“Cấm phân lô bán nền ở Hà Nội và TP.HCM là không hợp tình và không hợp lý”

Tuấn Minh
Bình luận: 0Lượt xem: 450
T

Tuấn Minh

dat-phan-lo-ban-nen_vfiy.jpg

Bộ Tài nguyên Môi trường đang hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Dự thảo nghị định này đã mở rộng phạm vi các khu vực không được phép thực hiện dự án phân lô, bán nền, khiến các quận nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh, các phường thuộc thị xã; khu vực chức năng quy hoạch thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh và nhiều khu vực khác không được thực hiện dự án phân lô, bán nền.
Liên quan đến dự thảo trên, phát biểu ý kiến tại hội thảo "Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai: Những vấn đề bất cập và kiến nghị chính sách" được Tạp chí Bất động sản Việt Nam tổ chức sáng nay (2/6), luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, cho rằng, về tính pháp lý, các dự án phân lô bán nền là chính sách đúng đã được ghi nhận. Từ Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản đã có những quy định rất rõ vẫn cho phép và ghi nhận lợi ích của việc phân lô bán nền.
“Việc sửa đổi, hạn chế khu vực phân lô bán nền lần này ảnh hưởng rất nhiều đến các đối tượng. Tôi cho rằng, không phải cứ thích là ban hành luật cấm bởi phải thấy các yếu tố có phù hợp với tình hình phát triển của địa phương, kinh tế xã hội hay không”, ông Đức nhấn mạnh.
Theo ông Đức, về tính hợp lý, việc phân lô bán nền trước đây đã cấm một phần, giờ cấm mở rộng thêm. Việc cấm thêm này có thể hình dung lên tới trên 90% của thị trường bất động sản. Mặc dù, việc sửa đổi cấm phân lô bán nền tạo ra sự đồng bộ, ngăn nắp, tổng thể cho đô thị, đó là cần thiết nhưng đáng tiếc cần sự khác biệt, phong phú về chi tiết thì chưa thể làm được.
Ví như Hà Nội có cho phép phân lô bán nền, mặc dù có xảy ra những vùng “sốt nóng” nhưng về tổng thể vẫn có sự hợp lý, hài hoà đẹp mắt.
Theo quan điểm của luật sư Trương Thanh Đức, bối cảnh thị trường bây giờ đã khác rất nhiều so với trước đây. Tuy còn nhiều khoảng cách với các nước phát triển khác nhưng thị trường của chúng ta đã phát triển hơn rất nhiều. Hiện không có chủ đầu tư, người mua nhà nào chấp nhận một dự án lộn xộn.
“Bây giờ hạn chế phân lô bán nền ở tất cả các tỉnh thành là rất bất hợp lý. Tôi cho rằng nó không phù hợp với cả thị trường sơ khai của bất động sản. Thị trường bài bản giờ đây tập trung, ưu tiên cho chất lượng chứ không còn chạy theo số lượng như trước nữa. Một vài ý kiến cho rằng giải pháp này nhằm ngăn chặn lừa đảo như những sự việc xảy ra thời gian qua như Alibaba nhưng tôi nghĩ rằng không cần thiết phải cấm như vậy…
Tóm lại, không những dự thảo mà quy định hiện hành về cấm phân lô bán nền tại Hà Nội và TP.HCM đều không hợp tình, hợp lý, chứ chưa nói gì đến dự thảo sửa đổi”, ông Đức nói.
Cùng quan điểm, PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường khi ban hành chính sách cần phải đánh giá tác động cả tích cực và tiêu cực.
Theo ông Tuyến, đất đai là vấn đề hết sức nhạy cảm. Một chính sách đưa ra thị trường bị dư luận phản ứng thì vô hình chung nó không có tác động tích cực. Bản chất hình thức phân lô bán nền không có lỗi, cả quốc tế và Việt Nam đều đang có nhu cầu này. Do đó, kể cả có cấm thì thị trường cũng sẽ phản ứng đi theo hình thức khác. Bởi thực tế, nhu cầu của thị trường là có và rất lớn. Mặt khác, phân lô bán nền là hình thức kêu gọi nguồn vốn vào thị trường bất động sản.
“Theo tôi, có lẽ không nên cấm tuyệt đối mà nên có sự phân loại. Nếu dự án đúng quy hoạch thì sao phải cấm cực đoan. Hơn nữa, việc cấm thể hiện tư duy hơi bất lực của cơ quan quản lý là không quản được thì cấm. Trước khi làm chính sách phải thử sự phản ứng của xã hội chứ không phải theo ý quản lý”, ông Tuyến nói.

Link gốc...
 
Top