Các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng

Thiên Bình
Thiên Bình
Bình luận: 0Lượt xem: 1,318

Thiên Bình

Trung sĩ
Thành Viên
Ước đến cuối tháng 8/2020 dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng đã đạt hơn 1,71 triệu tỷ đồng, chiếm gần 20% dư nợ nền kinh tế, tăng 2,37% so với cuối năm 2019. Theo đánh giá của NHNN, đây là kết quả khả quan trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

vay_tieu_dung_rlvb.jpg

Các ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.

Hoàn thiện khung khổ pháp lý về cho vay

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, nhu cầu vay tiêu dùng là nhu cầu chính đáng của người dân, ngành Ngân hàng xác định sẽ cố gắng đáp ứng nhu cầu chính đáng này.

Cụ thể, trong thời gian qua, NHNN không ngừng hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến thông qua việc: Sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính; Ban hành mới các văn bản hướng dẫn cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Triển khai cho vay tái cấp vốn để cho vay lãi suất 0% đối với người lao động bị ngừng việc cho dịch Covid-19; Điều chỉnh lộ trình áp dụng các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Đồng thời hoàn thiện cơ chế hỗ trợ các đối tượng chính sách tiếp cận vốn, như: sửa đổi chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo; nâng mức cho vay; chỉ đạo NH Chính sách xã hội hoàn thiện phương án mở rộng cho vay tiêu dùng; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

NHNN cũng chỉ đạo TCTD mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng qua các kênh tín dụng chính thức. Các TCTD đã đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa như cho vay liên vụ, cho vay qua sổ tín dụng, vay vốn thông qua các Tổ, nhóm của các tổ chức chính trị - xã hội, cho vay, thu nợ ngay tại địa bàn của người vay...

Mạng lưới TCTD, các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô cũng đã phủ khắp các vùng miền được mở rộng và phát triển nhằm gia tăng tiếp cận dịch vụ đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt là người thu nhập thấp, người yếu thế trong xã hội, người chưa có tài khoản ngân hàng, qua đó góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”.

Ngân hàng chủ động tìm khách hàng

Với 2.300 điểm giao dịch trải khắp nước, Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) được đánh giá là có lợi thế trong vay tiêu dùng. Theo ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Aribank, để đáp ứng nhu cầu vay vốn đa dạng của khách hàng, Agribank đã cung cấp gần 40 sản phẩm tín dụng, một số sản phẩm tín dụng tiêu biểu phục vụ nhu cầu vay vốn của bà con nông dân.

Đặc biệt, với chương trình tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng, khách hàng có nhu cầu vay vốn chính đáng được giải ngân ngay trong ngày, với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế doanh số cho vay của chương trình này đã lên tới 19.000 tỷ đồng (gấp gần 4 lần quy mô dự kiến ban đầu 5.000 tỷ đồng) với trên 400 ngàn khách hàng được vay vốn để đáp ứng nhu cầu cấp bách của người dân (chữa bệnh, nộp học phí, hỗ trợ khách hàng khó khăn trong lúc giáp hạt...)

Cùng với việc cho vay trực tiếp tại các điểm giao dịch, cho vay thông qua 69 nghìn tổ vay vốn/tổ liên kết, tổ cho vay lưu động..., hình thức cho vay qua điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đã đến tận các vùng sâu, vùng xa... Theo Phó Tổng giám đốc Phạm Toàn Vượng, Agribank hiện đang triển khai 68 Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng. “Các Điểm giao dịch lưu động được chính quyền địa phương, khách hàng ủng hộ và đánh giá cao” – ông Vượng nói.

Với NHCSXH, bên cạnh nguồn vốn tín dụng thương mại, ngân hàng này cùng đang triển khai 20 chương trình tín dụng ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách với dư nợ đến cuối tháng 8/2020 đạt khoảng 221.515 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2019.

Bà Trần Lan Phương, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, trong thời gian qua, ngân hàng đã có hàng loạt giải pháp nhằm mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng như: nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/ hộ vay không phải đảm bảo tiền vay và nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi...

“Tới đây, chúng tôi dự kiến sẽ đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ cho triển khai phương án thí điểm mở rộng tín dụng tiêu dùng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo để phục vụ các nhu cầu thiết yếu chính đáng của cuộc sống, góp phần đẩy lùi tín dụng đen”- bà Phương cho hay.

Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam
 
Top