Cuộc 'đại phong tỏa' toàn cầu ảnh hưởng gì ngành sản xuất, dịch vụ

Đ
Độc Hành
Bình luận: 0Lượt xem: 380

Độc Hành

Thượng sĩ
Thành Viên
00dcoatmeals01jumbov2-15876596-3009-3610-1587660252_1200x0.jpg


PMI sản xuất và dịch vụ của hàng loạt quốc gia đều thấp kỷ lục trong tháng 4, thời điểm các nước cùng cách ly xã hội để chống Covid-19.


Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 4 cho thấy hoạt động kinh doanh tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản lao dốc khi các chính phủ thắt chặt việc đi lại và tương tác xã hội nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19. Khảo sát do IHS Markit công bố hôm qua (23/4) cho thấy các biện pháp cách ly xã hội đã ảnh hưởng rõ nét đến các thành phần kinh kế mà hoạt động tiếp xúc trực tiếp giữa người với người - như nhà hàng hay tiệm cắt tóc - là không thể tránh khỏi.

Nhìn chung, hoạt động của ngành dịch vụ giảm mạnh chưa từng có trong lịch sử khảo sát, lớn hơn cả thời khủng hoảng tài chính. Hoạt động sản xuất thì không nghiêm trọng bằng.

Theo IHS Markit, PMI tháng 4 của Mỹ chỉ đạt 27,4 điểm, giảm mạnh so với 40,9 hồi tháng 3. PMI dưới 50 cho thấy hoạt động kinh doanh xuống dốc.

Đây cũng là mức thấp nhất của Mỹ kể từ tháng 10/2009. "Mức độ sụt giảm của PMI là tín hiệu mới nhất cho thấy quý II/2020 sẽ là một quý kinh tế suy thoái lịch sử", Chris Williamson, - kinh tế trưởng tại IHS Markit, nhận định.

Người đi bộ đeo khẩu trang trên một con phố vắng lặng với nhà hàng, tiệm làm tóc đều đóng cửa ở New York. Ảnh: NYT


Người đi bộ đeo khẩu trang trên một con phố vắng lặng với nhà hàng, tiệm làm tóc đều đóng cửa ở New York. Ảnh: NYT


Tại khu vực eurozone, PMI tháng này chỉ còn 13,5 điểm, giảm từ mức 29,7 của tháng 3/2020. Đây cũng là con số thấp kỷ lục kể từ tháng 7/1998. "Tháng tư chứng kiến thiệt hại chưa từng có đối với khu vực đồng euro do các biện pháp phong tỏa, nhu cầu thế giới đi xuống, lao động và nguyên liệu đầu vào thiếu hụt", Williamson nói.

Tại Pháp, PMI ngành dịch vụ tháng 4 là 10,4 điểm, giảm từ mức 27,4 điểm tháng trước. Việc này cho thấy hầu hết hoạt động của các doanh nghiệp dịch vụ đã tạm dừng.

Các khảo sát khác cũng chỉ ra sự đóng băng tương tự trong nền kinh tế lớn thứ hai khu vực eurozone. Cơ quan thống kê quốc gia Pháp cho biết các công ty đã có tháng mất niềm tin kinh doanh lớn nhất kể từ năm 1980. Các nhà máy của Pháp đang hoạt động với 67% công suất, mức thấp nhất kể từ năm 1976.

Tại Anh, PMI tháng 4 xuống thấp kỷ lục 12,9 từ 36 điểm vào tháng 3. Đức tốt hơn một chút, với PMI còn 17,1 điểm, từ 35 hồi tháng trước. Tuy nhiên, sự chênh lệch PMI trên khắp châu Âu tương đối nhỏ. Cuộc khảo sát cũng cho thấy, dù đại dịch xuất hiện ở các nước tại những thời điểm khác nhau, kết quả chung vẫn là sự đình trệ chưa từng có của hoạt động kinh tế.

Chỉ số PMI tháng 4/2020 của Nhật, Mỹ, Đức, Anh, Pháp (từ trên xuống) đều lao dốc thẳng đứng xuống dưới 50 điểm, theo khảo sát của IHS Markit. Đồ họa: WSJ


Chỉ số PMI tháng 4/2020 của Nhật, Mỹ, Đức, Anh, Pháp (từ trên xuống), theo IHS Markit. Đồ họa: WSJ


Với sự sụt giảm lớn hơn dự kiến, có khả năng kinh tế toàn cầu quý II/2020 sẽ khó khăn hơn các dự báo trước đó. "Chúng tôi biết rằng phong tỏa và đóng cửa phần lớn nền kinh tế sẽ khiến PMI giảm mạnh so với tháng trước. Nhưng mức giảm thực tế vẫn khiến chúng tôi kinh ngạc", Rosie Colthorpe, chuyên gia kinh tế tại Oxford Economics, nhận xét.

Các chính phủ trên khắp châu Âu kết luận rằng sản lượng kinh tế giảm mạnh là không thể tránh khỏi khi tiến hành các biện pháp ngăn chặn Covid-19. Điều họ lo ngại là việc dừng hoạt động có thể gây thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế. Vì vậy, các nước đã đưa ra một loạt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình để giảm thiểu rủi ro.

Một trong các biện pháp được sử dụng là chính phủ trả lương cho công nhân của các doanh nghiệp mất doanh thu. Các cuộc khảo sát được công bố hôm 23/4 chỉ ra rằng, dù có những dấu hiệu cho thấy các chương trình đó đang hạn chế việc sa thải, lượng người mất việc trong tháng 4/2020 ở châu Âu vẫn cao nhất trong lịch sử thống kê.

Các nhà kinh tế tin rằng, các số liệu kinh tế bi đát trong tháng 4/2020, kể cả PMI, sẽ khiến các quốc gia dỡ bỏ dần các hạn chế. Hiện tại, Đức đã làm điều này và các nước khác tại châu Âu dự kiến làm theo trong tháng sau.

"Mọi thứ không thể giảm mãi mãi. Một khi các công ty hoàn toàn đóng cửa thì sản lượng tệ nhất không còn gì để tệ hơn nữa vào tháng sau", Simon Wells, một nhà kinh tế tại HSBC nói. Ông cho rằng, việc cách ly được nới ra trong thời gian tới sẽ giúp hoạt động kinh tế dần hồi phục.

Tuy nhiên, sự giãn cách xã hội có thể sẽ tiếp tục trong nhiều tháng tới, theo quy định của các chính phủ hay tâm lý của chính người dân. Điều đó có nghĩa là hoạt động kinh doanh khó có thể hồi phục nhanh như tốc độ mà nó giảm.

Một rắc rối không nhỏ với châu Âu là các quốc gia khác nhau có khả năng mở lại hoạt động với tốc độ khác nhau, và với chuỗi cung ứng đã thay đổi. Điều này có thể cản trở tốc độ phục hồi, vì một số doanh nghiệp sẽ không có đủ nguyên liệu đầu vào dù họ được phép sản xuất trở lại.

"Việc thiếu phối hợp giữa các quốc gia, và một số nước gấp rút mở lại nền kinh tế trước các nước khác, sẽ cản trở hiệu quả phục hồi, do tính chất liên kết của các chuỗi giá trị khu vực eurozone", các chuyên gia kinh tế của Barclays phân tích.

Các cuộc khảo sát cho thấy gần như chắc chắn nền kinh tế toàn cầu đã bước vào thời kỳ suy thoái, với số liệu quý đầu năm chỉ ra sản lượng kinh tế sụt giảm mạnh. J.P. Morgan dự báo GDP khu vực eurozone sẽ giảm 45% trong 3 tháng tính đến tháng 6. GDP Anh dự kiến giảm 59,3% và Nhật Bản giảm 35% cùng giai đoạn này.

GDP quý I của Hàn Quốc giảm 1,4% so với quý cuối năm ngoái - tệ nhất kể từ cuối năm 2008. Mỹ và châu Âu sẽ công bố ước tính cho quý đầu tiên vào tuần tới. Mức giảm quý I dự kiến rất lớn, nhưng có thể vẫn còn thấp hơn quý II.

Phiên An (theo Wall Street Journal)
 
Top