Chủ tịch HĐTV Công ty Phúc Phong Gia Lai: 3ha rừng mà cơ quan chức năng cho rằng doanh nghiệp phá trắng?

Hong Nhung

Trung sĩ
Thành Viên
Theo cơ quan chức năng, hiện trạng rừng bị phá ở lô 3, khoảnh 3, tiểu khu 1396 địa giới hành chính xã Chư Đrăng (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) có đường kính trung bình cây bị chặt hạ từ 8 - 38cm, ngọn cao 3 - 12m. Thế nhưng, theo ghi nhận thực tế, khu vực này, Công ty TNHH Nông - Lâm sản Phúc Phong Gia Lai (gọi tắt là Công ty Phúc Phong Gia Lai) chỉ cho người dọn thực bì, những mảng xanh của rừng, những cây to vẫn còn hiện hữu.

image(37).png

Cánh rừng bạt ngàn ở tiểu khu 1395 và 1369 mà Công ty Phúc Phong Gia Lai đã bỏ hơn 20 tỷ đồng để trồng rừng.

Theo thông tin từ báo chí, đầu tháng 1/2021, Công an huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện Krông Pa đã ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với ông Lê Hoàng Phúc (SN 1954, trú phường 6, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) về hành vi hủy hoại rừng.

Theo kết luận của cơ quan điều tra, năm 2017, Công ty Phúc Phong Gia Lai đã có đề nghị UBND tỉnh Gia Lai cho thuê 859ha đất tại tiểu khu 1395 và 1369 thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Nam Sông Ba để trồng rừng. Tuy nhiên, khi UBND tỉnh vẫn chưa quyết định giao đất thì Công ty Phúc Phong Gia Lai đã có hành vi hủy hoại rừng.

Cụ thể, tháng 11/2018, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa phối hợp cùng Ban QLRPH Nam Sông Ba phát hiện 3ha rừng ở lô 3, khoảnh 3, tiểu khu 1396 địa giới hành chính xã Chư Đrăng thuộc lâm phần Ban QLRPH Nam Sông Ba bị phá trắng. Hiện trạng rừng bị phá thuộc loại rừng sản xuất, rừng gỗ tự nhiên đang phục hồi, đường kính trung bình cây bị chặt hạ từ 8 - 38cm, ngọn cao 3 - 12m với nhiều chủng loại gỗ như: căm xe, bằng lăng, cà chít, trám, thành ngạnh. Thế nhưng, đại diện của Công ty Phúc Phong Gia Lai cho rằng, khu vực này công ty chỉ cho người dọn thực bì, các mảng xanh của rừng vẫn để lại và không có chuyện công ty phá rừng.

image(38).png

Đường đi vào khu vực lô 3, khoảnh 3, tiểu khu 1396 địa giới hành chính xã Chư Đrăng hết sức hiểm trở.

Để tìm hiểu thực tế, giữa tháng 1/2021, nhóm phóng viên của Báo Pháp luật Việt Nam tìm đến hiện trường vụ Công ty Phúc Phong Gia Lai bị cho là phá rừng. Do đường đi dốc đá, hiểm trở nên chúng tôi phải nhờ người dân địa phương dẫn đường.

Là người nuôi bò, thường xuyên qua lại ở khu vực này, bắt gặp chúng tôi đang muốn tìm đường vào rừng, anh Lê Văn Toản chỉ tay về hướng những cánh rừng bạc ngàn xanh tốt mà Công ty Phúc Phong Gia Lai đã trồng, rồi nói: “Trước kia, nơi đây là đồi trọc, không có đường đi như bây giờ. Từ khi Công ty Phúc Phong Gia Lai vào xin chủ trương trồng rừng thì những cánh rừng xanh tốt mới mọc lên, làm cho nơi đây có sức sống hơn”.

image(39).png

Nhiều cây to ở khu vực lô 3, khoảnh 3, tiểu khu 1396 địa giới hành chính xã Chư Đrăng vẫn còn giữ lại.

Dứt lời, anh Toản dẫn chúng tôi vượt qua đoạn đường dài khoảng 5km đi bộ, leo lên dốc núi băng sang lô 3, khoảnh 3, tiểu khu 1396 địa giới hành chính xã Chư Đrăng. Tại đây, chúng tôi tận mắt chứng kiến những mảng xanh rừng, những cây to còn hiện hữu nơi đây. Nhìn bằng mắt thường, khu vực này vẫn còn là rừng nguyên sinh, Công ty Phúc Phong Gia Lai chỉ dọn thực bì để trồng rừng.

“Công ty Phúc Phong Gia Lai chỉ phát dọn thực bì ở khu vực lô 3, khoảnh 3, tiểu khu 1396 địa giới hành chính xã Chư Đrăng, chứ không có chuyện phá rừng như cơ quan chức năng đã kết luận. Tôi là người dân ở đây, chứng kiến sự phát triển của khu rừng này, tôi khẳng định điều đó”, anh Toản quả quyết.

image(40).png

Những gốc cây được Công ty Phúc Phong Gia Lai dọn thực bì mà cơ quan chức năng cho rằng bị phá trắng.

Đi sâu vào trong là những cây thực bì có kích thước nhỏ được Công ty Phúc Phong Gia Lai dọn. Phải chăng đây là những cây chừng 10cm bị chặt hạ để trồng rừng mà cơ quan chức năng cho rằng công ty phá trắng?

“Những cây này công nhân chỉ dọn để trồng rừng, thân cây bị chặt hạ vẫn ở dưới gốc, chứ không di chuyển ra bên ngoài khu vực. Tôi sống ở đây gần 10 năm, tôi biết nơi này không có cây rừng to để mà phá. Việc Công ty Phúc Phong Gia Lai bỏ tiền để trồng rừng nhưng lại bị vướng vào vòng lao lý khiến người dân như chúng tôi rất buồn”, anh Toản bày tỏ.

Tiếp cận thực tế hiện trường, có thể thấy gần khu vực lô 3, khoảnh 3, tiểu khu 1396 địa giới hành chính xã Chư Đrăng mà cơ quan chức năng cho rằng Công ty Phúc Phong Gia Lai phá trắng nằm tiếp giáp với khu vực Ban QLRPH Nam Sông Ba. Vậy trách nhiệm Ban QLRPH Nam Sông Ba ở đâu khi công ty này bị cho là phá rừng?
 
Top