Ngày mai bắt đầu tiêm vắc xin đại trà

Thiên Bình
Thiên Bình
Bình luận: 0Lượt xem: 462

Thiên Bình

Trung sĩ
Thành Viên
Chiều 20.7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn ng tác của Chính phủ đã làm việc với Thường trực Thành ủy TP.HCM về các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn và kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 đợt 5.

tiem-vaccine-covid-19_meoa.jpg

An toàn trong tiêm vắc xin được đặt lên hàng đầu
ẢNH: ĐỘC LẬP

Báo Thanh niên thông tin, buổi làm việc diễn ra trong bối cảnh TP.HCM bước qua ngày thứ 12 thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, còn 19 tỉnh thành khu vực phía nam khác bước sang ngày giãn cách thứ 2.

Khó dự báo đỉnh dịch

Nhận định về tình hình dịch bệnh ở TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết ngành y tế TP đã có nhiều nỗ lực nhưng dịch bệnh vẫn phức tạp, khó dự báo chính xác về đỉnh dịch. Thống kê cách đây 3 ngày, TP ghi nhận khoảng 5.000 ca nhiễm nhưng 2 ngày qua chỉ còn khoảng 3.000 ca. Ông Sơn thẳng thắn nhìn nhận chưa thấy dấu hiệu khả quan và đề nghị trong 10 ngày tới cần áp dụng quyết liệt các biện pháp chống dịch. “Đỉnh dịch của TP.HCM có giảm hay không phụ thuộc vào năng lực của ngành y tế, năng lực của cả hệ thống chính trị và nhận thức của người dân. Chúng tôi hy vọng dịch sẽ giảm xuống trong 7 - 10 ngày tới khi áp dụng Chỉ thị 16 trên phạm vi 19 tỉnh khu vực phía nam”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay.

lay-mau-xet-nghiem_djcb.jpg

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho cán bộ, nhân viên phụ trách tiêm vắc xin Covid-19 đợt 5 tại Q.11, TP.HCM vào ngày 20.7
ẢNH: ĐỘC LẬP

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị TP.HCM cần cố gắng “bóc F0 ra khỏi cộng đồng” để tránh tình trạng ca nhiễm tiếp tục lây lan trong cộng đồng; nếu không phát hiện kịp thời thì lây cho người có bệnh nền dẫn đến bệnh nặng, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không kịp thời đưa vào cơ sở điều trị.

Giải pháp được Phó thủ tướng nhấn mạnh đó là kiên trì giãn cách và thực hiện phải nghiêm ngặt, trong đó tính toán phương án áp dụng một số biện pháp mạnh mẽ hơn ở một số địa bàn đặc thù. “Cách ly nghiêm ngặt là biện pháp tốt nhất trong lúc này để kiểm soát lây lan. TP.HCM cần làm sớm các biện pháp cần thiết đối với các khu vực mà nếu cứ để tình hình thế này sẽ rất khó kiểm soát”, ông Đam nói. Bên cạnh tiếp tục các chiến lược của Bộ Y tế đối với khu vực nguy cơ cao, TP.HCM cần tiếp tục nỗ lực xét nghiệm với tần suất cao hơn đối với khu vực nguy cơ cao và nguy cơ rất cao.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Ông Đam nhìn nhận thách thức lớn nhất của TP.HCM là giảm tỷ lệ ca nhiễm F0 có diễn biến thành nặng và từ nặng thành rất nặng bởi ở các nước tiên tiến trên thế giới, nếu đã diễn biến rất nặng thì rất khó cứu chữa. Vừa qua, TP.HCM đã nỗ lực thành lập các trung tâm thu dung và điều trị Covid-19 ban đầu, đây là sáng kiến làm hay nên cần tiếp tục sẵn sàng các khu vực khác, bố trí hệ thống ô xy trung tâm để giảm số lượng bệnh nhân chuyển nặng, qua đó giảm nguy cơ tử vong.

Đảm bảo an toàn cho đội ngũ y tế

Đối với 18 hạng mục mà TP đề nghị, ông Đam cho biết có những hạng mục có tiền cũng không mua được như ECMO nên trước mắt cần cố gắng xoay xở trong trang thiết bị hiện có. Phó thủ tướng cho biết đã chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương áp dụng cơ chế mua sắm đặc biệt để tạo điều kiện tối đa trang thiết bị, nhất là vật tư tiêu hao cho tuyến đầu chống dịch. “Phải đảm bảo cho các bệnh viện trên địa bàn TP, khu điều trị bệnh nặng không kể của TP.HCM hay T.Ư dứt khoát không được thiếu đồ bảo hộ, vật tư y tế đảm bảo an toàn cho đội ngũ y tế”, ông Đam nhấn mạnh.

Phó thủ tướng nhận định TP.HCM phải tính đơn vị bằng tháng mới có thể đưa cuộc sống quay về bình thường như trước khi có dịch. TP.HCM cũng cần thiết lập cơ chế phân phối hàng hóa, lo cho bữa ăn cho 10 triệu dân, từng bước mở cửa các kênh phân phối bảo đảm an toàn; đồng thời chăm lo đời sống các hộ khó khăn, các nhóm yếu thế. Chính phủ tiếp tục ưu tiên vắc xin cho TP.HCM trong thời gian tới để TP kiểm soát dịch bệnh, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cảm ơn sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan T.Ư và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong công tác phòng chống dịch. Hiện TP.HCM đang lấy ý kiến các chuyên gia về việc siết chặt hơn Chỉ thị 16 để ngăn chặn, kéo giảm sự lây lan dịch trong cộng đồng. Ông Nên mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ của các cơ quan T.Ư, các tổ công tác đặc biệt để kịp thời đưa ra các phương án có hiệu quả hơn.

Trong 2 tuần TP.HCM sẽ tiêm hết 930.000 liều

Về kế hoạch tiêm vắc xin, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết ngày 20.7 đang triển khai thí điểm tại các bệnh viện như: Nguyễn Tri Phương, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định và Nhi đồng TP. Chiều nay (21.7) sẽ triển khai xuống các địa bàn, trước mắt tổ chức tại các điểm đã được tập huấn kỹ trước khi đồng loạt vào ngày mai (22.7). Hiện vắc xin đã được chuyển đến trung tâm y tế các quận huyện. Khi triển khai chính thức, TP.HCM sẽ vận hành thử nghiệm 2 ngày, sau đó tăng tốc dần với mục tiêu trong 2 tuần sẽ tiêm hết 930.000 liều. Trong thời gian giãn cách xã hội nên sẽ tuyệt đối tránh tình trạng tụ tập đông người.

Đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin đợt này gồm: lực lượng chống dịch (số chưa được tiêm); người mắc bệnh mãn tính và người trên 65 tuổi; người nghèo, các đối tượng chính sách; người lao động làm việc tại các cơ sở kinh doanh, sản xuất mặt hàng thiết yếu; công nhân người nước ngoài, người thân nhân viên y tế.

TP.Thủ Đức thí điểm hướng dẫn người dân test nhanh Covid-19 tại nhà
Tối 20.7, tin từ TP.Thủ Đức (TP.HCM) cho biết từ ngày 19.7, TP.Thủ Đức thí điểm cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm bằng test nhanh Covid-19 tại nhà, đối tượng là người dân ở chung cư. Theo đó, người dân nơi thí điểm được phát mẫu (bộ test nhanh), được hướng dẫn bằng giấy, clip và người dân tự làm test nhanh tại chỗ. Hiện TP.Thủ Đức đã thí điểm được vài chục người, chưa phát hiện trường hợp dương tính.

Ngoài ra, TP.HCM sẽ ưu tiên cho các đối tượng có nguy cơ cao như: người khó khăn, người làm công việc giao thương, vận chuyển... Hiện cơ sở dữ liệu vẫn chưa cập nhật đầy đủ người trên 65 tuổi (ước tính trên 650.000 người) nên sẽ thực hiện cuốn chiếu, ưu tiên trong đợt 5 và đợt 6 sẽ tiêm hết cho các đối tượng này.

Theo kế hoạch, mỗi phường, xã, thị trấn sẽ tổ chức ít nhất 2 điểm tiêm, toàn TP vận hành 615 điểm tiêm, với 120 người/ngày/điểm tiêm; khi mọi việc ổn sẽ tăng số lượng lên 200 người/ngày/điểm tiêm, TP cũng huy động 100 xe cấp cứu để xử lý kịp thời, nhanh chóng khi có sự cố. Ông Đức cho biết TP.HCM đã lên kế hoạch tiêm cho 2 triệu người nên rất mong Bộ Y tế quan tâm phân bổ vắc xin theo số lượng và chủng loại trong tháng 7 và tháng 8.2021 để tổ chức tiêm chủng liên tục.

Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo TP.HCM đề xuất tiêm vắc xin cho người thân của nhân viên y tế và những hộ khó khăn, sinh sống trong khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Lãnh đạo Bộ Y tế thống nhất với đề xuất này. Về phân bổ vắc xin cho TP.HCM trong tháng 7.2021, TP có lũy tiến 2 triệu liều, đến hết tháng 8 hoặc tháng 9.2021 có được 5 triệu liều. Lãnh đạo Bộ Y tế khuyến nghị trong giai đoạn này, TP.HCM nên tập trung tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên chứ không nên tổ chức theo vùng nguy cơ dịch bệnh.

Bình Dương phải tính đến phương án xấu hơn và hỗ trợ TP.HCM điều trị F0

Ngày 20.7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn đầu đoàn công tác của T.Ư đến kiểm tra, làm việc về phòng chống dịch Covid-19 tại Bình Dương. Phó thủ tướng và đoàn công tác đã đến Công ty TNHH Yazaki EDS VN (TP.Dĩ An) thị sát việc thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”; làm việc với Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại P.Phú Chánh (TX.Tân Uyên) và Công ty CP khí đặc biệt Việt Nga (KCN Việt Nam - Singapore 2A).

Làm việc với tỉnh Bình Dương, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bình Dương khẩn trương trang bị khoảng 1.000 khẩu ô xy âm tường cho các khu điều trị bằng nguồn kinh phí xã hội hóa hoặc duyệt chi khẩn cấp... Phó thủ tướng nhấn mạnh, Bình Dương phải tính đến phương án xấu hơn và sẵn sàng hỗ trợ cho TP.HCM điều trị F0. Bên cạnh đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bình Dương quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ người lao động mất việc, thành lập các trung tâm cứu trợ, đường dây nóng tiếp nhận khó khăn của người dân, doanh nghiệp...

Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết địa phương này đã ghi nhận trên 3.300 ca dương tính Covid-19, dự báo số ca bệnh trên địa bàn có thể tăng lên khoảng 10.000 người... Bình Dương cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ thêm 50 máy thở, 200 bác sĩ và 250 điều dưỡng để phục vụ công tác phòng chống dịch.
Cùng ngày, Sở Y tế Đồng Nai cho biết trong ngày 19.7 ghi nhận thêm 161 ca dương tính Covid-19 mới trên địa bàn, nâng tổng số ca nhiễm mới trong đợt dịch thứ 4 lên 1.351 ca. Trong số các ca mắc mới, tiếp tục ghi nhận nhiều ca liên quan đến ổ dịch tại Công ty Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu), trong đó gồm người buôn bán xung quanh công ty, các F1 và công nhân ở các khu nhà trọ tại xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu), P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) và một số xã, phường khác. Sở Y tế Đồng Nai dự báo số ca liên quan đến ổ dịch này tăng cao, khả năng đã có sự xâm nhập vào các doanh nghiệp trong khu vực thông qua công nhân ở trọ. Đặc biệt, đã phát hiện ổ dịch mới tại chợ Long Khánh (TP.Long Khánh), là người buôn bán, vận chuyển hàng hóa, hiện vẫn đang tiếp tục điều tra.
 
Top