Bài phát biểu 'yêu Ấn Độ' của Trump

Đ
Độc Hành
Bình luận: 0Lượt xem: 349

Độc Hành

Thượng sĩ
Thành Viên
0001P92N8-1583141027-3251-1583141829_1200x0.jpg


Phát biểu tại sân vận động cricket lớn nhất thế giới trong chuyến công du ngày 24-25/2, Trump nhấn mạnh "Mỹ yêu Ấn Độ, Mỹ tôn trọng Ấn Độ".


125.000 người Ấn Độ đã chờ đợi từ 4h sáng hôm 24/2, nhảy múa khi đeo mặt nạ hình Trump và Thủ tướng Narendra Modi tại sân vân động Sardar Patel ở bang Ahmedabad. Tên và ảnh của Trump xuất hiện trên hàng chục màn hình và biểu ngữ khắp sân vận động. Cảnh tượng giống như Trump đang tham dự một cuộc mít tinh vận động tranh cử ở miền Trung Tây nước Mỹ.

Trump thích được tán dương, thích những màn chào đón long trọng và Modi đã khiến ông rất hài lòng. "Chúng tôi sẽ nhớ mãi sự hiếu khách tuyệt vời này", Trump nói trong tiếng hò reo của đám đông khi bà Melania ngồi kế bên. "Từ ngày này trở đi, Ấn Độ sẽ luôn giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim chúng tôi".

Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại sân vân động Sardar Patel ở bang Gujarat

Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại sân vân động Sardar Patel ở bang Gujarat

Trump ca ngợi Modi là một lãnh đạo "cực kỳ thành công", nhắc đến các tiến bộ đạt được dưới thời Thủ tướng Ấn Độ như đem điện đến tất cả ngôi làng hay thêm 320 triệu người có kết nối Internet. "Năm ngoái, hơn 600 triệu người đã đi bầu cử và trao cho ông một chiến thắng áp đảo chưa từng có trong cuộc bầu cử dân chủ lớn nhất từng được tổ chức trên Trái đất", Tổng thống Mỹ nói.

Tanvi Madan, chuyên gia từ Viện Brookings, nói rằng chuyến thăm của Trump giúp Modi xóa nhòa các tin tiêu cực khi ông đang đối mặt một số thách thức, tiêu biểu là việc đảng của ông thất bại trong cuộc bầu cử địa phương ở New Delhi. "Trump mô tả ông là một người điềm tĩnh, một lãnh đạo tuyệt vời và là người cống hiến vì nhân dân. Ông Modi hài lòng khi nhận những lời khen này", bà nói.

Trên sân khấu, hai lãnh đạo liên tục trao nhau những cái ôm và Modi cũng dành nhiều lời khen cho khách quý của mình. "Tổng thống Trump nghĩ lớn và thế giới biết ông đã làm gì để thực hiện giấc mơ Mỹ", Modi nói.

Giới chuyên gia cho rằng chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Trump đến Ấn Độ biểu thị mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa Washington và New Delhi, trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng ở Nam Á. Việc Trump dành thời gian đến Ấn Độ trong năm bầu cử là một chiến thắng lớn cho quốc gia này, Richard Rossow, chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nhận xét.

Trong bài phát biểu, Trump nhắc đến việc vài tháng trước hai nước lần đầu tiên tập trận chung trên không, trên bộ và trên biển và bày tỏ mong muốn tăng cường khả năng quân sự của Ấn Độ. "Mỹ mong muốn cung cấp cho Ấn Độ một số thiết bị quân sự tốt nhất và đáng gờm nhất hành tinh", ông nói và nhấn mạnh Mỹ ngày 25/2 ký thỏa thuận bán trực thăng quân sự tối tân và các thiết bị khác trị giá ba tỷ USD cho Ấn Độ.

Ấn Độ vốn là khách hàng khí tài quốc phòng lâu năm của Nga. Nhưng trong những năm gần đây, New Delhi ký kết ngày càng nhiều thỏa thuận quốc phòng với Washington, tổng trị giá 17 tỷ USD kể từ năm 2007. Ấn Độ là một trong 5 quốc gia chi tiêu quân sự hàng đầu năm 2018, cùng với Mỹ, Trung Quốc, Arab Saudi và Pháp.

"Tôi tin rằng Mỹ nên là đối tác quốc phòng hàng đầu của Ấn Độ. Chúng ta sẽ cùng nhau bảo vệ chủ quyền, an ninh, bảo vệ một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở cho con em và nhiều thế hệ sắp tới", Trump nói.

Chính quyền Trump đã sử dụng thuật ngữ Ấn Độ - Thái Bình Dương thay vì châu Á - Thái Bình Dương như các chính quyền tiền nhiệm, khi họ tìm cách đối trọng sức mạnh đang lên của Trung Quốc trong khu vực. Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ đặt Ấn Độ vào vị trí trung tâm.

Trong khi đó, Trung Quốc khiến Ấn Độ phải dè chừng khi đang gia tăng sức ảnh hưởng ở khắp Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương. Hải quân Trung Quốc hoạt động mạnh ở khu vực Ấn Độ Dương và đã điều tàu ngầm đến đây. Trung Quốc cũng đang tích cực xây dựng quan hệ với Sri Lanka, Pakistan, Nepal, Bangladesh và Maldives.

"Trung Quốc là sợi dây gắn kết Mỹ - Ấn với nhau, ít nhất là về mối quan hệ quốc phòng và an ninh", Rossow nói.

Trong chuyến thăm Ấn Độ, Trump đã chỉ trích Trung Quốc vài lần dù không trực tiếp nêu tên nước này. Ông ám chỉ những nghi ngờ của Washington về bảo mật công nghệ 5G của Trung Quốc. "Chúng tôi đã thảo luận về tầm quan trọng của việc bảo mật mạng 5G và nhấn mạnh công nghệ này cần được sử dụng như một công cụ phục vụ tự do, tiến bộ, thịnh vượng, chứ không phải là để đàn áp và kiểm duyệt", Trump nói.

Michael Kugelman, phó giám đốc tại Trung tâm Wilson, nói rằng tuyên bố của Tổng thống Mỹ không gây bất ngờ. "Trung Quốc thực sự phủ bóng lên mối quan hệ này. Bạn có thể nhắc đến các giá trị chung, về tình bạn giữa Modi và Trump, nhưng thực chất lợi ích là điều khiến hai nước xích lại gần nhau", ông nói. "Cả hai nước đều coi Trung Quốc như một mối lo ngại".

Trong bài phát biểu tại sân vận động, Trump gọi Modi là một "nhà đàm phán cứng rắn" và cuối cùng Trump ra về tay trắng mà không có thỏa thuận thương mại nào được ký. Vẫn còn nhiều bất đồng trong lĩnh vực kinh tế giữa hai nước khi chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Trump va chạm với chủ trương tăng cường năng lực nội địa "Make in India" của Modi.

Ấn Độ năm ngoái là một trong những quốc gia bị Trump áp thuế nhập khẩu với mặt hàng thép và nhôm, lần lượt là 25% và 10%. Tổng thống Mỹ cũng loại nhiều mặt hàng Ấn Độ khỏi chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Đây được xem là nỗ lực của ông chủ Nhà Trắng trong việc cắt giảm thâm hụt thương mại 25 tỷ USD với nền kinh tế lớn thứ ba châu Á. Thủ tướng Modi, người đang cố gắng thúc đẩy nền kinh tế vốn bị lạm phát và thâm hụt ngân sách ngày càng lớn, cũng đáp trả lại mức thuế cao hơn đối với hàng hóa Mỹ, trong đó có mặt hàng hạnh nhân California trị giá 600 triệu USD.

Tuy nhiên, Madan nói rằng kết quả này không hoàn toàn u ám. "Chuyến thăm ít nhất sẽ giúp Ấn Độ không nằm trong tầm ngắm siết gọng kềm của chính quyền Trump khi các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại tiếp tục diễn ra", bà nói.

Madan tin rằng chuyến thăm đã thành công vì "bạn không thể mong đợi lúc nào cũng đạt được một thỏa thuận hoành tráng".

Người dân Ấn Độ cũng có quan điểm tương tự. "Họ không đạt được thỏa thuận nào cũng không sao cả", Mahesh Banker, bác sĩ 50 tuổi tham gia cuộc mít tinh hôm 24/2, nói. "Ấn Độ đang tỏa sáng và Mỹ nhận ra điều đó. Đó là tất cả những gì quan trọng".

Phương Vũ (Theo CNBC/BBC)
 
Top