suất lợi nhuận trước thuế so với tài sản của loại hình DNNN năm 2018 chỉ là 2% (năm 2017 là 2,2%), không những thấp hơn lãi suất huy động (6-8%) mà còn thấp hơn cả chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân (năm 2018 là 3,54%).
Có thể thấy các DNNN với hiệu quả sử dụng vốn thấp, tỷ lệ nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu ở mức báo động.
Do đó, nếu cho vay ưu đãi trong 3 năm với lãi suất 0%/năm như đề xuất của “siêu ủy ban”, thì câu hỏi đặt ra là làm sao hoàn lại số tiền đã vay cho ngân hàng thương mại, giảm nguy cơ gây ra nợ xấu, tránh chồng thêm khó khăn cho ngân hàng ngay cả ở hiện tại và trong tương lai? Đây là điều cần phải hết sức thận trọng.
TS. Bùi Trinh
Link gốc...
Chủ đề tương tự
- Thread starter Thiên Bình
- Thread starter Thiên Bình
- Thread starter Hong Nhung
- Thread starter Doanh nghiệp - Vietnambiz