Nhà báo và mạng xã hội

Thiên Bình

Trung sĩ
Thành Viên
Trong dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 năm nay, vấn đề vai trò của báo chí trong dòng chảy thông tin; trách nhiệm của nhà báo trên mạng xã hội lại được đặt ra. Đặc biệt, khi một Bộ Quy tắc về ứng xử trên mạng xã hội vừa được Bộ TT&TT ban hành càng khẳng định trách nhiệm xã hội của báo chí, truyền thông trong việc lành mạnh hóa thông tin trên mạng xã hội.

nha bao va mxh.jpg

Ảnh: Thanh Hải

Ghi nhận từ Kinh tế đô thị, với sự phát triển của MXH mọi người dân, nhưng “nhà báo công dân” đều có thể trở thành nguồn phát thông tin. Cũng bởi sự phát triển rất ồ ạt của các loại hình truyền thông xã hội ấy, nên có lúc, tưởng chừng như báo chí đã bị tụt lại, bị MXH lấn át. Nhưng điều đáng mừng vai trò của truyền thông chính thống, trong đó có báo chí vẫn rất lớn và quan trọng; nhà báo đã sử dụng MXH như một công cụ để tác nghệp; báo chí đã nhanh chóng thể hiện vai trò xung kích, dẫn dắt dòng thông tin chủ lưu của mình.

Có thể nói rằng, không một nhà báo hiện đại nào lại không sử dụng MXH. Ngoài mục đích giải trí cá nhân, đa số nhà báo đều coi đây như là một kênh tiếp nhận thông tin, thậm chí là một nguồn cung cấp thông tin dồi dào, phong phú, với muôn mặt của đời sống xã hội. Ngay cả những comment (bình luận) của người dùng MXH cũng có thể trở thành gợi ý hữu ích cho một góc nhìn đa chiều hơn. Nhưng điều đáng nói, trong khi MXH cung cấp đủ loại thông tin tốt xấu, thật giả và chẳng thể kiểm chứng, báo chí đã trở thành chỗ dựa của dư luận; từ những thông tin ấy, người làm báo chính thống chính là những bộ lọc tốt và "miễn nhiễm" với những tin xấu độc. Cùng với đó, các cơ quan báo chí đang có xu hướng tận dụng MXH để quảng bá, lan tỏa thông tin báo chí chính thống. Điều không kém phần quan trọng, chính sự tương tác thông qua MXH, báo chí góp phần tích cực, trách nhiệm, hiệu quả trong việc giúp cộng đồng mạng, cũng như xã hội nhận thức đúng bản chất vấn đề; giúp điều chỉnh nhận thức, hành vi, định hướng dư luận, tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ đối với những sự việc, nhất là với những vấn đề nhiều người quan tâm…

Trước Bộ Quy tắc về ứng xử trên MXH do Bộ TT&TT ban hành, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã ban hành quy tắc sử dụng MXH của người làm báo. Trong đó chỉ rõ những việc cần làm, không nên làm. Và hầu hết các nhà báo khi tương tác trên MXH đều nhìn nhận rõ vai trò, tầm ảnh hưởng trong phát ngôn của mình để biết viết gì, nói gì, ở mức độ nào. Trên thực tế, nhiều người còn biến tài khoản MXH cá nhân giống như một tờ báo nhỏ với những thông tin nhanh nhạy và chuẩn xác, được bạn đọc tin cậy. Nhưng ngược lại, vẫn có không ít nhà báo thiếu trách nhiệm, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp, có những phát ngôn gây sốc hoặc thiếu tính định hướng phù hợp hoặc tự biến mình thành “nạn nhân” của tin tức thiếu kiểm chứng trên MXH.

Bởi thế, để định hướng, dẫn dắt thông tin, nhà báo cùng với việc phải làm tròn trách nhiệm của một công dân khi sử dụng MXH, còn phải có thêm trách nhiệm nghề nghiệp và cao hơn nữa là trách nhiệm xã hội khi tương tác trước mỗi vấn đề, sự kiện. Có ý kiến cho rằng, không chỉ phát ngôn, trình bày quan điểm với tư cách cá nhân, nhà báo khi sử dụng MXH còn phải chịu trách nhiệm với cơ quan báo chí mình đang công tác và lương tâm nghề nghiệp của chính mình, nhất là với những nhà báo có được nhiều sự theo dõi từ cộng đồng mạng. Có thể nói rằng, việc cung cấp kịp thời thông tin chính xác, khách quan và chân thực không những là nhiệm vụ của báo chí mà còn là sự đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi tự thân của xã hội. Những nguồn thông tin chính xác giúp báo chí khẳng định mình và cũng chính là điều kiện cho người dùng MXH thực hiện được các quy tắc về chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy.
 
Top