'Bà đầm thép' Phạm Thị Hường thâu tóm thị trường đất nền Bình Dương như thế nào?

Hong Nhung
Hong Nhung
Bình luận: 0Lượt xem: 737

Hong Nhung

Trung sĩ
Thành Viên
Được mệnh danh là "bà đầm thép" nhà đất, đại gia Phạm Thị Hường sở hữu trong tay 17 dự án với quỹ đất khủng, vị trí đẹp nhất nhì tỉnh Bình Dương.

Thị trường bất động sản tỉnh Bình Dương đã trở thành tâm điểm đầu tư của nhiều đại gia từ nhiều năm về trước. Trong khi thị trường chỉ lo hướng mắt về những con số nhích lên theo từng ngày trong giá nhà đất TP.HCM, không ít doanh nghiệp đã “tranh thủ gom hàng” từ sớm để chiếm lĩnh thị trường Bình Dương nhờ độ phủ của quỹ đất. Trong số đó, Công ty TNHH Bất động sản Phú Hồng Thịnh của “bà đầm thép” Phạm Thị Hường là nổi trội và có nhiều điều tiếng hơn cả.

"Lớn nhanh như thổi" chỉ sau vài năm

Công ty TNHH Bất động sản Phú Hồng Thịnh được thành lập vào tháng 5/2013 với ngành nghề chính là kinh doanh, cho thuê bất động sản; cho thuê mặt bằng, nhà ở, nhà xưởng, văn phòng, nhà kho; đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở (theo quy hoạch). Người đại diện theo pháp luật là ông Phạm Hữu Đức (sinh năm 1957).

Vốn điều lệ của Phú Hồng Thịnh được đăng ký là 250 tỷ đồng. Trong đó, ông Phạm Hữu Đức góp 22,5 tỷ đồng, chiếm 11%. Cổ đông lớn nhất của Phú Hồng Thịnh là bà Phạm Thị Hường khi hóp 222,5 tỷ đồng, chiếm 89% vốn điều lệ.

Chỉ trong giai đoạn từ 1/1/2016 - 15/10/2018, Phú Hồng Thịnh đã nắm trong tay 8/53 dự án nhà ở thương mại được UBND tỉnh Bình Dương cấp phép, chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn đầu tư lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

du-an-phu-hong-thinh-1143.png

Các dự án Phú Hồng Thịnh làm chủ đầu tư tại tỉnh Bình Dương.

Công ty của bà Hường đang sở hữu Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh III, VI, VIII, IX, X; Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Khang; Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Đạt; Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Phát. Với 8 dự án trên, Phú Hồng Thịnh đã “gom” được 32,8 ha, cho ra thị trường 2.630 sản phẩm, tổng vốn đầu tư lên tới 2.108,9 tỷ đồng.

Theo dữ liệu của chúng tôi, sau giai đoạn kinh doanh “lẹt đẹt” với chỉ vài con số nhỏ lẻ về doanh thu, Phú Hồng Thịnh bỗng “lớn nhanh như thổi” từ năm 2016 đến nay, tức giai đoạn có trong tay 8 dự án khủng kể trên. Từ mức 18,79 tỷ đồng trong năm 2016, công ty của bà Hường ghi nhận doanh thu tăng gấp 2.337 lần lên mốc 439,24 tỷ đồng trong năm 2019.

Doanh thu tăng nhanh như được “hô biến” nhưng Phú Hồng Thịnh lại báo lãi khiêm tốn. Suốt 4 năm qua, công ty này chưa bao giờ kê khai lợi nhuận thuần quá mốc 6,5 tỷ đồng.

doanh-thu-v-li-nhun-thun.png

“Bà đầm thép” xứ Bình Dương

Bà Phạm Thị Hường “một tay xoay chuyển càng khôn” không chỉ với mỗi Phú Hồng Thịnh. “Bà đầm thép” Bình Dương còn đang là người đại diện pháp luật cho một “hệ sinh thái” gồm Công ty TNHH TMDV Bất động sản Phú Phong, Công ty TNHH MTV TTMDV Chợ Phú Phong, Công ty TNHH Quản lý đầu tư phát triển Đô thị Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Giang Nam.

Trong đó, Đô thị Việt Nam còn góp thêm cho bà Hường 2,8 ha đất với dự án Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Phát. Dự án này được đầu tư tới 192,1 tỷ đồng và cho ra thị trường 227 sản phẩm. Công ty này được thành lập vào đầu năm 2017, bà Phạm Thị Hường góp 736 tỷ đồng, sở hữu 92% vốn điều lệ. Ông Phạm Đức Huy (SN 1986, cùng địa chỉ thường trú với bà Hường) góp 64 tỷ đồng, sở hữu 8% vốn điều lệ.

khu-nha-o-thuong-mai-phu-hong-phat-1146.jpg

Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Phát.

Với nhóm các công ty của mình, cái tên Phạm Thị Hường vươn lên thành một thế lực bất động sản lớn nhất nhì xứ Bình Dương khi làm chủ đầu tư tổng cộng 17 dự án. Tuy vậy, một số doanh nghiệp trong nhóm cũng chỉ báo lãi “bé hạt tiêu” so với doanh thu, tương tự như cách kê khai của Phú Hồng Thịnh.

Người ta gọi bà Hường là “bà đầm thép” không phải chỉ vì sở hữu nhiều công ty mà còn vì người phụ nữ này có khả năng “hô biến” tài tình ở các dự án mà nhóm công ty của bà đứng tên.

pham-thi-huong-1146.jpg

Bà Phạm Thị Hường
Giới cò đất Bình Dương nhiều năm qua luôn đua nhau rao bán đất nền cho bà Phạm Thị Hường bởi quỹ đất của “bà đầm thép” không chỉ lớn mà còn sở hữu vị trí đẹp, bám sát những cung đường lớn, có sổ đỏ rạch ròi. Phép “hô biến” của bà Hường lấy tiếng khi Đô thị Việt Nam và Phú Hồng Thịnh từng trao 480 sổ hồng cho khách hàng dự án Phú Hồng Phát và Phú Hồng Lộc trước thời hạn vào cuối năm ngoái.

Phép “hô biến” bị Bộ Công an vào cuộc

Thị trường và báo giới từ lâu đã luôn rỉ tai nhau về cách bà Phạm Thị Hường sở hữu phép “hô biến” đất tại Bình Dương. “Bà đầm thép” này (chỉ đơn giản) chuyển đổi từ đất phi nông nghiệp, đất nhà máy, xí nghiệp cũ… thành hàng nghìn đất nền để bán ra thị trường. Người ta nói rằng, nhóm công ty Phú Hồng Thịnh được UBND tỉnh Bình Dương “tin tưởng” chỉ định giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, kể cả đất công mà không cần qua đấu giá.

pham-thi-huong-khoe-so-do-1153.jpg

Bà Phạm Thị Hường từng khoe hình ảnh sở hữu nhiều sổ đỏ đất nền tại hàng loạt dự án ở Bình Dương.

Mãi đến giữa năm 2020, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công An (C03) mới có động thái chứng thực phần nào lời đồn đoán trên. C03 có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương cung cấp toàn bộ hồ sơ, để tiến hành xác minh vụ việc có dấu hiệu sai phạm liên quan tới việc phân lô bán nền và việc thực hiện các dự án của Phú Hồng Thịnh, Đô thị Việt Nam, Phú Gia Khiêm Land, Bất động sản Phú Phong. Các tài liệu này liên quan đến việc thực hiện 17 dự án bất động sản của các công ty nêu trên.

Đến giữa tháng 10 vừa qua, Bộ Tài chính có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ cho ý kiến về tình hình quản lý, sử dụng đất đai đối với 17 dự án nhà ở do các doanh nghiệp thuộc “hệ sinh thái” của bà Phạm Thị Hường làm chủ đầu tư.

Theo Bộ Tài chính, trong 17 dự án này có 5 dự án chủ đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, sau đó chuyển mục đích sử dụng đất. Sau đó, nhóm doanh nghiệp gia đình bà Hường tiến hành lập thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Với 12 dự án còn lại có 7 dự án chủ đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (nhà xưởng) của tổ chức thuê đất trả tiền một lần. 5 dự án chủ đầu tư nhận chuyển nhượng tài sản trên đất thuê (nhà xưởng) của tổ chức thuê đất trả tiền hàng năm.

cap-phep-1148.jpg

Các quyết định cấp phép phát triển dự án của UBND tỉnh Bình Dương cho Công ty Phú Hồng Thịnh.

Cơ quan này cho rằng, các dự án chuyển nhượng đất có nguồn gốc chuyển đổi mục đích từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai và vi phạm pháp luật quy hoạch, quản lý, sử dụng đất tại đô thị.

Theo Thanh tra Chính phủ, đây là các vụ việc phức tạp và được công luận phản ánh nhưng báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương chưa làm rõ hết nội dung. Dự kiến, Thanh tra Chính phủ sẽ triển khai thanh tra tại tỉnh Bình Dương trong quý 4/2020.

Phú Hồng Thịnh luôn “thượng tôn pháp luật”?

Trước những phản ánh của báo giới và thông tin điều tra của cơ quan chức năng, Phú Hồng Thịnh đã có phản hồi.

Công ty này cho rằng, đặc thù của Bình Dương trước đây là có rất nhiều nhà máy, xí nghiệp công nghiệp hình thành ngay trong lòng các khu dân cư đến năng lực sản xuất hạn chế và gây ô nhiễm môi trường. Nhu cầu về nhà ở của cán bộ công nhân viên chức, công nhân lao động tập trung về Bình Dương làm việc và lập nghiệp ngày càng cao.

Chính vì thế, phía bà Hường đã “bám sát chủ trương của tỉnh”, mạnh dạn đề xuất xin mua lại các công ty trên, ứng vốn để các doanh nghiệp gặp khó khăn đầu tư xây dựng lại nhà xưởng trong các khu công nghiệp tập trung, sau đó xin chuyển mục đích sử dụng đất, cải tạo lại mặt bằng để phát triển thành các dự án bất động sản với các tiêu chuẩn về kết nối giao thông, hạ tầng điện nước đúng chuẩn đô thị hiện đại của nhà nước và chính quyền địa phương.

giao-so-do-1154.jpg

Bà Hường và Phú Hồng Thịnh từng tổ chức nhiều buổi lễ giao sổ đỏ trước hạn cho khách hàng.

“Các dự án do Phú Hồng Thịnh triển khai đều cơ bản chấp hành đúng quy định về pháp luật đất đai, luật kinh doanh bất động sản; thực hiện nghĩa vụ tài chính kịp thời, đầy đủ theo thông báo của cơ quan thuế; thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân kịp thời đạt tỷ lệ cao; thực hiện tốt các hạng mục hạ tầng kỹ thuật của các dự án góp phần chỉnh trang đô thị, tạo diện mạo mới cho đô thị Bình Dương khang trang, hiện đại”, phía bà Phạm Thị Hường khằng định.

Phú Hồng Thịnh dẫn kết luận của các cơ quan chức năng Bình Dương cho biết, đối với các dự án do Công ty Bất động sản Phú Hồng Thịnh làm chủ đầu tư trên khu đất trước đó là nhà xưởng không thuộc diện đưa ra đấu giá mới được quyền sở hữu.

Đối với trường hợp này không thuộc Nhà nước thu hồi theo quy định của luật trên. Trước khi thực hiện các dự án nêu trên, chủ đầu tư đã thực hiện hợp đồng mua bán tài sản gắn liền với đất thuê, bên bán cam kết tự nguyện trả lại đất thuê để bên mua thực hiện đăng ký dự án khu nhà ở.

Đại diện công ty của bà Hường khẳng định: “Thượng tôn pháp luật, tâm huyết trong từng dự án, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng… là những yếu tố đã tạo nên sự thành công của Bất động sản Phú Hồng Thịnh trong nhiều năm qua”.

Theo kết luận điều tra gần đây, việc sai phạm trong đất đai của 17 dự án có sự tiếp tay từ cán bộ địa chính phường, UBND phường và các phòng, ban chuyên môn và cả một phó chủ tịch UBND thị xã (nay là thành phố Thuận An).

Đáng chú ý, chỉ trong vòng một năm, ông Đặng Văn Ba, khi đó là phó chủ tịch UBND thị xã Thuận An, phụ trách đất đai, đã ký 1.059 sổ đỏ chỉ cho bốn người trong gia đình bà Phạm Thị Hường.

Kết luận của UBND tỉnh Bình Dương cho rằng ông Đặng Văn Ba đã cố ý vi phạm quy định về đất đai. Khi sự việc sai phạm xảy ra, người này tiếp tục tự ý "chỉ đạo cấp dưới làm sai trái, đã làm thất thu ngân sách nhà nước nhiều tỷ đồng".

can-bo-binh-duong-sai-pham-1159.jpg

Danh sách cán bộ Bình Dương sai phạm về đất đai. Đồ hoạ: Tuổi Trẻ
 
Top