Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Hong Nhung

Trung sĩ
Thành Viên
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đừng nghĩ Covid-19 thì thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tăng bởi thu nhập của người dân cũng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Do đó cần phải có giải pháp quyết liệt hơn mới có thể đạt được mục tiêu đề ra …

minh_hoa_zzrc.jpg

Giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng mạnh.

Đã có sự thay đổi đáng kể

Phát biểu tại Hội thảo “Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong nền kinh tế số” do Tạp chí Ngân hàng tổ chức ngày 4/12, PGS.TS Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhấn mạnh: TTKDTM có vai trò đặc biệt quan trọng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các chủ thể tham gia và cả nền kinh tế, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao khả năng tiếp cận tài chính và thúc đẩy tài chính toàn diện.

TTKDTM giúp giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, góp phần vào công tác quản lý thuế, phòng, chống tội phạm, tham nhũng, các vấn đề về gian lận lợi ích; người dân, doanh nghiệp có thêm kênh giao dịch tiện ích, thuận lợi; các nguồn vốn trong xã hội được luân chuyển một cách an toàn, hiệu quả, tiết kiệm chi phí, thời gian...

“Thời gian qua, vai trò của TTKDTM, thanh toán điện tử càng được thể hiện rõ trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và phòng, chống đại dịch Covid- 19 hiện nay” - Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Số liệu của NHNN cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2020, số lượng và giá trị giao dịch TTKDTM đều tăng trưởng, tương ứng 75,2% và 30% so với cùng kỳ năm 2019; và đặc biệt là số lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng mạnh tương ứng gần 125% và 130% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, so với năm 2016 (năm ban hành Quyết định 2545/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020), hoạt động TTKDTM hiện đã có sự thay đổi đáng kể.

Đặc biệt trong giai đoạn diễn ra đại dịch Covid-19, hệ sinh thái thanh toán số (HSTTTS) đã phát huy hiệu quả tối đa trong việc thay đổi thói quen, hành vi tiêu dùng của một bộ phận lớn dân cư trong xã hội (nhất là những người trẻ, sinh sống tại khu vực đô thị, thành phố).

Với HSTTTS, chỉ với một thiết bị có kết nối mạng, người tiêu dùng dễ dàng thao tác, thực hiện nhiều loại hình dịch vụ khác nhau (về tài chính, ngân hàng, mua sắm hàng hóa, dịch vụ trực tuyến, thanh toán các hóa đơn điện, nước, nộp các khoản, phí, lệ phí,...) mà không cần trực tiếp đến nơi giao dịch, cũng như không cần thực hiện các thủ tục giấy tờ phức tạp. Bên cạnh đó, qua HSTTTS, các thông tin, lịch sử giao dịch của khách hàng cũng được lưu trữ, bảo mật..

Quy mô vẫn còn hạn chế

Đồng tình với nhận định TTKDTM đã có sự thay đổi đáng kể so với trước, nhưng TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng so với các nước, Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề lưu tâm.

Nhận định Việt Nam nằm trong nhóm nước có doanh thu thanh toán tăng trưởng nhanh trong 5 năm tới (cùng với Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Indonesia), song TS Lực cho rằng quy mô TTKDTM của Việt Nam còn hạn chế so với khu vực và thế giới.

Chuyên gia này dẫn chứng: Tỷ lệ tiền mặt/GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2011 đến 2019 tăng từ 13,3% lên 19,84%, trong khi trung bình toàn cầu đang ở mức 9,6% và khu vực châu Á trong khoảng từ 5-10%. Chỉnh vì tỷ lệ tiền mặt/GDP của Việt Nam cao nên tỷ lệ tiền mặt/ phương tiện thanh toán tại Việt Nam từ 2011 đến nay gần như không thay đổi.

“Suốt từ năm 2011 đến nay tỷ lệ này vẫn quanh mức 10- 11%, hầu như không thay đổi trong khi tôi nhớ rất rõ mục tiêu đặt ra là dưới 8% đến cuối năm 2025! Như vậy, tỷ lệ thanh toán tiền mặt/ tổng giao dịch của Việt Nam ở mức trung bình so với nền kinh tế mới nổi và cao hơn nhiều các nền kinh tế phát triển!” - TS Cấn Văn Lực nhận xét.

Nhắc đến các nhân tố thúc đẩy TTKDTM (Hành lang pháp lý; Mức độ số hóa; Độ tin cậy vào công nghệ và quan tâm đến bảo mật riêng tư: Mức độ minh bạch và tham nhũng; Mức độ phát triển của ngành tài chính ngân hàng; Mức độ phát triển của nền kinh tế và tài chính toàn diện; Đại dịch Covid-19), chuyên gia này cho rằng dịch Covid-19 không hẳn là nhân tố thúc đẩy TTKDTM.

Đồng thời chuyên gia này lưu ý: “Đừng nghĩ Covid-19 mà TTKDTM tăng”, bởi thu nhập của người dân giảm vì ảnh hưởng của Covid-19 (Thu nhập bình quân trên thế giới giảm 6%). Do đó người ta ăn uống ít đi, du lịch ít đi, hạn chế chi tiêu… “Chính vì vậy, tới đây cần có giải pháp quyết liệt hơn, khuyến khích hơn, thì mới đạt được mục tiêu đề ra…” - Chuyên gia này lưu ý.
 
Top