Độc quyền ca khúc và “khoảng trống” của luật

Thiên Bình

Trung sĩ
Thành Viên
Những ồn ào gần đây về mua bán độc quyền một số ca khúc Việt lại đặt ra vấn đề “khoảng trống” của luật trong lĩnh vực này.

h1-1-9486.jpg

Nathan Lee mua độc quyền nhiều ca khúc từng là “hit” của ca sĩ Cao Thái Sơn.

Lùm xùm mua bán ca khúc độc quyền

Báo PLVN ghi nhận, sự việc ca sĩ Nathan Lee và Cao Thái Sơn tranh cãi quanh vấn đề độc quyền ca khúc đã kéo dài hàng tháng nay và vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Mới đây, lại thêm nhiều nhân vật liên quan lên tiếng. Nathan Lee tố Cao Thái Sơn xâm phạm bản quyền hai ca khúc “Bình yên nhé” và “Yêu thương quay về” khi hát các ca khúc này ngày 27/6 ở Mỹ. Đây là 2 ca khúc Nathan Lee tuyên bố đã mua độc quyền.

Trả lời truyền thông, Cao Thái Sơn phủ định mình xâm phạm bản quyền khi chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ nhạc sĩ Khắc Việt yêu cầu ngưng hát hai ca khúc trên hay dừng hợp tác.

Ngay sau đó, Khắc Việt lên tiếng, cho rằng hợp tác của mình với Cao Thái Sơn đã kết thúc, chính Cao Thái Sơn phát ngôn không rõ ràng, gây hiểu lầm. Phía Khắc Việt đã ký hợp đồng chuyển nhượng độc quyền hai ca khúc “Yêu thương quay về”, “Bình yên nhé” cho ca sĩ Nathan Lee từ ngày 13/6/2021 với thời hạn 2 năm kể từ ngày ký. Chia sẻ của Khắc Việt còn cho thấy, Cao Thái Sơn ngần ngừ không chịu mua tiếp độc quyền ca khúc khi thời hạn mua độc quyền cũ kết thúc, vì vậy Khắc Việt có quyền bán độc quyền ca khúc của mình cho người khác.

Trước đó, việc nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bán độc quyền cho Nathan Lee nhiều ca khúc góp phần làm nên tên tuổi Cao Thái Sơn cũng khiến dư luận tranh cãi. Người cho rằng Nguyễn Văn Chung được quyền bán ca khúc của mình cho bất kì ai, người lại cho rằng như vậy là hành động “cạn tình” với đồng nghiệp. Tuy nhiên, có thông tin từ Nguyễn Văn Chung cho thấy, bản thân Cao Thái Sơn cũng không có động thái tiếp tục gia hạn độc quyền ca khúc sau khi hết hạn dù đã được nhắc nhở, dẫn đến sự việc trên.

Một nhạc sĩ (giấu tên) chia sẻ, ca sĩ thường mua độc quyền ca khúc trong khoảng 1-3 năm. Đó cũng là thời gian tương đối cho độ “hot” của một ca khúc. Tâm lý chung của một bộ phận ca sĩ là sau khi tạo được cú hích với những bài hát nổi đình nổi đám lại thường lừng khừng trong việc tiếp tục mua độc quyền vì “mặc định” bản hát đã trở thành sản phẩm “của mình”. Nhiều ca sĩ cũng ngại mua lại độc quyền bài hát đã trở thành “hit” của ca sĩ khác trước đó vì bài hát đã cũ hoặc ngại bị so sánh. Chính tâm lý ỷ lại này dẫn đến câu chuyện tương tự Cao Thái Sơn, khi nhạc sĩ nhắc thì ngập ngừng, đến người khác mua độc quyền bài hát “hit” của mình thì ngỡ ngàng, trở tay không kịp.

Một thực trạng nữa là ca sĩ nổi tiếng “ép” giá nhạc sĩ chưa thành danh. Nhạc sĩ chưa có tên tuổi, mong muốn được biết đến, thường đưa ca khúc cho các ca sĩ đã có tiếng hát, nhiều khi chấp nhận mức giá rẻ mạt hoặc cho không. Như nhạc sĩ Khắc Việt cũng chia sẻ, ca khúc anh bán độc quyền cho Cao Thái Sơn cách đây 10 năm với giá 1 triệu đồng, nhưng bị “hạ giá” còn 500 ngàn đồng. Chính vì thế, sau khi nhạc sĩ đã có tên tuổi, việc họ chọn thu hồi ca khúc bị trả giá rẻ để bán lại cho ca sĩ khác với giá tốt hơn là chuyện đương nhiên.

Luật quy định như thế nào?

Pháp luật Việt Nam chưa có quy định về “mua độc quyền ca khúc” mà chỉ có khái niệm về “quyền tác giả”. Theo đó, có 2 trường hợp là chuyển nhượng quyền tác giả và chuyển quyền sử dụng quyền tác giả. Việc độc quyền ca khúc thực tế vẫn là giao dịch của tác giả với người mua. Thị trường mua bán độc quyền ca khúc diễn ra sôi động và các ràng buộc đều dựa trên hợp đồng giữa đôi bên.

Câu chuyện độc quyền ca khúc ngày nay cũng khác hàng chục năm về trước rất nhiều. Thời đại số hóa, ca khúc mua không còn chỉ để đi biểu diễn, làm liveshow như trước mà còn phát hành online. Không ít trường hợp ca sĩ bị người khác mua lại ca khúc đã mua độc quyền và đầu tư hoành tráng vì chủ quan hay lý do khác. Những ca sĩ này bị yêu cầu không được hát ca khúc gắn với tên tuổi của mình, thậm chí bị yêu cầu gỡ bỏ những bản đăng trên mạng, trên các nền tảng âm nhạc.

Cũng không như xưa, hiện nay vai trò của nhạc sĩ trong giới âm nhạc đã được nâng cao hơn nhiều. Những bài hát, đặc biệt là bài “hit”, hoặc sáng tác của nhạc sĩ tên tuổi có giá bán độc quyền vài chục triệu hoặc lên đến hàng trăm triệu đồng. Vì vậy, để an toàn cho bản thân khi đầu tư vào ca khúc, ca sĩ cần những điều khoản rõ ràng trong hợp đồng, tránh trường hợp phải nhìn những bài hát gắn với tên tuổi mình bị “đánh gậy” bản quyền trên mạng xã hội.
 
Top