Khách hàng và tài xế khó khăn: Grab đã làm gì?

Thiên Bình
Thiên Bình
Bình luận: 0Lượt xem: 547

Thiên Bình

Trung sĩ
Thành Viên
Khi khách hàng bị tính thêm thuế VAT 7% và tài xế có thể giảm thu nhập với mức khấu trừ mới, Grab vẫn giữ nguyên mức hoa hồng được hưởng.

Công nghệ, tiềm lực và mức giá cạnh tranh là 3 yếu tố giúp Grab vươn lên nhanh chóng, trở thành hãng gọi xe công nghệ có thị phần lớn nhất Việt Nam chỉ sau khoảng 6 năm kinh doanh. Grab cũng may mắn khi được hưởng sách thuế VAT chỉ 3% trong gần 4 năm qua, từ đó có được dịch vụ với giá rẻ.

Tuy vậy, khi bị áp mức thuế VAT mới 10%, khiến khách hàng và tài xế đều khó khăn, Grab vẫn giữ nguyên mức hoa hồng mà mình được hưởng. Mức thuế mới có thể ảnh hưởng một phần đến thu nhập của tài xế và tác động đến lựa chọn của khách hàng, và đặc biệt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các mối quan hệ trong mô hình kinh doanh của Grab.

Theo các chuyên gia, việc tăng thuế hôm nay rất có thể sẽ dẫn đến những thay đổi lớn trong dài hạn.

Hưởng lợi từ VAT thấp

Khi Grab đến Việt Nam vào năm 2014, thị trường gọi xe tăng trưởng mạnh mẽ 57%/năm, cao nhất Đông Nam Á (theo số liệu nghiên cứu của Google và Temasek). Thị trường hơn 90 triệu dân của Việt Nam được coi là một trong những miếng bánh chiến lược của Grab tại Đông Nam Á.

Tuy vậy, thu nhập bình quân của người Việt Nam khi đó chỉ khoảng 2.500 USD/năm, thuộc hàng thấp ở Đông Nam Á. Do vậy, Grab hiểu hơn ai hết muốn chiếm được thị phần nhanh thì phải có mức giá rất rẻ cho mỗi cuốc xe.

Ngay từ đầu, Grab có nhiều chiến lược để đạt được mức giá rẻ. Bước thứ nhất, bằng nguồn tiền đầu tư lớn, hãng này tung ra hàng loạt các chương trình khuyến mại, tặng thưởng để đưa mức giá về rẻ nhất có thể. Khi đó, thị trường dùng từ “đốt tiền” để so sánh với việc tung tiền ra chiếm thị phần của Grab.

Bước thứ hai, Grab tích cực xin thí điểm loại hình kinh doanh mới và nhận được chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) đặc biệt. Tháng 2/2017, Tổng cục Thuế ban hành Văn bản số 384 về chính sách thuế đối với hoạt động hợp tác kinh doanh của Công ty Grab Taxi tạo ra một bước ngoặt lớn trên thị trường gọi xe.

grab5.jpg

Tài xế Grabbike tập trung tại nhà văn hóa phường Tân Phong (quận 7, TP.HCM) để gặp mặt đại diện hãng, đối thoại về vấn đề tăng phí khấu trừ cho mỗi cuốc xe ngày 7/12. Ảnh: Duy Hiệu.


Theo đó, mỗi chuyến xe của Grab chỉ chịu tỷ lệ thuế giá trị gia tăng (VAT) là 3%. Con số này thấp hơn 3 lần so với mức mà các hãng taxi truyền thống phải chịu. Năm 1999, Bộ Tài chính ban hành riêng một thông tư áp thuế VAT cho xe vận tải và taxi là 10% (Thông tư 101/1999).

Mức thuế VAT 3% giúp cho Grab giữ được giá cước trên từng cuốc xe thấp hơn so với taxi truyền thống. Điều này càng khiến cho Grab chiếm thêm thị phần, số lượng người dùng tăng lên qua nhiều năm.

Vì vậy, giới taxi liên tục phản đối và cho rằng không công bằng, trong khi Grab và taxi kinh doanh vận tải giống như nhau, chịu mức thuế thì khác nhau. Phải đến cuối năm 2020, Nghị định 126 đã tính toán lại, coi Grab như doanh nghiệp vận tải và áp mức thuế VAT 10%, công bằng như các hãng khác.

Đến lúc này, Grab đã chiếm 75% thị phần tại Việt Nam và đứng ở vị trí thống lĩnh.

Những mối quan hệ bị ảnh hưởng

VAT là loại thuế đánh vào người tiêu dùng. Do đó, khi bị tăng thuế, Grab bắt buộc phải thay đổi nhiều chính sách. Những chính sách này gây ra những ảnh hưởng nhất định đến khách hàng và tài xế.

Với khách hàng, Grab tăng giá cước thêm 6-7% ở GrabBike và GrabCar để bù lại phần tăng thuế. Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng theo quy luật cung - cầu, khi tăng giá dịch vụ thì cầu sẽ giảm xuống một mức nhất định. Đặc biệt là thị trường Việt Nam có mức co giãn về giá khá lớn, nghĩa là tăng giá sẽ mất đi khách hàng nhanh chóng.

Về ngắn hạn, ông cho rằng tác động lớn nhất là khách hàng sẽ cảm thấy cần phải cân nhắc hơn khi sử dụng dịch vụ Grab. Nhu cầu giảm ít hay nhiều vẫn chưa thể khẳng định, do phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ chi tiêu, chất lượng dịch vụ, thói quen, độ trung thành của khách hàng...

Tuy nhiên, về lâu dài, khi Grab tăng giá sẽ tạo ra dư địa cho các hãng đối thủ. Nhiều doanh nghiệp có thể tung ra khuyến mại, giảm giá để tạo sự cạnh tranh, giành lại thị phần của Grab. Ông Hiển cho rằng đây là một nguy cơ mà Grab phải đối mặt.

Việc tăng thuế VAT cũng tác động lớn đến mối quan hệ đối tác giữa tài xế và hãng. Hiện Grab có được lượng tài xế lớn, đồng nghĩa độ phủ của dịch vụ rộng, tạo ra sự sẵn sàng cung ứng trong thời gian ngắn khi khách có nhu cầu.

6_zing.jpg

Grab có khoảng 175.000 tài xế ở Việt Nam. Ảnh: Việt Hùng.

Với mức thuế VAT tăng lên 10%, thực chất khách hàng là người phải chịu. Grab đã tăng giá cước để bù lại khoản thuế tăng và khẳng định thu nhập của tài xế chỉ giảm 1-2%. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng có 2 nguyên nhân có thể khiến tài xế giảm thu nhập đáng kể.

Thứ nhất, khi giá tăng, khiến nhu cầu giảm, lượng khách ít đi. Khi đó, số lượng cuốc xe giảm, thu nhập của tài xế không thể cao như trước kia. Thứ hai, ông Hiển nhấn mạnh tỷ lệ tăng giá cước để bù lại thuế của Grab chỉ ở mức 4-5%, từ đó khiến tài xế chịu phần còn lại 1-2%, từ đó giảm thu nhập xuống.

Con số sụt giảm 1-2% thu nhập có thể không đáng kể, nhưng về lâu về dài, khi các yếu tố đầu vào tăng lên như giá xăng, khấu hao xe, giá dịch vụ bảo dưỡng... sẽ khiến tài xế bức xúc. Hiện tại, giá xăng đang ở mức 14.000-15.000 đồng/lít, khiến chi phí chạy xe khá thấp.

Nếu giá xăng tăng lên mức 19.000-20.000/lít đồng, chi phí chạy xe sẽ tăng lên trong khi mức thu nhập đã bị giảm nhẹ từ trước. Khi đó, số tiền lãi thực nhận từ chạy xe của tài xế sẽ thấp. Hãng cũng rất khó tăng giá dịch vụ bởi khi đó sẽ ảnh hưởng lớn đến khách hàng.

Lựa chọn của Grab

"Giá cuốc xe = thu nhập tài xế + hoa hồng của Grab + thuế VAT + thuế thu nhập cá nhân của tài xế" là phương trình cơ cấu doanh thu trên mỗi cuốc xe của Grab. Khi thuế tăng, thu nhập của tài xế giảm nhẹ, giá cước khách hàng phải trả tăng thì hoa hồng của Grab vẫn không đổi.

Hãng này thu hoa hồng từ tài xế GrabBike là 20% tổng doanh thu, còn hoa hồng với GrabCar là 20-25% tùy thời điểm ký hợp đồng. Nhiều tài xế cho rằng Grab đã "lạnh lùng" đứng ngoài cuộc khi chính sách về thuế thay đổi, không chia sẻ khi khách hàng và tài xế gặp khó khăn.

Hãng có thể lựa chọn giảm mức hoa hồng nhận được của mình để giữ nguyên giá bán. Nếu vậy, Grab sẽ giữ được khách hàng, giữ được tài xế, nhưng ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của mình. Tuy nhiên, hãng gọi xe không lựa chọn điều này. Grab chọn cách tăng giá và chấp nhận có thể bị mất khách hàng.

Nói về vấn đề này, chuyên gia về chiến lược doanh nghiệp Trần Bằng Việt cho rằng Grab đã tạo ra một hệ sinh thái dịch vụ rộng lớn cho khách hàng và tài xế. Sau quãng thời gian đốt tiền để mở rộng thị trường, Grab đang tận dụng vị thế thống lĩnh thị trường của mình để kiếm lợi.

grabbike.jpg

Tài xế bức xúc vì Grab nâng mức khấu trừ. Ảnh: Việt Hùng.

Ông Việt cũng nhấn mạnh việc cơ quan thuế đã để cho Grab được hưởng mức ưu đãi VAT 3% trong thời gian quá lâu. Thời gian đó đã giúp ích Grab phát triển rất nhanh và đạt được vị thế như ngày hôm nay.

Một chuyên gia về giao thông giấu tên cho rằng sau khi tăng thuế, Grab càng bộc lộ rõ bản chất trong mối quan hệ "đối tác" với tài xế. Mọi khó khăn hiện tại, hãng đều đẩy cho tài xế và khách hàng, trong khi vẫn giữ nguyên mức hoa hồng mình được hưởng.

Do đó về lâu dài, hãng này sẽ bước vào một cuộc đua khốc liệt mới. Lợi thế không chỉ là những con số %, mà còn là cách đối xử với tài xế, với khách hàng, thay vì quan hệ đối tác như hiện tại.

Đây là bài viết được đăng tải trên trang Zing News!
 
Top