Chiến lược “thay tướng” để “trục vớt” Mai Linh liệu có thành công?

H
Hoài Niệm
Bình luận: 0Lượt xem: 466

Hoài Niệm

Binh nhì
Thành Viên
Mục tiêu phát triển đã không thành công!

Năm 2020 được xem là “lành ít dữ nhiều” với Mai Linh, vì trong những năm qua, Mai Linh đã để cho các đối thủ “chèn ép”, cướp đi phần lớn thị phần vốn đã thuộc về hãng taxi nổi tiếng này. Trong khi đó, sức “phản kháng” của Mai Linh chỉ là sự chủ quan, có phần yếu ớt? Điển hình như việc Mai Linh đưa ứng dụng mobile (app) đón trả khách, để ứng phó với sự “bành trướng” của các hãng taxi công nghệ như Công ty TNHH Grab. Tuy nhiên, cho đến giờ thì sự theo đuổi đó chưa chứng tỏ được hiệu quả của nó một cách rõ rệt. Nguyên nhân có lẽ nằm ở mô hình kinh doanh chứ không phải vấn đề của công nghệ?

Thật ra, ứng dụng mobile của Mai Linh hoạt động chỉ như một tiện ích cho người dùng. Còn với “đối thủ” như Grab, đây là nền tảng cho mô hình kinh doanh của họ, vì mọi chính sách kinh doanh của hãng đều xoay quanh nền tảng này. Grab bước vào “sân chơi” vận chuyển hành khách nhưng không phải là hãng taxi, vì họ không sở hữu chiếc xe nào. Sản phẩm của Grab là một hệ thống hạ tầng - mà giới công nghệ quen gọi là platform - để kết nối người có nhu cầu di chuyển với người có khả năng cung ứng dịch vụ. Đặc tính lỏng lẻo của thị trường lao động đảm bảo cho mô hình này phân phối được các nguồn lực nhàn rỗi theo cách tối ưu. Cũng vì thế mà thị phần của Mai Linh bị teo tóp dần theo các năm. Điều này đồng nghĩa với việc dòng tiền vào của Mai Linh bị bóp lại, khiến cho mục tiêu tăng trưởng có nguy cơ đổ vỡ rất cao?

Mô tả ảnh
Dù có thương hiệu tốt hơn, nhưng trong lĩnh vực áp dụng công nghệ vào kinh doanh này rõ ràng Mai Linh phải chấp nhận mình chỉ là một tay chơi còn đang chập chững

Trước đó, Mai Linh vào năm 2016 đã ra chiến lược phát triển trung và dài hạn là: “Duy trì vị trí hàng đầu trong ngành nghề kinh doanh dịch vụ taxi tại Việt Nam; Chuyển đổi mô hình kinh doanh từ truyền thống sang hiện đại, phối hợp với mọi đối tượng khách hàng. Tiếp tục tăng trưởng phương tiện tại nhiều thị trường trong cả nước. Tiếp tục tăng cường doanh thu từ các giá trị gia tăng khác (dịch vụ cho thuê chỗ quảng cáo, hợp tác kinh doanh đồng phát triển thương hiệu); Kiểm soát chặt chẽ dòng tiền trong cả hệ thống, lành mạnh tình trạng tài chính, cắt giảm mạnh mẽ chi phí quản lý. Kiểm soát đầu tư hiệu quả, tối ưu chi phí vốn vay trong toàn hệ thống; Tập trung mạnh mẽ vào các hoạt động công nghệ, áp dụng công nghệ quản lý để giảm giá thành dịch vụ”. Tuy nhiên, ngay cả những người lạc quan nhất cũng không thể tin là Mai Linh sẽ đạt được mục tiêu như đã đề ra. Vì khi ấy, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Mai Linh luôn giảm so với các năm trước đó.

Chẳng hạn như năm 2016, Mai Linh có doanh thu là 3.747.214.654.463 đồng so với năm 2015 là 2.833.939.054.745 đồng. Nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm, chỉ đạt 42.987.952.373 so với lợi nhuận trước đó là 129.604.874.763 đồng. Cho nên, lãi cơ bản trên cổ phiếu chỉ đạt 242 đồng/cổ phiếu, so với năm trước là 1.140 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, nợ phải trả của Mai Linh vẫn không thay đổi nhiều. Cụ thể, đầu năm 2015, số nợ của Mai Linh là 5.186.424.820.584, đến cuối năm vẫn còn 5.109.355.570.477 đồng…

Trong báo cáo thường niên cùng năm, ông Hồ Huy - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ cho rằng, đây là một giai đoạn cực kỳ khó khăn: Uber, Grab hoạt động tràn lan, nhất là ở hai thành phố lớn như: TP Hồ Chí Minh và Hà Nội khiến thị trường taxi cạnh tranh khốc liệt, trong đó sự bất bình đẳng về thuế và các điều kiện kinh doanh khác đã gây thiệt hại lớn về doanh thu cho Mai Linh cũng như các hãng taxi truyền thống. Theo số liệu chính thức, chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, số lượng taxi Uber và Grab ở TP Hồ Chí Minh đã lên tới 21.000 xe, nếu kể cả xe chạy “lụi” không đăng ký ước tính phải đến 25.000 xe (trong khi qui hoạch taxi của TP Hồ Chí Minh đến nay chỉ cho phép tổng cộng 11.000 - 12.000 xe) làm trật tự giao thông đô thị bị phá vỡ, kẹt xe nghiêm trọng, nhà nước thất thu thuế…

Báo cáo hợp nhất thường niên tại ngày 30/06/2017 ghi nhận tổng nguồn vốn của Mai Linh đạt 5.352.260.355.638 đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Mai Linh trong năm chỉ “khiêm tốn” là 11.436.736.125 đồng. Trong khi đó, nợ ngắn hạn của Mai Linh chiếm đến 2.611.666.744.539 đồng, đáng chú ý là khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn lên đến 1.317.589.973.047 đồng. Nợ dài hạn của Mai Linh cũng đạt con số 2.169.087.659,568 đồng.


Đến năm 2018 và 2019, tình hình hoạt động kinh doanh của Mai Linh còn lâm vào tình trạng khó khăn hơn. Vì thế, Mai Linh đã tiến hành tái cấu trúc lại chiến lược phát triển của cả tập đoàn.

Mô tả ảnh
Chiến lược “thay tướng” Rahn Wood (phía trái) để “trục vớt” Mai Linh liệu có thành công?

“Đối thủ” vẫn “lấy thịt” đè người…

Dù đã chiếm phần lớn thị phần trong lĩnh vực vận tải hành khách nhưng “đối thủ” của Mai Linh là Grap vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Với tham vọng “bá vương”, Grap vẫn “đốt” tiền đều đặn cho các chương trình khuyến mãi thu hút khách hàng, và kèm theo đó là các chương trình thưởng và hỗ trợ lái xe. Họ vẫn đang “bán” những câu chuyện về viễn cảnh tương lai của mình để thu về những dòng tiền đầu tư khổng lồ, lên đến hàng tỷ USD.

Còn Mai Linh thì vẫn đang lỗ từ hoạt động truyền thống. Năm 2015, hoạt động kinh doanh chính của Mai Linh Miền Bắc vẫn lỗ 13,3 tỷ đồng, trong khi năm 2014 công ty lỗ 5,1 tỷ đồng. Năm 2016, khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh chính tăng lên tới mức 44,6 tỷ đồng. Lợi nhuận đạt được trong 3 năm gần đây của Mai Linh Miền Bắc cũng như của Tập đoàn Mai Linh hầu hết đều đến từ hoạt động thanh lý xe.

Có thể dự báo để đạt được quy mô đủ cạnh tranh bên cạnh Grab thì Mai Linh cũng cần phải sẵn sàng tiêu tốn một số tiền không nhỏ để lôi kéo khách hàng và quan trọng hơn là thu hút lực lượng lái xe gia nhập. Dù có thương hiệu tốt hơn, nhưng trong lĩnh vực áp dụng công nghệ vào kinh doanh này rõ ràng Mai Linh phải chấp nhận mình chỉ là một tay chơi còn đang chập chững. Nếu không thể đưa ra một bản kế hoạch với mục tiêu lợi nhuận rõ ràng, mà điều đó rất khó xảy ra, thì cái Mai Linh cần bây giờ là một câu chuyện có thể thuyết phục nhà đầu tư có thể tiếp tục chịu lỗ và bỏ tiền vào để cạnh tranh trong thị trường mới này.

Có lẽ vì thế mà Mai Linh vừa bổ nhiệm TGĐ mới để tái cấu trúc tập đoàn, cải thiện sức cạnh tranh, với quyết tâm đưa công nghệ vào phát triển hoạt động kinh doanh: Thanh toán không dùng tiền mặt trong tất cả các hoạt động kinh doanh; phát triển Mai Linh trở thành công ty toàn cầu, và là doanh nghiệp hàng đầu về vận tải và logistic. Nhưng để làm được điều này, Mai Linh phải có điều kiện “cần và đủ”. Điều kiện cần là nguồn ngân sách dồi dào, nhân sự giỏi, công nghệ hiện đại. Điều kiện đủ là thời gian để thực hiện tái cấu trúc, trong khi các “đối thủ” vẫn không ngừng “phủ bóng” trên thị trường vận tải hành khách.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, Mai Linh sẽ lấy đâu ra điều kiện “cần và đủ”, nhất là nguồn vốn? Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MLG của Mai Linh đã mất nhiều sự “tín nhiệm” của nhà đầu từ trong nhiều năm nay. Đến mức Mai Linh buộc phải tiến hành sáp nhập, hủy niêm yết, sau đó là tuyển TGĐ mới về để “lèo lái”, với hy vọng “thay tướng” sẽ đổi được vận?
 
Top