Lo ngại “bội thực” sân golf

Thiên Bình
Thiên Bình
Bình luận: 0Lượt xem: 3,003

Thiên Bình

Trung sĩ
Thành Viên
Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa có văn bản yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương cùng một số bộ, ngành rà soát, đánh giá tổng thể việc quy hoạch các dự án sân golf cũng như việc cấp phép với các dự án sân golf trong giai đoạn 2009-2021.

untitled-1-777.jpg

Rà soát, đánh giá tổng thể việc quy hoạch các dự án sân golf.

Các địa phương ồ ạt làm sân golf

Theo tìm hiểu của Báo PLVN, cho đến trước thời điểm Ủy ban Kinh tế có yêu cầu trên thì trên thực tế chưa có cơ quan nào có thể thống kê chính xác được số lượng sân golf cả nước khi mà hàng loạt sân golf mới vẫn đang được các địa phương cấp phép ồ ạt theo đề xuất của các nhà đầu tư.

Mới đây nhất, tại Hà Tĩnh, ngày 12/5/2021, một lãnh đạo UBND tỉnh đã đồng ý giao cấp dưới xem xét đề nghị tài trợ kinh phí lập quy hoạch Tổ hợp dự án sân golf, khách sạn và biệt thự cao cấp tại xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà của Cty CTCP GS Holding.

Điều đáng nói, Hà Tĩnh là một tỉnh nghèo, có diện tích cũng như tiềm năng du lịch tương đối khiêm tốn, ngoài sân golf 18 lỗ tại Xuân Thành, huyện Nghi Xuân do Cty CP Hồng Lam - Xuân Thành làm chủ đầu tư đang hoạt động, nếu tính một số sân golf đang đề xuất đầu tư, tại địa phương này sẽ có tới 6 sân golf.

Cụ thể, ngoài sân golf Xuân Thành và sân golf Cty CTCP GS Holding đề xuất, tại Hà Tĩnh còn có 4 dự án sân golf khác cũng đang được đề xuất để triển khai: Sân golf 36 lỗ diện tích khoảng 150ha tại khu vực đất cát ven biển thuộc thị trấn Thiên Cầm của FLC; sân golf 18 lỗ khoảng 100ha thuộc phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh của Cty CP Crystal Bay; sân golf Apec Madala tại khu ven biển 3 xã Thạch Văn, Thạch Hội, Thạch Trị (huyện Thạch Hà) của Cty CP Tập đoàn Apec Group; sân tập golf tại phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh do Cty CTCP Eco Land (thành viên Tập đoàn Phú Tài Đức) đề xuất.

Không chỉ Hà Tĩnh, theo nhiều chuyên gia, “trào lưu” đầu tư dự án sân golf đã lan rộng khắp cả nước. Không chỉ những địa phương kinh tế phát triển, giàu tiềm năng, lợi thế du lịch, muốn cấp phép đầu tư sân golf; mà ngay cả các địa phương không có nhiều thế mạnh về du lịch như Tiền Giang, Kon Tum, Bắc Giang… cũng tham gia vào “cuộc đua” này.

Tại Bắc Giang, giai đoạn 2020-2030, tỉnh này được cho là đã quy hoạch đến 11 sân golf ở nhiều huyện, đi kèm là các dự án khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng và các loại hình vui chơi giải trí khác.

Một số sân golf từng không được đưa vào quy hoạch nhưng sau đó được một số địa phương phê duyệt như: Sân golf Việt Yên 140ha (Bắc Giang), sân golf Phúc Tiến 188ha (Hòa Bình). Chủ trương đầu tư nhiều sân golf khác cũng được nhiều địa phương phê duyệt như: Sân golf Bảo Ninh - Trường Thịnh (Quảng Bình), sân golf Quốc tế (Thừa Thiên - Huế), sân golf Thanh Lanh (Vĩnh Phúc)...

Yêu cầu rà soát lại

Theo tìm hiểu, hiện việc đầu tư dự án sân golf luôn kèm theo xây dựng những khu thương mại dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, thậm chí chung cư. Theo Quyết định 1946/QĐ-TTg năm 2009 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch sân golf đến 2020, nhà đầu tư sân golf được sử dụng 10% diện tích sân golf để xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động sân golf.

Nghị định 52/2020/NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf quy định, mật độ xây dựng gộp của khu đất xây dựng sân golf và công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động kinh doanh sân golf thực hiện theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều dự án sân golf hiện đã sử dụng phần đất dịch vụ để phục vụ hoạt động tại sân golf (xây dựng nhà câu lạc bộ, khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng) chiếm 10-15% diện tích sân golf, thậm chí có dự án lên tới 20%.

Theo nhiều chuyên gia, tháng 4/2020, sau khi Nghị định 52/2020/NĐ-CP được ban hành với quy hoạch sân golf quốc gia bị bãi bỏ, nhiều địa phương đã đua nhau kiến nghị Chính phủ cho cấp phép đầu tư dự án sân golf. Dự kiến thời gian tới, Việt Nam sẽ còn có thêm hàng trăm sân golf, khi mà nhiều địa phương tiếp tục trình làng thêm nhiều sân golf mới như: tại Quảng Nam dự kiến cấp phép thêm 10 sân golf, Bắc Giang 7, Vĩnh Phúc 10...

Trước tình trạng các địa phương ồ ạt cấp phép xây dựng sân golf, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội về việc phối hợp với các cơ quan có liên quan báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về rà soát, đánh giá tổng thể việc quy hoạch các dự án sân golf, việc cấp phép với các dự án sân golf đã được phê duyệt giai đoạn 2009-2021, ngày 21/5/2021, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã có Văn bản 2533/UBKT14 đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) rà soát báo cáo một số nội dung theo ý kiến chỉ đạo nêu trên.

Được biết mới đây, Bộ KH&ĐT đã có văn bản yêu cầu các địa phương, cùng một số bộ, ngành báo cáo đánh giá tình hình triển khai thực hiện các dự án sân golf đã có trong Quy hoạch sân golf Việt Nam đến 2020 tại Quyết định 1946/QĐ-TTg, Quyết định 795/QĐ-TTg của Thủ tướng và các văn bản khác của Thủ tướng chấp thuận bổ sung quy hoạch một số sân golf.

Bộ KH&ĐT cũng yêu cầu các địa phương báo cáo những khó khăn nếu có liên quan đến việc thực hiện phân cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư sân golf cho UBND cấp tỉnh theo Luật Đầu tư 2020; cũng như dự kiến số lượng quy mô các dự án sân golf dự kiến đưa vào quy hoạch các địa phương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
 
Top