Kỳ 1: Tiềm ẩn rủi ro từ 'bánh vẽ' P2PG - Cần cảnh giác với 'bánh vẽ' P2PG khi có nhiều nghi vấn núp bóng mô hình đa cấp

Miêu Miêu
Miêu Miêu
Bình luận: 0Lượt xem: 78

Miêu Miêu

Binh nhất
Thành Viên
Tiền điện tử hiện nay đang được lưu hành ở một số quốc gia, tuy nhiên vẫn chưa được cho phép tại Việt Nam. Ngoài một số đồng tiền điện tử được cho là tiềm năng như BTC, ETH, XRP,… thì trên thị trường đang xuất hiện nhiều loại tiền được “dựng” lên nhằm huy động vốn đầu tư và có dấu hiệu núp bóng mô hình đa cấp. Điển hình như dự án P2PG, một sản phẩm thuộc công ty P2PGO TECHNOLOGY PTE. LTP, có văn phòng tại số 18 ngõ 97 Vũ Phạm Hàm, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

12(21).jpg

P2PG văn phòng tại số 9-7 Vũ Phạm Hàm, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Theo giới thiệu, công ty P2PG đến từ Singapore và đi theo xu hướng mới đó là peer to peer lending (P2P Lending) - mô hình cho vay ngang hàng, sử dụng công nghệ tạo ra nền tảng trung gian kết nối các nhà đầu tư với các cá nhân hay doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn.

Một tư vấn viên của P2PG cho biết, hiện nay, công ty có các hình thức cho vay tiền điện tử như cho vay thế chấp bằng tiền điện tử và cho vay ký quỹ. Đối với cho vay thế chấp, người vay cầm cố tài sản tiền điện tử của họ như BTC, ETH, BCH, LTC, XRP,… để lấy lại USDT hoặc tiền mặt như SGD, VND, IDR, KRW, HKD.

Với hình thức cho vay ký quỹ, P2PG hợp tác với các sàn giao dịch ký quỹ để cung cấp các khoản vay cho giao dịch đòn bẩy. Nhà đầu tư gửi USDT, BTC, ETH hoặc tiền mặt để trao đổi, rồi bắt đầu giao dịch ký quỹ. Sau đó, họ có thể vay BTC, ETH, USDT hoặc các tài sản tiền điện tử khác để giao dịch đòn bẩy của riêng họ và kiếm lợi nhuận.

image-20201027123837-2.jpeg

Trong vai nhà đầu tư, nhóm PV được các môi giới nhiệt tình chia sẻ, P2PG là 1 loại token trong hệ sinh thái nền tảng P2P GO Lending, tổng nguồn cung lên tới 600.000.000 P2PG. Trong đó, công ty mở bán giai đoạn đầu dưới hình thức IEO là 10% với giá khởi điểm là 0.05 USD, giá mục tiêu khi phát triển trên thị trường dao động khoảng hơn 1 USD.

Còn lại, lượt phát hành chia thành các khoá như sau: Khóa 2% (6 tháng); Khóa 3% (6 tháng); Khóa 10% (1 năm); Khóa 20% (2 năm); Khóa 20% (3 năm và Khoá 35% (3 tháng).

image-20201027123837-3.jpeg

Qua tìm hiểu, dự án P2PG phát triển chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1: Tạo cộng đồng, chia sẻ lợi nhuận cho nhà đầu tư; tạo sự khan hiếm cho đồng coin P2PG. Giai đoạn 2: tạo lực mua, lực bán, làm tăng giá trị đồng coin P2PG trên sàn quốc tế. Giai đoạn 3: chiến lược thu coin P2PG và hủy coin.

Như vậy có thể thấy, chiến lược phát triển của đồng coin này hoàn toàn là do bàn tay con người điều khiển mà không theo điều tiết của thị trường tiền tệ, dẫn đến những người tham gia vào hệ thống lưu hành đồng P2PG cũng có nguy cơ gặp nhiều rủi ro.

image-20201027123837-4.jpeg

Tuy nhiên, khi tham gia vào các buổi đào tạo tại công ty, tư vấn viên và những người đã tham gia tại P2PG vẫn nhiệt tình “chiêu dụ” khách. Theo đó, P2PG đưa ra những lời hứa hẹn về lợi nhuận rất cao khoảng 200% - 300% tổng mức đầu tư qua hai chính sách: dành cho nhà đầu tư và phần thưởng liên kết có dấu hiệu núp bóng mô hình đa cấp, chi trả hoa hồng thành nhiều tầng, nhiều nhánh.

Cụ thể, với chính chính sách phần thưởng liên kết, P2PG trả thưởng theo hình thức nhị phân đa tầng với các gói từ 100USD đến 10.000USD, lãi tĩnh từ 8% đến 21,2% và hoa hồng trực tiếp từ 6% đến 8%. Hoa hồng cân nhánh cũng từ 6% - 8%, thưởng lãi trên lãi với điều kiện có 6 F1 sẽ được hưởng hoa hồng từ F1-F10 là 1,5%.

Ví dụ: Bạn A đầu tư vào gói 10.000 USD tương đương khoảng 230 triệu đồng thì 1 tháng thu nhập khoảng 1 tỷ, lãi tĩnh sẽ được trả cho nhà đầu tư trong vòng 12 tháng.

image-20201027123837-5.jpeg

Sơ đồ trả thưởng cho nhà đầu tư của P2PG
Ngoài ra, chính sách dành cho nhà đầu tư với các gói từ 100 USD đến 100.000 USD, nhận mức lãi tĩnh hàng tháng từ 8,8% đến 21,12%, thu nhập hàng tháng tương đương từ 8.8 USD đến 21.120 USD. Trong đó, 70% lợi nhuận hàng ngày các nhà đầu tư nhận về từ 6.16 USD đến 14.784 USD, 30% lợi nhuận còn lại sẽ được nhận về bằng đồng P2PG hàng tháng (với mệnh giá 0,1USD/1P2PG).

Với các chính sách này, P2PG hứa hẹn các nhà đầu tư sẽ nhận được số lợi nhuận rất khổng lồ và công ty luôn cam kết dự án sẽ triển khai theo kế hoạch lâu dài và không có rủi ro.

image-20201027123838-6.jpeg

Ông Nguyễn Thành Nam đang đào tạo dự án P2PG
Đáng chú ý gần đây, các nhà đầu tư cùng dư luận vô cùng ngạc nhiên và hoang mang khi trong dự án P2PG có sự góp mặt của thầy huấn luyện Nguyễn Thành Nam, thầy Nam nổi tiếng trong hệ thống đào tạo và được nhiều người mệnh danh là “trùm đa cấp” từ vụ án đa cấp Thăng Long Group, là người đang đi đầu trong lĩnh vực P2PG và là một trong những người hiểu về đồng coin P2PG. Theo tìm hiểu thầy Nguyễn Thành Nam nằm trong danh sách 07 đồng phạm trong vụ án lừa đảo của “trùm đa cấp” Thăng Long Group.

Ngoài ra, tại một talk show về giải pháp tài chính được tổ chức hồi tháng 8 do P2PGO tài trợ cũng có sự xuất hiện của TS Nguyễn Trí Hiếu – Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh, một Việt kiều, quốc tịch Mỹ và là chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập. TS Nguyễn Trí Hiếu cũng đảm nhiệm cương vị thành viên thường trực và độc lập Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình. Việc sử dụng hình ảnh của các chuyên gia, người nổi tiếng dường như đang là xu thế của các dự án nhằm thu hút sự chú ý của mọi người và gia tăng niềm tin.

image-20201027123838-7.jpeg

Ông Nguyễn Trí Hiếu cùng các lãnh đạo của P2PG
Theo ghi nhận, trong thời gian vừa qua rất nhiều công ty đa cấp bị xử phạt và ngừng hoạt động, Câu hỏi đặt ra là, liệu dự án P2P2G đã đủ cơ sở pháp lý và an toàn cho các nhà đầu tư tham gia? Bản chất của dự án này phải chăng là lấy tiền của người tham gia sau để trả lãi suất và hoa hồng cho người tham gia đầu tư trước?

Khi không có người tham gia nữa thì hệ thống sẽ sụp đổ và những người tham gia đầu tư sẽ khó lấy lại được tiền. Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an đã khuyến cáo người dân không nên tham gia vào các mạng tiền điện tử như trên bởi tiềm ẩn nhiều rủi ro và hệ quả khó lường. Trong khi việc sở hữu, mua bán, sử dụng P2PG (và các loại tiền ảo tương tự khác) cũng không được pháp luật bảo vệ.

Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin.

Nguồn: Sao Pháp luật
 
Top