Cứu vợ bị bắt cóc, chồng đâm chết hung thủ phải lãnh tội gì?

Thiên Bình
Thiên Bình
Bình luận: 0Lượt xem: 505

Thiên Bình

Trung sĩ
Thành Viên
Tạp chí Tòa án nhân dân thông tin, ngày 16/11, Trần Ngoại Giao bị Công an tỉnh Vĩnh Long tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi giết người, hoặc dấu hiệu tội phạm khác do tấn công những đối tượng bắt cóc vợ mình, khiến một người chết, một người bị thương. Cảnh sát cũng tạm giữ nhiều người liên quan nhóm nạn nhân về cáo buộc Bắt giữ người trái pháp luật.

anh-2-1.jpg

Dư luận xã hội rất quan tâm đến vụ việc này, đặc biệt là hậu quả pháp lý mà Trần Ngoại Giao có thể phải đối mặt.

Theo điều tra ban đầu, trưa ngày 15/11, một nhóm người đi trên xe 7 chỗ dừng trước quán cà phê Nam Giao ven quốc lộ 53, xã Long An, huyện Long Hồ, Vĩnh Long rồi vào bên trong khống chế, bắt giữ nữ chủ quán tên Võ Thị Thúy Hằng (29 tuổi) để đưa lên xe tẩu thoát. Lúc này, chồng chị Hằng là anh Trần Ngoại Giao đang hái dừa phía sau vườn nghe tiếng vợ la hét nên lao ra giải cứu.

Bị nhóm đối tượng chống trả bằng cách xịt hơi cay vào mặt nên anh Giao cầm chĩa sắt dài 1,3 m đâm về phía đối phương khiến N.M.T. (30 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) tử vong tại chỗ và một người khác bị thương, phải nhập viện cấp cứu. Sau đó, anh Giao đến cơ quan Công an đầu thú .

Khai với cảnh sát, nhóm người cho biết được mẹ của Hằng (đang ở huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) thuê đến bắt con gái mang về.

Trước sự quan tâm của dư luận, để có cái nhìn khách quan, nhiều chiều, phóng viên Tạp chí Toà án nhân dân đã có buổi trao đổi với Luật sư Đặng Khoa Nam – Công ty Luật TNHH MTV ARTEMIS.

Luật sư Trần Khoa Nam nhận định, với các tình tiết của vụ án, không thể áp dụng tội Giết người theo Điều 123 BLHS năm 2015, cho hành vi của anh Trần Ngoại Giao. Hành vi phạm tội của Giao là bộc phát khi thấy vợ mình bị một nhóm bắt cóc bắt và đang nhanh chóng tẩu thoát nên Giao đã đứng ra bảo vệ an toàn cho vợ. Sự việc xảy ra đã gây ra thương tật và tử vong cho người vừa là nạn nhân cũng là người phạm tội trong vụ án này là hậu quả không ai mong muốn.

Trong hoàn cảnh này, việc Trần Ngoại Giao thấy vợ mình bị bắt cóc trong lúc bí bách nên dùng hung khí chống trả nhằm giải thoát cho vợ là phản ứng thường tình, hoàn toàn dễ hiểu. Bên cạnh đó, một mình Giao đối đầu với một nhóm đối tượng bắt cóc với trang bị bình hơi cay kèm các hung khí hỗ trợ… xét về tương quan số lực lượng của hai bên thì rõ ràng không cân sức, vợ chồng Giao đứng về thế yếu.

Trong khi chống trả, Giao hành vi dùng vật nhọn đâm về phía nạn nhân hoàn toàn không phải hành vi cố ý giết người. Hành vi trên chỉ nhằm gây áp lực và chống trả lại việc bị xịt hơi cay, cũng như hành vi của nhóm người đang bắt cóc vợ mình.

Xét thấy những tình tiết khách quan cũng như chủ quan của vụ việc này, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể áp dụng Điều 126 BLHS năm 2015, tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; hoặc Điều 136, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, hậu quả gây chết người; hay Điều 125 giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh.

Theo quy định, hành vi khách quan của tội phạm là giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có nghĩa là, nạn nhân chính là người có hành vi tấn công, xâm hại lợi ích hợp pháp; và hành vi giết người là hành vi người phạm tội lựa chọn thực hiện để ngăn chặn hành vi tấn công, bảo vệ lợi ích hợp pháp đang bị xâm hại.

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, hậu quả gây chết người là người thực hiện hành vi phòng vệ có chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là chết người.

Có nghĩa, hành vi xâm hại những lợi ích cần bảo vệ phải là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm đáng kể cho xã hội. Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần bảo vệ; xâm phạm một cách trực tiếp đến các lợi ích cần bảo vệ chứ không phải do suy diễn, tưởng tượng. Người thực hiện hành vi phòng vệ nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác.

Đối với tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có nguyên nhân từ hành vi trái pháp luật của bị hại. Hành vi của nhóm bắt cóc đã ảnh hưởng mạnh đến tâm lý người phạm tôi và gây ức chế và kích động mạnh tức thời.

Cụ thể, khoản 1 Điều 126 BLHS năm 2015 có quy định, người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Khoản 3 Điều 136 BLHS năm 2015 về việc cố ý gây thương tích hậu quả chết người có quy định: “Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm”. Khoản 1 Điều 125 quy định: “Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

Việc Trần Ngoại Giao đã chống trả quyết liệt để giải thoát vợ mình trong tay nhóm bắt cóc dẫn đến chết một người và một người bị thương nặng là một vụ việc vô cùng đáng tiếc. Trong vụ việc này Giao bị giữ để điều tra xét xử theo quy định của pháp luật là đúng. Tuy nhiên, cũng cần xem xét để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân lương thiện.

Trên đây là ý kiến của một Luật sư, rất mong các ý kiến trao đổi của các chuyên gia và bạn đọc!
 
Top