Quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình: Đề nghị làm rõ tác động tới sự an toàn của Thủy điện Hòa Bình

Thiên Bình

Trung sĩ
Thành Viên
Báo chí thông tin, tham gia ý kiến với Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình, Bộ Công Thương đề nghị cơ quan lập đồ án rà soát đánh giá tác động, ảnh hưởng của việc khai thác hoạt động du lịch tới hoạt động của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.

hoa_binh_lufs.jpg

Một góc Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.

Trả lời đề nghị của Bộ Xây dựng về việc tham gia ý kiến đối với Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình (KDLQG), mới đây, Bộ Công Thương có văn bản lưu ý với cơ quan lập đồ án, cần rà soát và làm rõ diện tích chồng lấn giữa KDLQG Hồ Hòa Bình và Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện hữu, Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Theo Bộ Công Thương, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình là công trình quan trọng liên quan an ninh quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 99/QĐ-TTg ngày 20/1/2017. Vì thế, cần phải có đánh giá tác động, ảnh hưởng của việc khai thác hoạt động khu du lịch tới hoạt động của nhà máy.

Với nguyên tắc phát triển KDLQG Hồ Hòa Bình, đề nghị bổ sung nguyên tắc đảm bảo an toàn đập, hồ nước đối với các hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện theo các quy định tại Nghị định 67/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi; và Nghị định 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.

Cũng liên quan đến sự tác động, ảnh hưởng của KDLQG Hồ Hòa Bình đối với lĩnh vực công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương cho biết: Theo Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, tại khu vực quy hoạch và khu nghiên cứu quy hoạch (TP Hòa Bình, huyện Mai Châu, huyện Đà Bắc, huyện Tân Lạc, huyện Cao Phong) quy hoạch 6 cụm công nghiệp với tổng diện tích 119,1 ha. Vì vậy, đề nghị cơ quan lập Đồ án quy hoạch bổ sung nội dung rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động của cụm công nghiệp, đánh giá sự phù hợp hoặc tác động của phát triển công nghiệp đối với hoạt động khai thác du lịch tại khu vực này.

Đồng thời bổ sung, làm rõ về hiện trạng hoạt động thương mại, hiện trạng phát triển hạ tầng thương mại, mức độ đáp ứng của hệ thống hạ tầng thương mại hiện hữu đối với phát triển du lịch, làm cơ sở định hướng phát triển, xây dựng phương án tổ chức, bố trí không gian phù hợp với phát triển du lịch, dịch vụ tại KDLQG Hồ Hòa Bình.

Hiện KDLQG Hồ Hòa Bình có 16 dự án đầu tư dịch vụ, văn hóa và du lịch được cấp phép hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng diện tích sử dụng đất khoảng 1.444 ha, tổng nguồn vốn từ nhà đầu tư gần 3.303.900 triệu đồng. Các dự án có mục tiêu đầu tư đáp ứng nhu cầu dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; kết hợp trồng và bảo vệ rừng, bảo tồn văn hóa các dân tộc, du lịch tâm linh, chợ ẩm thực…

Trước đó, Quy hoạch tổng thể phát triển KDLQG Hồ Hòa Bình đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1528/QĐ-TTg. Tại Quyết định này, Thủ tướng giao UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức lập, điều chỉnh bổ sung quy hoạch chung xây dựng khu du lịch, quy hoạch chi tiết và dự án khả thi với một số khu chức năng quan trọng nhằm thu hút, kêu gọi đầu tư.

Thủ tướng yêu cầu phát triển du lịch phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hồ Hòa Bình, Nhà máy thủy điện Hòa Bình; Tập trung khai thác lợi thế mặt nước hồ, cảnh quan, hệ sinh thái, văn hóa Mường để phát triển KDLQG Hồ Hòa Bình bền vững theo hướng xanh, sạch, gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mường, tạo nên sự khác biệt, đặc trưng về sản phẩm du lịch góp phần tạo dựng thương hiệu của khu du lịch.

Đồng thời phát triển KDLQG Hồ Hòa Bình trong không gian kết nối với các tiềm năng du lịch quan trọng khác của tỉnh Hòa Bình; đồng thời chú trọng, tăng cường liên kết với các khu, điểm du lịch quốc gia khác trong vùng Trung du miền núi Bắc Bộ để hình thành các tuyến du lịch liên hoàn, góp phần khắc phục tính thời vụ trong hoạt động du lịch của địa phương.

Quyết định đưa ra mục tiêu, đến năm 2030 KDLQG Hồ Hòa Bình trở thành trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh Hòa Bình, là một trong 12 Khu DLQG trọng tâm của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa Mường gắn với hệ sinh thái lòng hồ.
 
Top