Cựu Ngoại trưởng Philippines đề xuất tịch thu tài sản Trung Quốc

Thế giới - VnExpress
Bình luận: 0Lượt xem: 475
T

Thế giới - VnExpress

556318660acuungoaitruongPhilip-8654-1459-1591694047_1200x0.jpg


Cựu ngoại trưởng Rosario nói Manila có quyền tịch thu tài sản của Trung Quốc tại Philippines để bồi thường cho thiệt hại môi trường ở Biển Đông.


"Khi xác định thiệt hại tài chính từ Trung Quốc, chính quyền có quyền tịch thu tài sản thuộc sở hữu của Trung Quốc tại Philippines để trả món nợ của Trung Quốc với dân Philippines", cựu ngoại trưởng Albert del Rosario nói trong buổi hội thảo trực tuyến ngày 8/6.

"Những tài sản này có thể bao gồm cổ phần của chính phủ Trung Quốc trong Tổng công ty Lưới điện Quốc gia Philippines (NGCP) và China Telecom, hãng viễn thông tự nhận là lớn thứ ba tại Philippines", Rosario nói.

Cựu ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario trong chương trình của CNN, tháng 6/2019. Ảnh: CNN.


Cựu ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario trong chương trình của CNN, tháng 6/2019. Ảnh: CNN.


Theo một nghiên cứu của Viện Khoa học Hàng hải thuộc Đại học Philippines (UP MSI), Trung Quốc nợ Philippines hơn 230 tỷ peso (khoảng 4,6 tỷ USD) vì phá hủy các rạn san hô và gây tổn hại đến sinh vật biển khác do các hoạt động phi pháp gây ra.

Tập đoàn Lưới điện Trung Quốc (SGCC) nắm 40% cổ phần của NGCP từ năm 2008, dưới thời cựu tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo. NGCP cho biết SGCC là "đối tác kỹ thuật" của công ty này.

Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros và cựu phó chánh án Tòa án tối cao Antonio Carpio cảnh báo nguy cơ chính phủ Trung Quốc kiểm soát lưới điện quốc gia Philippines thông qua tập đoàn nhà nước. CNN đưa tin Trung Quốc có thể vô hiệu hóa toàn bộ lưới điện ở Philippines nhờ kiểm soát NGCP thông qua SGCC.

China Telecom là tập đoàn nhà nước khác của Trung Quốc. Tập đoàn này đang sở hữu 40% Dito Telecommunity, doanh nghiệp sẽ trở thành nhà cung cấp mạng viễn thông lớn thứ ba Philippines vào tháng 3/2021.

China Telecom sẽ xây dựng hạ tầng và cung cấp công nghệ cho Dito Telecommunity. Tập đoàn viễn thông Trung Quốc có thỏa thuận cho phép lắp thiết bị trên các tháp truyền tín hiệu của quân đội Philippines, tương tự hai hãng khác là Globe và Smart.

Giới chức và chuyên gia Philippines cảnh báo rủi ro bảo mật thông tin khi cho phép China Telecom vào thị trường nước này. Một nghiên cứu của lục quân Philippines thừa nhận nguy cơ khi cho Dito Telecommunity xây dựng trạm truyền phát tín hiệu trên các tài sản của lực lượng.

Tàu hải cảnh của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough, tháng 4/2017. Ảnh: Reuters.


Tàu hải cảnh của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough, tháng 4/2017. Ảnh: Reuters.


"Dù Trung Quốc không tôn trọng các quyền quốc tế được công nhận với lãnh thổ, ngư dân và người Philippines, chính phủ chúng ta vẫn hoan nghênh Trung Quốc trong khi các quốc gia như Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) gần đây đưa ra các biện pháp ngăn nước này tiếp quản các ngành công nghiệp quan trọng như năng lượng và viễn thông", Rosario nói.

"Đã tới lúc dân Philippines đoàn kết và đòi hỏi những thứ được hưởng. Đây cũng là lúc chúng ta bảo vệ bản thân khỏi những hành vi lạm dụng liên tục của Trung Quốc", cựu ngoại trưởng Philippines cho biết.

Trung Quốc trong những năm gần đây tăng cường hoạt động ở khu vực Biển Đông thông qua đội tàu hải quân, hải cảnh và dân binh, hoạt động trên vùng biển giàu tài nguyên. Chuyên gia địa chính trị Mỹ Gregory Poling nói hoạt động bồi đắp trái phép, đánh bắt quá mức hoặc đánh bắt trộm của Trung Quốc đang biến Biển Đông thành "một vùng đất hoang, một nghĩa địa".

Thượng nghị sĩ Hontiveros hồi tháng 4 đệ trình kiến nghị lên thượng viện nhằm yêu cầu Trung Quốc bồi thường. Theo nghiên cứu của UP MSI, Trung Quốc phá hủy đến mức không thể khôi phục được 1.850 hecta khu vực bờ biển phía tây Philippines, tương đương diện tích 1.850 sân bóng đá.

Nguyễn Tiến (Theo Rappler)

Link gốc...
 
Top