Không còn áp lực vào đại học vì xét tuyển học bạ

Nhân Võ BC
Nhân Võ BC
Bình luận: 0Lượt xem: 426

Nhân Võ BC

Binh nhì
Thành Viên Mới
Kì thi tốt nghiệp THPT đang đến gần nhưng học sinh lớp 12 năm nay không hề áp lực vì con đường vào các trường ĐH, cao đẳng rộng thênh thang. Nhiều em cho biết mình đã đậu 2-3 trường bằng phương thức xét tuyển học bạ.

Xét tuyển bằng học bạ lên ngôi


So với năm 2020, mức độ quan tâm đến phương thức xét tuyển đại học bằng học bạ của học sinh và phụ huynh học sinh nhiều hơn.

Theo thống kê, trong năm nay, có gần 70 trường đại học, học viện trên cả nước nhận hồ sơ xét học bạ THPT cho kỳ tuyển sinh năm học 2021-2022. Nhiều trường cho biết dành từ 20 – 80% chỉ tiêu để xét tuyển bằng học bạ THPT, đồng thời có nhiều chính sách hỗ trợ, miễn giảm học phí và học bổng.

Hình 1.JPG

Hình: học sinh lớp 12 trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh tại ĐH Bách Khoa TPHCM. Ảnh Trí Nhân

Phương thức này được hơn 100 trường đại học áp dụng và chia thành nhiều đợt nhận hồ sơ khác nhau, bắt đầu từ đầu tháng 3 và có thể kéo dài đến hết tháng 9, tùy vào tình hình thực tế mỗi trường.

Đơn cử như ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM có đến…8 đợt xét tuyển học bạ từ 1.3 đến 1.9.2021. ĐH Tài chính – Marketing xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT năm 2021, 2020 và 2019, trường dành 20% xét tuyển theo học bạ. Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm lấy điểm xét tuyển trung bình cộng các môn theo tổ hợp xét tuyển của năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 đạt từ 18 trở lên. ĐH Văn Lang dành 60% chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển kết quả học tập THPT. ĐH Mở TPHCM thực hiện xét tuyển theo kết quả học tập 3 năm THPT (học bạ) các ngành từ 18-20 điểm…

Tuy nhiên, có một số trường chỉ nhận hồ sơ xét tuyển một đợt như ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Công nghiệp TPHCM… Mỗi trường sẽ có những mức điểm quy định riêng nhưng thường sẽ có điểm trung bình từ 5,0 trở lên. Thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển khi đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương. Nhà trường sẽ gửi giấy báo trúng tuyển và hướng dẫn nhập học ngay khi có giấy chứng nhận kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Giấy báo trúng tuyển sẽ được gửi trực tiếp về địa chỉ thí sinh đã đăng ký theo đường bưu điện.

Em Huỳnh Mộng Tú Trinh (học sinh lớp 12) cho biết: “Em không thích cảm giác chờ đợi, hồi hộp, thậm chí là căng thẳng đến khi có điểm chuẩn, vì vậy, ngay từ lớp 11 đã nghiên cứu phương thức xét tuyển bằng học bạ. Vừa rồi em đã đăng kí xét tuyển học bạ 3 trường và đều đậu hết nên em không quá lo lắng”.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định đây là khoảng thời gian 'vàng' mà thí sinh nên chủ động dùng điểm học bạ để xét tuyển vào ngành học, trường học yêu thích. Lí do là càng về sau thì cơ hội cũng như hình thức sẽ có nhiều thay đổi.

Phụ huynh, học sinh đều cảm thấy dễ thở

Dù chưa diễn ra kì thi tốt nghiệp THPT vào đầu tháng 7 nhưng nhiều phụ huynh cho biết con em mình đã ‘đậu’ các trường tư thục từ trước và chỉ đợi kết quả đậu tốt nghiệp.

Chị Trần Hoàng Linh (45 tuổi, Q8) cho biết chị cảm thấy nhẹ nhõm khi con mình đã đậu xét tuyển học bạ tại một trường tư thục với điểm học bạ 3 môn Toán-Lý-Hoá là 23,5 điểm. Với nguyện vọng cao hơn là ĐH công lập, chị cho biết gia đình cũng không quá gò bó con và mong con thoải mái hết mình. “Nếu không đạt nguyện vọng cao thì con cũng đã có trường để học, nên tôi thấy nhẹ nhõm hẳn. Tôi không quá áp lực bé”.

Chị Linh cũng nhận định, năm nay, do tình hình dịch Covid-19, các trường trong khâu xét tuyển cũng không lấy những mức điểm quá cao và tạo điều kiện thuận lợi để thí sinh có thể đậu ĐH.


Hình 2.JPG

Hình: Phụ huynh tham dự diễn đàn tư vấn chọn ngành cho học sinh

Anh Võ Mạnh Tiến – một phụ huynh ở Q8 chia sẻ: “Trường tư hay trường công đều có cái hay và cái dở riêng của từng trường, Tuy nhiên tôi quan niệm kết quả của việc học nằm ở bản thân người học là phần nhiều. Ngoài ra còn tuỳ điều kiện kinh tế mà lựa chọn cho con”.

Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ lo lắng khi các trường tư thục đồng loạt tăng học phí trong thời điểm kinh tế khó khăn vì dịch Covid-19. “Tôi cũng ít nhiều áp lực với học phí của cháu dao động từ 14-25 triệu đồng cho 1 học kì. Đây là mức học phí không hề thấp đối với những phụ huynh như chúng tôi” – anh Mạnh Tiến nhận định.

Con em Bùi Ngọc Kim Quyên, học sinh lớp 12 tại TPHCM lại cho biết: “Dù đã đậu 2 trường tư thục nhưng đây không phải là những trường em thích. Em xét tuyển chủ yếu để yên tâm hơn thôi. Trước mắt em vẫn phải cố gắng ôn luyện để đạt mức điểm tốt để vào. trường ĐH Kinh Tế TPHCM. Hơn hết là em muốn thi và xét điểm thi hơn là điểm học bạ!”

Bên cạnh các ưu điểm của việc xét tuyển học bạ thì việc đậu ĐH quá dễ dàng lại được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ tạo tiền lệ xấu và tâm lý ỷ lại ở học sinh; đồng thời đào tạo ĐH tràn lan có thể gây ảnh hưởng đến giáo dục. Tuy nhiên với một số phụ huynh và học sinh lớp 12, cuộc chiến vào đại học giờ đây đã không còn là gánh nặng tâm lý với họ mỗi dịp mùa thi đến…

Trí Nhân
 
Top