Drag to reposition cover

Home Người dân phải cẩn trọng trước khi quyết định vay tín chấp!

Tài công
Tài công
Bình luận: 0Lượt xem: 611

Tài công

Binh nhì
Quản Trị Viên
Để một cá nhân sở hữu những sản phẩm tiêu dùng như xe máy, điện thoại…là điều không khó bởi có nhiều hình thức mua hàng đơn giản, thủ tục nhanh chóng như mua trả góp, vay tiền tín dụng để mua tài sản. Vay tiêu dùng đã góp phần thay đổi thói quen mua sắm cũng như kích cầu tiêu dùng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, loại hình này cũng cần người tiêu dùng hết sức cẩn trọng xem xét kĩ lưỡng các quy định của hợp đồng trước khi ký kết nhằm tránh những rủi ro cho chính bản thân người đi vay.
co-nen-vay-tin-chap--990e.jpg
Loại hình vay tín chấp ẩn chứa nhiều rủi ro

Theo dữ liệu tiếp nhận và giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng tại Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng), hiện có nhiều phản ánh, tố cáo, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến các hành vi của các đơn vị cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng.

Cụ thể, có những trường hợp, quá trình tư vấn có dấu hiệu cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác, thực hiện nhiều chiêu trò che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin sai lệch về nội dung của hợp đồng. Do đó người dân cần lưu ý kĩ những thông tin về lãi suất, về thời hạn vay, về các mức phạt, phí hủy hợp đồng… và phải được thấy hợp đồng văn bản trước khi kí kết. Điều này nhằm giúp người dân có thời gian tìm hiểu thấu đáo tất cả các điều khoản.
Nhiều tổ chức tài chính khi cho vay đã không thực hiện thẩm định thông tin của người tiêu dùng, người tiêu dùng chỉ cần ký là được phê duyệt khoản vay. Nhiều nhân viên tư vấn không cung cấp hợp đồng cho người tiêu dùng nghiên cứu, tạo tâm lý để người tiêu dùng ký hợp đồng khi chưa nắm rõ các nội dung, không cung cấp hợp đồng đã ký để người tiêu dùng lưu giữ và theo dõi. Hoặc các tổ chức thu hồi nợ thực hiện hành vi nhắc nợ, đòi nợ ảnh hưởng tới uy tín của người tiêu dùng, người thân, đồng nghiệp của người tiêu dùng.

Chính những hành vi nêu trên hiện đang ảnh hưởng tới tài sản, danh dự, sức khỏe, sự an toàn của người tiêu dùng, như: Người tiêu dùng không có khả năng tài chính để trả nợ do kỳ hạn vay thực tế dài hơn so với kỳ hạn người tiêu dùng được thông báo trong quá trình nhân viên tư vấn, dẫn đến, số tiền trả nợ tăng lên nhiều lần hoặc do mức lãi suất thực tế cao hơn nhiều lần so với thông tin người tiêu dùng được thông báo trong quá trình tư vấn.

Từ vay tín chấp đến các hành vi phạm pháp

Nhiều trường hợp hồ sơ gửi tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thể hiện sự thay đổi lãi suất khác đi so với ban đầu người dân được tư vấn, hoặc xuất hiện các khoản phạt mà trước đó người tiêu dùng không được thông báo, dẫn tới phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng tới chỉ số xếp hạng tín dụng của người tiêu dùng.

Khi khách hàng mất khả năng chi trả và hoàn vốn, phía bên cho vay liên tục đòi nợ không kể ngày đêm, có hành vi nhắn tin, gọi điện liên tục và có thái độ không lịch sự, thậm chí là đe dọa người tiêu dùng và cả người thân của họ. Thực tế đã có nhiều khách hàng phản ánh là họ bị nhân viên bên tổ chức tín dụng tung tin lên mạng xã hội nhằm làm xấu đi hình ảnh và nhân thân của họ. Có những tổ chức chuyên thu hồi nợ cho tổ chức tín dụng đến tận nhà và có hành vi dọa nạt, cưỡng ép thậm chí là xô xát, gây thương tích cho người tiêu dùng.

Nhiều trường hợp đòi nợ có dấu hiệu đe dọa, khủng bố, liên hệ tới đồng nghiệp, người thân của người tiêu dùng để đòi nợ. Một số trường hợp người tiêu dùng đã phải chuyển nhà, tắt điện thoại để tránh nguy cơ bị đe dọa từ hoạt động thu hồi nợ. Chưa kể đến việc người thu hồi nợ liên hệ nhầm số điện thoại, hoặc những người sử dụng SIM điện thoại cũ của người vay mượn nợ khiến họ gặp không ít rắc rối.

Theo quy định pháp luật thì phía bên cho vay tín chấp này hoạt động cho vay đúng với quy định pháp luật, có chăng sai chỉ sai ở khâu thu hồi nợ. Khâu thu hồi nợ thường gây ra bức xúc cho người vay và họ tất nhiên là có hành động phản kháng như cố tình không trả hoặc hoảng sợ bỏ trốn khỏi nơi cư trú, chính điều này vô tình dẫn người tiêu dùng vi phạm pháp luật hình sự chứ không chỉ dừng lại ở vấn đề dân sự. Căn cứ theo quy định pháp luật thì người tiêu dùng không thanh toán nghĩa vụ nợ hoặc bỏ trốn, trốn tránh nghĩa vụ nợ có thể bị khởi kiện về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các công ty tài chính khi không có khả năng thu hồi nợ sẽ ‘thanh lý hợp đồng’ cho vay để bên thứ ba (thu hồi nợ) thu hồi các khoản vay chây ì này.

Người dân cần làm gì để bảo vệ lợi ích hợp pháp của bản thân?

Hoạt động cho vay và hoạt động vay của người tiêu dùng để tuân theo đúng quy định pháp luật cần chấp hành theo đúng nội dung hợp đồng hai bên đã giao kết và nếu không tuân thủ đúng thì chỉ ở mức độ cho phép theo thỏa thuận của hai bên. Nếu bên vay không thanh toán được đúng quy định thì bên cho vay có thể căn cứ theo Bộ luật dân sự năm 2015 để kiện đòi tài sản, trường hợp người vay cố tình không thanh toán thì có thể khởi kiện theo pháp luật hình sự. Phía người tiêu dùng nếu bị thu hồi nợ trái quy định pháp luật thì có thể khởi kiện người thực hiện hành vi trái quy định pháp luật với mình theo đúng quy định pháp luật chứ không nên trốn tránh hoặc chối bỏ nghĩa vụ nợ để không bị vi phạm pháp luật hình sự.

Một số trường hợp người tiêu dùng, mặc dù đã nhiều lần liên hệ tới đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính để đề nghị giải pháp cơ cấu lại khoản nợ nhưng vẫn liên tục bị gọi điện đe dọa thu hồi nợ, không được tạo điều kiện để hai bên thống nhất, giải quyết vụ việc. Đối với những trường hợp như vậy, khi tâm lý bị đe dọa và ảnh hưởng, người tiêu dùng hoặc có tâm lý buông bỏ, không trả nợ hoặc chấp nhận theo đuổi vụ việc kiện ra tòa để giải quyết vụ việc.

Ngoài ra, phần lớn các nội dung khiếu nại đều phát sinh từ quá trình tư vấn, nói chuyện trực tiếp giữa người tiêu dùng và nhân viên nên khi xảy ra tranh chấp, các bên không có cơ sở để chứng minh, gây khó khăn cho quá trình làm rõ nội dung thông tin. Do đó, người dân phải ghi âm, lưu giữ các giấy tờ, cuộc nói chuyện với nhân viên tư vấn để làm cơ sở giải quyết khiếu kiện về sau.

Mỗi công ty tài chính sẽ có mức lãi suất vay tiêu dùng khác nhau, việc đầu tiên người vay cần làm là tìm hiểu cách tính lãi suất của công ty tài chính. Đồng thời nghiên cứu kỹ hợp đồng trước khi ký kết vay. Sau khi đã lựa chọn loại hình và lãi suất khi vay tiêu dùng qua công ty tài chính, người vay cần đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng. Điều này là vô cùng cần thiết vì thực tế nhiều người chỉ chú ý đến việc mình sẽ được vay bao nhiêu tiền, sản phẩm mình sẽ được sở hữu như thế nào mà không đọc kỹ các điều khoản. Và không ít người không chú ý lắng nghe khi được nghe tư vấn hoặc nghe tư vấn không hiểu cũng không hỏi lại dẫn đến thực hiện sai và tỏ ra bất mãn, nghĩ là mình bị “cài bẫy”.

Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là người dân cần cân nhắc khả năng trả nợ trước khi vay. Người vay sẽ bị đẩy vào danh sách những người có nợ xấu nếu như việc vay tiêu dùng qua công ty tài chính mà không trả được theo đúng hợp đồng đã ký kết. Điều này ảnh hưởng nặng nề đến tương lai nếu người vay muốn vay mượn ở bất cứ công ty tổ chức nào.

Đặc biệt, người dân không nên vay nóng, vay tiền tín dụng đen, vay online trên các app vay cho vay. Vay tiền tín dụng đen với mức lãi suất cao ngất ngưỡng là những rủi ro vô cùng lớn đẩy người đi vay vào cảnh nợ nần chồng chất. Nhiều app vay online có khả năng truy cập vào danh bạ của người sử dụng dẫn đến cảnh ‘đòi nợ’ người thân của người đi vay. Nhiều người khi vay nóng đã giao luôn giấy tờ gốc, chứng minh thư hay sổ hộ khẩu cho chủ nợ dẫn đến nhiều hệ lụy về sau. Do đó, không nên vay nóng khi không có khả năng quản lý tài chính hay mất khả năng kiểm soát nợ.

Trí Nhân
 
Top